11/01/2017 19:08 GMT+7

19/60 nhà xuất bản không có tối thiểu 5 tỷ đồng để hoạt động

V.V.TUÂN
V.V.TUÂN

TTO - Ngày 11-1, tại Hà Nội, Ban tuyên giáo TƯ phối hợp với Bộ Thông tin - Truyền thông, Hội Xuất bản VN tổ chức hội nghị giao ban cơ quan chủ quản nhà xuất bản năm 2016.

Tháng 8-2016, Hội Nhà văn VN yêu cầu nhà văn Trung Trung Đỉnh (thứ ba từ trái qua) gấp rút bàn giao chức giám đốc NXB Hội Nhà Văn đã gây nên nhiều rắc rối quanh chức vụ này - Ảnh: NGUYỄN ĐÌNH TOÁN
Tháng 8-2016, Hội Nhà văn VN yêu cầu nhà văn Trung Trung Đỉnh (thứ ba từ trái qua) gấp rút bàn giao chức giám đốc NXB Hội Nhà văn đã gây nên nhiều rắc rối quanh chức vụ này - Ảnh: NGUYỄN ĐÌNH TOÁN

Ông Chu Văn Hoà, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành cho biết, đến cuối năm 2016, trong tổng số 60 NXB thì có đến 19 đơn vị không đảm bảo kinh phí tối thiểu 5 tỉ đồng để duy trì hoạt động.

Vụ Báo chí - Xuất bản (Ban Tuyên giáo TƯ) cũng thống kê, hiện có khoảng 35% các NXB không đảm bảo đủ điều kiện về vốn, trụ sở, nhân lực… để hoạt động.

Nhiều ý kiến tham luận tại hội nghị tiếp tục đưa ra câu chuyện các NXB hiện nay đang phải chịu hai gánh nặng là vừa làm nhiệm vụ tuyên truyền chính trị, vừa phải làm nhiệm vụ kinh tế để tồn tại.

Năm 2016, trung bình mỗi NXB được chủ quản đặt hàng 300 triệu đồng, nhưng nhiều đơn vị vẫn gặp khó khăn vì không được cơ quan chủ quản đặt hàng thường xuyên như NBX Văn học, NXB Hải Phòng, NXB Nông nghiệp…

Đại diện NXB Đà Nẵng nêu vấn đề, làm xuất bản ở VN rất khó khăn, bởi vừa phải làm nhiệm vụ chính trị, vừa phải đảm bảo hoạt động kinh doanh để làm kinh tế.

Nhà văn Nguyễn Trí Huân phân tích rõ hơn: “Hội Nhà văn chúng tôi chỉ có thế chứ không có tiền. Chính vì không có tiền nên không hỗ trợ được NXB Hội Nhà văn về kinh tế, tài chính cho nên đôi khi nắm NXB cũng không chặt được. Đây là hạn chế rất rõ với chúng tôi. Vì thế, mặc dù chúng tôi có nhiều chỉ đạo nhưng NXB vẫn cứ vi phạm, vẫn cứ sai…”

Hiện NXB Hội Nhà văn cũng chưa tìm được giám đốc để thay thế nhà văn Trung Trung Đỉnh (đã nghỉ hưu).

Vì thế, ông Huân đề xuất: “Hội Nhà văn được xếp vào loại hội mang tính đặc thù, nên chúng tôi đề nghị cho NXB Hội Nhà văn cũng được mang tính đặc thù. NXB không được Hội cấp vốn, không được nhà nước cấp vốn, nhưng vẫn phải thực hiện tất cả những quy chế của nhà nước".

"Chúng tôi làm xuất bản để đóng thuế cho nhà nước chứ không phải làm xuất bản bằng tiền thuế của dân. Nên đề nghị cho chúng tôi một cơ chế mở. Cụ thể là mở rộng độ tuổi cho chức danh giám đốc NXB, chứ nếu cứ quy định 60 tuổi nghỉ hưu thì chúng tôi không có người".

Ông Phạm Chí Thành, quyền giám đốc, tổng biên tập NXB Chính trị Quốc gia - Sự thật (đơn vị sự nghiệp có thu) cũng than: “Đành rằng có nhiệm vụ chính trị thì mới có chúng tôi. Nhưng chúng tôi xin được có cơ chế để các đơn vị sản xuất kinh doanh của chúng tôi chuyển thành mô hình doanh nghiệp hoặc cổ phần hoá để đỡ phải xin ngân sách”.

Ông Thành lấy thêm dẫn chứng, bên Trung Quốc, ngoài bốn đơn vị đặc biệt hoạt động theo mô hình đơn vị sự nghiệp có thu thì các NXB đều hoạt động theo mô hình doanh nghiệp.

“NXB Nhân dân Trung Quốc dù là đơn vị sự nghiệp có thu, nhưng họ hoạt động theo cơ chế doanh nghiệp và bao cấp chỉ một phần rất nhỏ… Không ai muốn rước khó khăn về mình, nhưng đấy là câu chuyện chúng ta phải làm” ông Thành nhấn mạnh.

Tổng kết hội nghị, ông Phạm Văn Linh, phó ban tuyên giáo TƯ chia sẻ những khó khăn trên, nhưng cho rằng, không thể vì lý do kinh tế mà bất chấp: “Chúng ta phải xử lý đồng thời cả hai vấn đề là làm nhiệm vụ chính trị và việc tồn tại của chúng ta”.

Thống kê của Cục Xuất bản, In và Phát hành, năm 2016, VN đã xuất bản được 29.000 bản sách với hơn 320 triệu bản.

Trong đó, Cục đã xử lý 163 xuất bản phẩm vi phạm về nội dung, sai sót câu chữ…

V.V.TUÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên