19/08/2012 07:30 GMT+7

20 thuyền người Nhật đến đảo Senkaku

SƠN HÀ
SƠN HÀ

TT - Hôm qua 18-8, phía Nhật đã có những động thái khẳng định chủ quyền quần đảo Senkaku sau khi trục xuất 14 người Trung Quốc xâm nhập trái phép quần đảo này.

Nhật Bản thả các nhà hoạt động Trung QuốcNhật trục xuất 14 người Trung Quốc vào SenkakuNhật tháo ngòi nổ trên biển Hoa Đông

WVFZERgc.jpgPhóng to

Tàu cá chở 14 người Trung Quốc bị trục xuất từ một cảng ở thành phố Ishigaki về Hong Kong - Ảnh: Reuters

Theo báo Asahi Shimbun, một đoàn 20 thuyền chở các công dân Nhật, bao gồm một số nghị sĩ quốc hội, đã rời bến ở đảo Ishigaki để lên đường tới quần đảo Senkaku. Trong khi đó, nhà lãnh đạo cao cấp của Đảng Dân chủ Nhật Seiji Maehara kêu gọi chính phủ tăng cường sức mạnh của lực lượng tuần duyên (JCG) để bảo vệ quần đảo Senkaku.

“Các quan chức JCG đang nỗ lực hết sức, do đó chính phủ và các đảng sẽ thảo luận việc tăng cường sức mạnh cho JCG - ông Maehara cho biết - Chúng ta cần thảo luận không chỉ về việc tăng cường số lượng con người và tàu mà cả về các hình thức hỗ trợ khác”. Trước đó, một số nghị sĩ Quốc hội Nhật đã chỉ trích JCG không hoàn thành nhiệm vụ khi không thể ngăn chặn nhóm người Trung Quốc tiếp cận quần đảo Senkaku.

Trung Quốc tiếp tục cứng rắn

Nhật phản ứng Hàn Quốc

Theo báo Asahi Shimbun, mới đây Bộ Tài chính Nhật tuyên bố có thể ngừng một số hình thức hợp tác tài chính với Hàn Quốc để phản ứng việc Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung Bak đến thăm quần đảo tranh chấp Dokdo/Takeshima. Một trong số đó là thỏa thuận trao đổi ngoại hối trị giá hàng chục tỉ USD. Chính quyền Tokyo dự kiến cũng sẽ đưa vấn đề Dokdo/Takeshima ra Tòa án công lý quốc tế kể cả khi Seoul từ chối.

Trong khi đó, chính quyền Trung Quốc tiếp tục đưa ra các tuyên bố cứng rắn. Theo Tân Hoa xã, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đòi Nhật phải ngừng mọi hành động “gây phương hại đến chủ quyền lãnh thổ Trung Quốc”. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc mô tả việc JCG bắt giữ người Trung Quốc xâm nhập quần đảo Senkaku là “hành vi xâm hại nghiêm trọng chủ quyền Trung Quốc”.

Tờ Thời báo Hoàn Cầu sôi sục luận điệu hiếu chiến. “Trung Quốc sẽ không thỏa hiệp. Trong tương lai, Trung Quốc sẽ thực hiện nhiều hành động khác nhau để khẳng định chủ quyền quần đảo Điếu Ngư (cách Trung Quốc gọi quần đảo Senkaku), buộc Nhật phải dần từ bỏ việc kiểm soát quần đảo này”. Truyền thông Trung Quốc tung hô 14 người bị Nhật trục xuất về nước là “anh hùng dân tộc”.

Trên tạp chí The Atlantic, nhà phân tích Sheila A. Smith thuộc tổ chức nghiên cứu Hội đồng Quan hệ quốc tế (Mỹ) cho biết căng thẳng giữa Nhật và Trung Quốc về quần đảo Senkaku âm ỉ từ nhiều năm qua. Nhưng căng thẳng bùng phát dữ dội sau vụ hai tàu cá Trung Quốc cố tình đâm vào tàu JCG ngoài khơi quần đảo Senkaku hồi tháng 9-2010. Giới quan sát nhận định Nhật đã có những nỗ lực làm dịu quan hệ với Trung Quốc, điển hình như việc nhanh chóng trục xuất 14 người Trung Quốc xâm nhập trái phép mới đây.

Tuy nhiên, chính quyền Trung Quốc tiếp tục triển khai tàu dân sự và tàu tuần tra xâm nhập vùng biển gần quần đảo Senkaku. Tạp chí Time dẫn lời chuyên gia Brad Glosserman thuộc Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế nhận định các nhà lãnh đạo Trung Quốc không muốn bị coi là “mềm yếu” khi đang thực hiện cuộc chuyển giao quyền lực trong năm nay. Đồng thời nền kinh tế Trung Quốc đang suy giảm, tham nhũng tràn lan, xung đột xã hội bùng nổ.

Do đó, Bắc Kinh tận dụng tâm lý dân tộc cực đoan để chủ động “chuyển lửa ra bên ngoài” ở biển Hoa Đông và biển Đông. Theo báo chí Nhật, thậm chí dư luận Trung Quốc và một số quan chức quân đội theo đường lối cứng rắn còn đang đòi chủ quyền cả quần đảo Ryukyu của Nhật, trong đó có đảo Okinawa nơi quân đội Mỹ đặt căn cứ không quân. Nhưng chính Bắc Kinh đang gặp khó khăn trong việc kiểm soát tâm lý dân tộc cực đoan, dẫn tới những va chạm nghiêm trọng với các nước láng giềng như Nhật.

Thủ tướng Noda sẽ phải làm gì?

Giới quan sát nhận định một điều đáng lo ngại là việc Trung Quốc chủ động gây căng thẳng cũng sẽ khiến dư luận Nhật phẫn nộ và phản ứng mạnh mẽ. Báo Japan Times cho biết Thị trưởng Tokyo Shintaro Ishihara khẳng định chính quyền Tokyo cần phải đẩy nhanh kế hoạch mua lại quần đảo Senkaku, hiện do một gia đình Nhật làm chủ. Kế hoạch của ông Ishihara đến nay đã thu hút được 17 triệu USD tiền quyên góp.

Chuyên gia Smith cảnh báo với việc tuần duyên Đài Loan thường xuyên triển khai tàu hỗ trợ tàu cá chủ động xâm nhập vùng biển quanh quần đảo Senkaku và giờ đây là Trung Quốc tham gia, xung đột có thể bùng phát trên biển Hoa Đông. “Việc đổ lỗi và trả đũa chỉ gây ra xung đột và sẽ dẫn tới chiến tranh” - chuyên gia Smith nhận định. Sức ép từ dư luận trong nước đối với Thủ tướng Nhật Yoshihiko Noda về quần đảo Senkaku sẽ rất lớn.

Giới quan sát nhận định hiện ông Noda vẫn đang thực hiện chính sách xử lý vấn đề chủ quyền quần đảo Senkaku một cách bình tĩnh và nhất quán. Tuy nhiên, ông sẽ phải phản ứng lại việc tàu từ Hong Kong, Đài Loan và Trung Quốc liên tục tiến tới quần đảo Senkaku. Theo chuyên gia Smith, chính quyền Nhật và đặc biệt là Trung Quốc phải nhắc nhở đất nước rằng đàm phán hòa bình là phương thức duy nhất để giải quyết tranh chấp.

SƠN HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên