22/10/2017 16:24 GMT+7

20 năm Internet ở Việt Nam - Kỳ 7: 'Cửa ngõ' cáp quang

ĐỨC THIỆN
ĐỨC THIỆN

TTO - Nếu ví hệ thống mạng Internet tại Việt Nam là một ngôi nhà thì các tuyến cáp quang biển chính là "cửa ngõ" để chúng ta kết nối với thế giới liên tục 24/7.

20 năm Internet ở Việt Nam - Kỳ 7: Cửa ngõ cáp quang - Ảnh 1.

Sơ đồ tuyến cáp quang biển AAG nối Việt nam - Châu Á - Mỹ...

Nói như vậy bởi các tuyến cáp quang biển đang chiếm hầu hết lưu lượng kết nối quốc tế của Việt Nam, cáp quang đất liền chỉ chiếm ở mức nhỏ và vệ tinh gần như không đáng kể.

AAG - tuyến cáp chủ lực

Trước năm 2009, Internet Việt Nam kết nối quốc tế hoàn toàn phụ thuộc vào hai tuyến cáp quang biển là TVH (Thái Lan - Việt Nam - Hong Kong) và SMW3 với lưu lượng khá hạn hẹp. TVH có lưu lượng thiết kế mỗi hướng chỉ 560Mbps, SMW3 lên đến 320Gbps, còn lại kết nối qua các tuyến cáp đất liền.

Thời gian trung bình để khắc phục xong một sự cố cáp kể từ lúc xảy ra là 3-4 tuần

Tháng 11-2009, tuyến cáp quang biển AAG chính thức được đưa vào vận hành. AAG có chiều dài 20.000km, kết nối trực tiếp từ khu vực Đông Nam Á tới Mỹ, đi qua các nước và vùng lãnh thổ như: Malaysia, Singapore, Thái Lan, Việt Nam (điểm cập bờ tại Vũng Tàu), Brunei, Hong Kong, Philippines và Hoa Kỳ. 

AAG được thiết kế với lưu lượng ban đầu là 2Tbps (2.000Gbps) và được nâng cấp theo thời gian.

Khi đó, ông Nguyễn Hữu Khánh, giám đốc Công ty Viễn thông quốc tế (VTI) thuộc Tập đoàn VNPT, cho biết việc đưa hệ thống AAG vào hoạt động sẽ đáp ứng được nhu cầu sử dụng băng thông rộng ngày càng tăng của Việt Nam, đặc biệt là các dịch vụ ứng dụng băng rộng như: video, truyền dữ liệu và các dịch vụ đa phương tiện khác. 

Dung lượng của tuyến cáp có thể hỗ trợ cùng lúc 130.000 đường truyền tín hiệu truyền hình độ phân giải cao (HDTV). 

Đây cũng là tuyến cáp dự phòng cho các tuyến cáp khác trong trường hợp xảy ra sự cố. Đồng thời, tuyến TVH cũng được dự kiến cho "về hưu" cuối năm 2009.

Cũng trong tháng 11-2009, tuyến cáp Liên Á được đưa vào hoạt động nhưng với tổng dung lượng ban đầu chỉ có 320Gbps. Trong đó, Công ty viễn thông điện lực EVNTelecom (đơn vị duy nhất của Việt Nam tham gia khai thác lúc đó) được sử dụng 50Gbps.

Từ đó mãi đến cuối năm 2016, chúng ta mới có thêm tuyến cáp quang biển mới là APG. Như vậy có thể thấy trong khoảng thời gian từ 2010 - 2016, AAG đóng vai trò chủ lực, là "mạch máu" chính nuôi sống và phát triển Internet Việt Nam cho đến ngày hôm nay. 

Cụ thể, theo thống kê của Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC), năm 2009 chúng ta có 22,77 triệu người sử dụng Internet, chiếm 26,55% tổng dân số. Băng thông kết nối quốc tế lúc đó chỉ nhỉnh hơn 100Gbps mà thôi. 

Vậy mà đến năm 2012, chúng ta đã tăng vọt lên 31,2 triệu người dùng Internet, chiếm hơn 35,4% tổng dân số. 

Đặc biệt, băng thông kết nối quốc tế đạt đến hơn 340Gbps, hơn cả lưu lượng tổng trên mỗi tuyến của SMW3 và Liên Á. 

Và đến cuối năm 2016, băng thông kết nối đi quốc tế của Việt Nam đã tăng lên đến hơn 3,8Tbps (gấp 38 lần so với trước khi có AAG). Trong đó, hơn 60% Internet quốc tế của Việt Nam đều đi qua AAG.

Tại sao cáp quang biển hay đứt?

Trước đây, khi trả lời phỏng vấn của Tuổi Trẻ về nguyên nhân tuyến cáp AAG thường xuyên bị đứt, ông Nguyễn Văn Khoa, tổng giám đốc FPT Telecom, đã nói: "Về bản chất, các tuyến cáp quang biển đều rất phức tạp và phụ thuộc vào nhiều yếu tố: thời tiết, tàu bè qua lại, địa chất... Tôi có thể khẳng định tất cả các tuyến cáp quang biển đều đã từng gặp sự cố".

Các chuyên gia cũng cho rằng khu vực Biển Đông của Việt Nam, cũng như vùng biển Singapore vốn là nơi có hoạt động hàng hải vô cùng tấp nập. 

Những chiếc tàu siêu trọng tải đi qua lại hằng ngày là chuyện bình thường. Việc các tuyến cáp quang bị mỏ neo tàu móc phải không phải là hi hữu. 

Bên cạnh đó, tình hình thời tiết trên Biển Đông cũng luôn phức tạp với khá nhiều cơn bão gây nên sự cố đối với các tuyến cáp quang biển.

Còn nhớ năm 2007, tuyến cáp TVH bị cắt đứt gây ảnh hưởng và thiệt hại vô cùng lớn cho mạng viễn thông nói chung và Internet Việt Nam đi quốc tế nói riêng thời điểm đó. 

Thế nhưng nguyên nhân lại do chính người dân gây ra. 11km cáp, nặng khoảng 100 tấn, trị giá khoảng 6,8 triệu USD được người dân cắt đem đi bán... phế liệu.

20 năm Internet ở Việt Nam - Kỳ 7: Cửa ngõ cáp quang - Ảnh 3.

Thi công cáp quang biển cập bờ Việt Nam - Ảnh: VNPT

Thời gian sửa kéo dài?

Khi có một sự cố đứt cáp quang biển xảy ra, đài kiểm soát khu vực xảy ra sự cố sẽ tiến hành đo và xác định vị trí điểm đứt rồi tiến hành thông báo lên hệ thống về vị trí đứt cáp, chẳng hạn vị trí đứt cáp cách bờ biển Vũng Tàu 200km. 

Sau đó đơn vị vận hành cáp sẽ liên hệ với đội tàu sửa cáp để đăng ký lịch sửa chữa. Tàu sửa cáp là loại tàu đặc biệt rất lớn và có nhiều trang thiết bị kỹ thuật hiện đại để phục vụ công việc sửa cáp.

Khi một tàu nhận được lệnh, chiếc tàu đó và đơn vị vận hành cáp phải gửi đơn đến chính phủ của quốc gia, lãnh thổ có hải phận đang xảy ra sự cố cáp để xin phép cho tàu di chuyển vào hải phận xử lý sự cố. 

Thời gian xác định vị trí sự cố thường mất một ngày, đăng ký tàu mất thêm một ngày, thời gian xin phép chính phủ mất thêm trung bình một tuần.

Việc tàu di chuyển đến vị trí xảy ra sự cố nhanh hay chậm còn tùy thuộc vào vị trí của tàu khi nhận lệnh. Nếu tàu ở Singapore di chuyển qua Vũng Tàu của Việt Nam thì sẽ nhanh, nhưng nếu tàu đang ở Nhật Bản thì sẽ lâu hơn. 

Thời gian di chuyển trung bình của tàu là ba đến bốn ngày. Tất nhiên đơn vị vận hành cáp luôn cố gắng tìm kiếm chiếc tàu ở gần nơi xảy ra sự cố nhất và đang "rảnh rỗi" nhất. Khi tàu đến vị trí xảy ra sự cố chưa chắc việc sửa chữa đã được tiến hành ngay nếu gặp lúc biển động mạnh.

Sau khi khoanh vùng được vị trí đoạn cáp bị đứt, tàu sẽ cho thợ lặn lặn xuống kiểm tra và cố định vị trí đứt cáp. Sau đó robot sẽ lặn xuống kẹp hai đầu đoạn cáp bị đứt và đưa lên trên tàu để tiến hành hàn. 

Thời gian hàn mất từ ba đến bốn ngày, rồi mới tiến hành thả lại cáp xuống biển. Nếu đáy biển sâu khoảng 100m trở lại thì robot sẽ đưa cáp xuống đáy biển, thổi bùn, chôn cáp. Như vậy thời gian trung bình để khắc phục xong một sự cố cáp kể từ lúc xảy ra là 3-4 tuần.

Tại sao chọn cáp quang?

Hiện nay, Việt Nam đang tham gia khai thác một số tuyến cáp quang biển quốc tế như sau: AAG (Asia - America Gateway), SMW3 (hay còn gọi là SEA - ME - WE3), Liên Á (IA - Intra Asia), APG (Asia Pacific Gateway) và mới đây nhất là tuyến AAE-1 (Asia - Africa - Euro 1).

Ngày nay, cáp quang biển là cầu nối viễn thông, Internet giữa tất cả các châu lục toàn cầu (trừ Nam Cực).

Cáp quang biển được dùng để chỉ các cáp viễn thông có lõi bằng sợi thủy tinh hoặc nhựa, và sử dụng ánh sáng để truyền dẫn tín hiệu, được đặt dưới đáy biển.

Chúng có vỏ bảo vệ nhiều lớp để đảm bảo độ an toàn. Sợi cáp quang biển điển hình có đường kính 69mm, nặng trung bình khoảng 10kg/m.

_______

Kỳ tới: Dũng cảm để không sợ hãi

ĐỨC THIỆN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên