25/04/2020 11:16 GMT+7

2 bang và các tập thể, cá nhân ở Mỹ kiện Trung Quốc vụ corona có thành công không?

D. KIM THOA
D. KIM THOA

TTO - Ngày 21-4, Missouri trở thành bang đầu tiên của Mỹ kiện Trung Quốc 'vì một chiến dịch lừa dối đáng sợ' liên quan đại dịch COVID-19. Một ngày sau đó, bang Mississippi cũng hé lộ kế hoạch khởi kiện tương tự.

2 bang và các tập thể, cá nhân ở Mỹ kiện Trung Quốc vụ corona có thành công không? - Ảnh 1.

Các củ khoai tây, trong số lượng khoai tây khổng lồ “ế khách” vì dịch bệnh COVID-19, được chất đống sau một chiếc xe hơi ở Picabo, bang Idaho (Mỹ) hôm 23-4 - Ảnh: Reuters

Trong đơn kiện, tổng trưởng lý bang Missouri, ông Eric Schmitt, cáo buộc "Chính phủ Trung Quốc đã nói dối thế giới về sự nguy hiểm và bản chất lây nhiễm của COVID-19, bịt miệng những người cảnh báo dịch bệnh và ít hành động để ngăn chặn dịch bệnh lây lan". 

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, các vụ kiện này mang màu sắc chính trị hơn là ý nghĩa pháp lý.

Rào cản "quyền miễn trừ quốc gia"

Tờ Washington Post dẫn quan điểm của ông John B. Bellinger III - nguyên cố vấn pháp lý của Bộ Ngoại giao Mỹ giai đoạn 2005-2009 và nguyên cố vấn pháp lý cho Hội đồng An ninh quốc gia giai đoạn 2001-2005 dưới thời tổng thống George W. Bush - cho rằng những vụ kiện này sẽ bị lờ đi vì các chính phủ nước ngoài được hưởng quyền miễn trừ quốc gia (state immunity) khỏi việc kiện tụng tại các tòa án Mỹ căn cứ theo Đạo luật miễn trừ đối với quốc gia có chủ quyền (Foreign Sovereign Immunities Act - FSIA).

Đạo luật phê chuẩn năm 1976 này nêu rõ các chính phủ có chủ quyền không thể bị kiện tại tòa án của các quốc gia khác.

Tương tự, tờ USA Today dẫn quan điểm của ông Jonathan Turley, giáo sư luật hiến pháp tại ĐH George Washington, cho rằng "những vụ kiện thế này là cực kỳ khó khăn" vì Trung Quốc được bảo vệ bởi FSIA.

Dĩ nhiên cũng có một số yếu tố ngoại lệ liên quan tới các hoạt động thương mại hoặc hành vi gây hại của Trung Quốc ở Mỹ. 

Tuy nhiên, chưa có bằng chứng nào cho thấy Trung Quốc đã cố ý gây ra những hành động sai trái ở Mỹ, hay đại dịch COVID-19 phát sinh từ các hoạt động thương mại của Trung Quốc tại Mỹ.

Giáo sư Jonathan Turley nói thêm: "Những ngoại lệ này là khá hẹp và hiếm khi được các tòa Mỹ chấp nhận".

Giới lập pháp Mỹ cũng đã soạn luật nhằm loại bỏ quyền miễn trừ quốc gia của Trung Quốc tại các tòa Mỹ. 

Chẳng hạn, nhiều nghị sĩ Mỹ, trong đó có hai thượng nghị sĩ của Đảng Cộng hòa là Tom Cotton và Josh Hawley đã soạn luật nhằm tước bỏ quyền miễn trừ quốc gia của một chính phủ nước ngoài vì bất cứ hành động nào nhằm cố tình che giấu hoặc bóp méo thông tin về sự tồn tại cũng như bản chất của virus corona.

Ông Hawley cáo buộc Trung Quốc đã buông lỏng đại dịch COVID-19 và "cần trao thêm quyền cho người Mỹ cũng như các nạn nhân khác trên thế giới để được đền bù những tổn thất".

Dự luật của ông Cotton và ông Hawley có vẻ được căn cứ theo mô hình Luật công lý chống tài trợ chủ nghĩa khủng bố (JASTA) được Quốc hội Mỹ thông qua năm 2016. 

Luật này cao hơn cả lệnh phủ quyết của tổng thống, cho phép người Mỹ được khởi kiện chống lại Saudi Arabia và các chính phủ khác vì những hành động ủng hộ chủ nghĩa khủng bố.

Có thể gây phản ứng ngược

Tuy nhiên theo báo Washington Post, ngay cả khi luật được kích hoạt, những nỗ lực ấy vẫn không thể giúp người Mỹ thắng kiện, thậm chí còn gây phản ứng ngược khi Bắc Kinh có động thái đáp trả.

Bởi lẽ, nguyên tắc miễn trừ với các quốc gia có chủ quyền được thực hiện trên cơ sở có đi có lại. Việc Mỹ tôn trọng nguyên tắc này dĩ nhiên không phải vì ủng hộ quốc gia nào khác, mà bởi vì họ kỳ vọng các nước khác cũng tôn trọng và bảo vệ quyền miễn trừ đó với Mỹ.

Washington đã từng phản ứng dữ dội khi các nước khác cho phép điều tra chính phủ cũng như quan chức Mỹ vì những hành động quân sự gây tranh cãi. 

Theo lý có qua có lại này, không ngạc nhiên khi Trung Quốc cũng có thể trả đũa bằng cách cho phép người dân nước họ khởi kiện Chính phủ Mỹ hay các quan chức Mỹ tại Trung Quốc vì các cáo buộc nói Trung Quốc đã cố tình làm ra dịch bệnh COVID-19.

Trên thực tế, sau khi bỏ phiếu phê chuẩn JASTA năm 2016, một số nghị sĩ Cộng hòa ngay lập tức bày tỏ lo ngại. Lãnh đạo phe đa số ở Thượng viện, ông Mitch McConnell, nói việc xóa bỏ quyền miễn trừ của các chính phủ nước ngoài có thể gây ra "những hậu quả không mong muốn".

Chuyên gia John B. Bellinger III cho rằng mặc dù không kiện, nhưng chính quyền Mỹ vẫn có thể buộc Bắc Kinh phải chịu trách nhiệm theo những cách khác. 

Chẳng hạn, Mỹ nên có một ủy ban lưỡng đảng được ủy thác trách nhiệm điều tra về nguyên nhân cũng như sự lây lan của virus corona chủng mới, có hay không chuyện Trung Quốc che giấu hay xuyên tạc thông tin về đại dịch.

Ông cũng nghĩ Washington nên công khai yêu cầu Trung Quốc cung cấp thêm thông tin về dịch bệnh COVID-19 và hối thúc các chính phủ khác cũng làm như vậy.

Nhiều tập thể, cá nhân khởi kiện

Ngoài Missouri và Mississippi khởi kiện với tư cách tiểu bang, còn có ít nhất 5 vụ kiện tập thể, đại diện cho các cá nhân và doanh nghiệp ở Mỹ đã bị tổn thất, thiệt hại liên quan tới đại dịch COVID-19.

Đơn kiện của 5 vụ này đã được nộp tại các tòa án liên bang ở California, Florida, Nevada, Pennsylvania và Texas.

Đó là chưa kể đầu tuần này, hơn 20 dân biểu Mỹ đã cùng ký đơn kêu gọi Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và Bộ trưởng Tư pháp William Barr khởi kiện Trung Quốc ra Tòa công lý quốc tế vì những hành động của Trung Quốc trong đại dịch COVID-19 mà theo họ đã vi phạm Điều lệ y tế quốc tế 2005.

Trung Quốc nói đơn kiện từ Mỹ Trung Quốc nói đơn kiện từ Mỹ 'vô lý', Mỹ 'nên lo chống dịch cứu người'

TTO - Phản ứng trước các vụ kiện đòi Trung Quốc bồi thường thiệt hại do COVID-19 ở Mỹ, Bộ Ngoại giao Trung Quốc gọi những đơn kiện này là phi lý, rằng nước Mỹ nên để thời gian chống dịch cứu người hơn là kiện tụng.

D. KIM THOA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên