03/07/2019 13:41 GMT+7

1m2 đất nông nghiệp: tư nhân bồi thường 10 triệu, nhà nước bồi thường cao nhất 3,6 triệu

D.N.HÀ
D.N.HÀ

TTO - Giá đất do nhà nước bồi thường quá thấp so với thị trường là một trong những nguyên nhân chính khiến người dân khiếu nại nhiều, làm chậm tiến độ bồi thường ở cả 19 dự án trên địa bàn quận Thủ Đức.

1m2 đất nông nghiệp: tư nhân bồi thường 10 triệu, nhà nước bồi thường cao nhất 3,6 triệu - Ảnh 1.

Giá đất bồi thường chưa sát giá thị trường khiến việc giải phóng mặt bằng đường vành đai 2, đoạn từ đường Phạm Văn Đồng đến ngã tư Gò Dưa, quận Thủ Đức chậm tiến độ - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG

Giá đất giao dịch trên thị trường tăng nhanh khiến người dân khiếu nại nhiều về giá bồi thường, gây khó khăn cho việc bồi thường giải phóng mặt bằng các dự án trên địa bàn quận Thủ Đức (TP.HCM).

Đó là thông tin do UBND quận Thủ Đức (TP.HCM) đưa ra tại buổi giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM với quận này về công tác thực hiện Luật đất đai 2013 về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất.

Các cơ quan chức năng quận Thủ Đức đưa ra nhiều ví dụ thực tế để chứng minh cho nhận định trên. 

Cụ thể, trên thị trường, giá đất mặt tiền đường Phạm Văn Đồng đã hơn 80 triệu đồng/m2 nhưng giá bồi thường dự án đường Vành đai 2 giai đoạn 3 duyệt giá đất mặt tiền đường này chỉ hơn 44 triệu đồng/m2.

Dự án khu đô thị Vạn Phúc (phường Hiệp Bình Phước), chủ đầu tư thương lượng bồi thường đã chi trả 10 triệu đồng/m2 đất nông nghiệp trong khi giá đất nông nghiệp dự án đường Vành đai 2 cao nhất chỉ 3,6 triệu đồng/m2.

"Nhiều người dân chất vấn lại chính quyền: trên địa bàn quận Thủ Đức còn chỗ nào bán đất nông nghiệp 3,6 triệu đồng/m2 thì chính quyền chỉ cho dân tới mua. Thật sự là giá đất do nhà nước bồi thường chưa sát giá thị trường", một cán bộ Ban bồi thường giải phóng mặt bằng quận Thủ Đức nhận định.

1m2 đất nông nghiệp: tư nhân bồi thường 10 triệu, nhà nước bồi thường cao nhất 3,6 triệu - Ảnh 2.

Đường Vành đai 2, đoạn từ đường Phạm Văn Đồng đến ngã tư Gò Dưa, quận Thủ Đức thi công cầm chừng do chưa có mặt bằng - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG

Nói về việc duyệt giá đất bồi thường chưa sát giá thị trường, các cơ quan chức năng cho biết đơn vị thẩm định giá rất khó khi tìm kiếm thông tin giá giao dịch thật trên thị trường.

Hiện nay, luật không buộc người chuyển nhượng bất động sản phải đăng ký giá, không buộc phải qua sàn giao dịch nên các đơn vị thẩm định giá tìm dữ liệu rất khó.

Đại biểu Đinh Ngọc Thúy, phó chánh án TAND TP.HCM, cho biết qua thực tế xét xử các vụ án cho thấy một giao dịch thường được người dân lập thành ba hợp đồng với ba mức giá khác nhau. Một giá để đóng thuế, phí; một giá để vay ngân hàng và một giá khác để làm bằng chứng thương lượng bồi thường khi bị thu hồi đất.

Đáng nói là cả ba hợp đồng trên đều được công chứng hợp pháp. Nếu các đơn vị thẩm định giá muốn tìm, quyết tâm đi tìm sẽ ra giá thị trường.

Tại buổi giám sát, quận Thủ Đức cũng cho biết toàn bộ 19 dự án bồi thường giải phóng mặt bằng trên địa bàn quận này đều chậm triển khai và quá hạn theo luật định, không bảo đảm tiến độ chi trả (tiền bồi thường) cũng như thu hồi mặt bằng.

D.N.HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên