24/03/2023 09:43 GMT+7

20 năm 'cho mùa bội thu' và khát vọng vượt biển lớn

Phương châm của khẩu hiệu "Cho mùa bội thu" của sản phẩm Đạm Phú Mỹ cũng chính là ước mơ bao đời của người nông dân.

Dây chuyền sản xuất NPK tại Nhà máy Đạm Phú Mỹ - Ảnh: Đ.P.M

Dây chuyền sản xuất NPK tại Nhà máy Đạm Phú Mỹ - Ảnh: Đ.P.M

Sau 2 thập niên phát triển, vượt khỏi khuôn khổ thương hiệu của một sản phẩm, "Cho mùa bội thu" đã gắn liền với sứ mệnh phụng sự người nông dân và khát vọng xây dựng nền nông nghiệp phồn vinh của Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (PVFCCo).

Từ quyết sách dũng cảm...

Cuối thập niên 1990, nền nông nghiệp Việt Nam bị kìm hãm bởi nhiều yếu tố trong đó có nguyên nhân về việc thiếu tự chủ nguồn cung phân bón.

Lúc bấy giờ, cả nước có duy nhất một nhà máy sản xuất phân urê với công suất chỉ đủ để đáp ứng từ 5-7% nhu cầu nội địa và trên 90% còn lại phụ thuộc rất lớn vào thị trường quốc tế.

Phân bón là vật tư đầu vào quan trọng và chiếm tỉ trọng cao trong chi phí sản xuất nông nghiệp.

Việc không tự chủ được nguồn cung dẫn đến hoạt động sản xuất nông nghiệp mất ổn định. Những biến động của nguồn phân bón nhập khẩu, dù "sốt nóng" hay "sốt lạnh", đều tác động rõ rệt đến cơ cấu mùa vụ, năng suất cây trồng cũng như chi phí sản xuất.

Hậu quả: nông dân là người gánh chịu trực tiếp cũng như ảnh hưởng đến an ninh nông nghiệp và an ninh lương thực nước nhà.

Chính vì thế, sự đầu tư xây dựng một nhà máy phân bón công suất lớn từ nguồn nguyên liệu khí, cụ thể là Nhà máy Đạm Phú Mỹ, được xem là nhu cầu tất yếu để "cởi trói" cho nền nông nghiệp Việt Nam.

Mục đích xây dựng nhà máy để góp phần mang lại cuộc sống ấm no cho người nông dân với mùa vụ "bội thu", song hành trình đó không hề dễ dàng.

Từ những buổi đầu khi còn "phôi thai", dự án xây dựng Nhà máy Đạm Phú Mỹ đã gặp không ít khó khăn.

Tại thời điểm đó, dự án phải đối mặt với bài toán về hiệu quả kinh tế trong bối cảnh giá cả phân bón sụt giảm, có khi xuống dưới 100 USD/tấn, trong khi chi phí xây dựng nhà máy lại rất lớn.

Yếu tố "thiên thời" gặp khó, trong khi đó yếu tố "nhân hòa" cũng chưa được đồng thuận cao bởi vấp phải sự hoài nghi do ngành dầu khí thời điểm bấy giờ mới chỉ có kinh nghiệm triển khai các công trình khai thác dầu khí chứ chưa triển khai các công trình khác.

Thế nhưng, sau 20 năm nhìn lại, ông Bỳ Văn Tứ, nguyên trưởng Ban quản lý dự án Nhà máy Đạm Phú Mỹ, cho rằng: "Quyết định đầu tư xây dựng Nhà máy Đạm Phú Mỹ không chỉ có sự dũng cảm mà còn hết sức đúng đắn, thể hiện một tầm nhìn chiến lược sáng suốt và dài hạn.

Nhà máy Đạm Phú Mỹ ra đời cơ bản giải quyết vấn đề phụ thuộc vào nguồn cung phân bón ngoại, đảm bảo an ninh lương thực và góp phần vào sự nghiệp phát triển nông nghiệp nước nhà".

Năm 2004, Nhà máy Đạm Phú Mỹ đi vào hoạt động. Sự ra đời của những hạt đạm đầu tiên tại nhà máy này đã đánh dấu bước ngoặt cho ngành hóa dầu và góp phần thay đổi diện mạo nền nông nghiệp trong nước.

Sản phẩm Đạm Phú Mỹ với logo ngọn lửa và màu xanh vàng đã trở nên quen thuộc với bất kỳ ai làm nghề nông, và lời cam kết từ những ngày đầu xây dựng đã được thực hiện.

Sản phẩm Đạm Phú Mỹ nhận được lòng tin của đông đảo nông dân bởi chất lượng cao, có giá thành ổn định giúp tiết kiệm chi phí đầu vào và mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Những nỗ lực mang lại "mùa bội thu" đã được công nhận khi Đạm Phú Mỹ trở thành "Thương hiệu quốc gia", góp phần đưa PVFCCo vào "Top 40 thương hiệu giá trị nhất Việt Nam" từ năm 2016 đến nay.

Vai trò của Nhà máy Đạm Phú Mỹ càng thể hiện rõ nét trong bối cảnh thị trường phân bón thế giới chịu tác động mạnh bởi COVID-19 và sự bất ổn về chính trị - kinh tế do xung đột Nga - Ukraine.

Chuỗi cung ứng bị đứt gãy, giá phân bón trên thị trường quốc tế tăng cao, PVFCCo cùng các đơn vị sản xuất khác đã góp phần đảm bảo nguồn cung và bình ổn thị trường phân bón trong nước.

20 năm 'cho mùa bội thu' và khát vọng vượt biển lớn - Ảnh 3.

... đến vị thế đầu ngành, vươn ra thế giới

Hiện thực hóa mong muốn mang đến cho người dân cuộc sống ấm no với mùa "bội thu", PVFCCo không ngừng nghiên cứu, mở rộng và lần lượt bổ sung vào danh mục phân bón những sản phẩm mới như: Kali Phú Mỹ, NPK Phú Mỹ, Đạm Phú Mỹ - Kebo, NPK Phú Mỹ - vi sinh, dòng sản phẩm phân bón hỗn hợp vô cơ chứa vi sinh vật có ích đầu tiên trên thị trường, dòng sản phẩm Phu My Garden chuyên dùng cho nông nghiệp đô thị...

Trải qua 2 thập niên vận hành, Nhà máy Đạm Phú Mỹ đáp ứng hơn 40% nhu cầu phân urê trong nước, với công suất kỷ lục năm 2022 đạt gần 920.000 tấn, vượt xa công suất ban đầu là 740.000 tấn năm 2004, giảm đáng kể ngoại tệ nhập khẩu, qua đó góp phần đưa Việt Nam thành cường quốc xuất khẩu nông sản của thế giới.

Không chỉ chiếm lĩnh vị thế dẫn đầu trên thị trường phân bón, PVFCCo còn đẩy mạnh phát triển mảng hóa chất.

Liên tục trong các năm từ 2015 đến 2018, việc vận hành xưởng sản xuất UFC, xưởng hóa phẩm dầu khí, mở rộng phân xưởng NH3 của Nhà máy Đạm Phú Mỹ lên đến 540.000 tấn/năm đã giúp cho PVFCCo trở thành một trong những nhà cung cấp hóa chất chuyên dụng lớn nhất Việt Nam.

Sản phẩm UFC85 do PVFCCo độc quyền sản xuất đã thay thế hoàn toàn nguồn nhập khẩu. Bên cạnh đó, hằng năm đơn vị này còn cung ứng cho thị trường 80.000 tấn amoniac, chiếm khoảng 90% thị trường phía Nam.

Từ một nước nhập khẩu đến 90% nguồn phân bón, giờ đây PVFCCo với mục tiêu trở thành doanh nghiệp nông nghiệp và hóa chất toàn cầu đã chinh phục cả những thị trường khó tính như Ấn Độ, Úc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan..., sản lượng xuất khẩu năm 2022 đạt gần 200.000 tấn.

Trong bối cảnh mới với những biến động khách quan tác động đang mạnh mẽ thị trường phân bón như chuyển đổi số, chuyển đổi năng lượng, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn..., PVFCCo dần chuyển mình hướng đến mục tiêu phát triển bền vững, định vị thương hiệu trở thành nhà sản xuất phân bón, hóa chất, năng lượng xanh tiên phong tại Việt Nam.

Chuỗi các sản phẩm/dịch vụ liên quan đến phân bón/nông nghiệp và hóa chất, hóa dầu sẽ là ba trục chính trong chiến lược phát triển đến năm 2030.

20 năm xây dựng văn hóa doanh nghiệp và trách nhiệm xã hội

Trải qua 20 năm với nhiều thành tựu và không ít khó khăn, PVFCCo đã vượt qua nhờ sự phát huy giá trị của doanh nghiệp. Bước sang trang mới với tầm nhìn và chiến lược thay đổi, hệ giá trị cốt lõi sẽ được xác lập là "Tiên phong - Sáng tạo - Chuyên nghiệp, Hiệu quả - Sẻ chia".

Chương trình "Xuân yêu thương, Tết sẻ chia"Ảnh: Đ.P.M

Chương trình "Xuân yêu thương, Tết sẻ chia"Ảnh: Đ.P.M

Một trong những yếu tố đóng góp cho sự phát triển bền vững của PVFCCo là văn hóa "Sẻ chia" với cộng đồng. Kinh phí gần 1.200 tỉ đồng dành cho các hoạt động an sinh xã hội, từ các công trình hạ tầng, dự án tạo sinh kế, chăm sóc sức khỏe cho đến các chương trình cứu trợ khẩn cấp.

Qua 20 năm, PVFCCo đã thực hiện sứ mệnh mang đến giá trị tốt đẹp cho xã hội với gần 26.000 căn nhà đại đoàn kết và nhà tình nghĩa, gần 300 công trình y tế, giáo dục, cầu nông thôn và hàng trăm ngàn phần quà cứu trợ nạn nhân thiên tai, quà Tết cho người nghèo.

Đạm Phú Mỹ: Thay đổi diện mạo thị trường phân bón trong nướcĐạm Phú Mỹ: Thay đổi diện mạo thị trường phân bón trong nước

TTO - Ngày 15-7-2017, Nhà máy Ðạm Phú Mỹ thuộc Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (PVFCCo) đã đạt mốc sản lượng 10 triệu tấn urê sau hơn 13 năm hoạt động và ghi thêm dấu ấn quan trọng đối với thị trường phân bón VN.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên