20/11/2019 20:47 GMT+7

13 tỉnh thành phải 'cùng kêu' đầu tư giao thông Đồng bằng sông Cửu Long

CHÍ QUỐC
CHÍ QUỐC

TTO - Dù là buổi trao đổi liên quan vấn đề hợp tác phát triển du lịch, nhưng giao thông yếu kém vẫn là chủ đề 'nóng' được mổ xẻ. Các ý kiến cho rằng các tỉnh trong vùng cần chung tay đề xuất trung ương đầu tư giao thông cho Đồng bằng sông Cửu Long.

13 tỉnh thành phải cùng kêu đầu tư giao thông Đồng bằng sông Cửu Long - Ảnh 1.

Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang Lê Tiến Châu phát biểu tại buổi họp - Ảnh: CHÍ QUỐC

Buổi họp trao đổi giữa lãnh đạo 13 tỉnh thành Đồng bằng sông Cửu Long với lãnh đạo TP.HCM về chương trình liên kết, hợp tác phát triển du lịch diễn ra tại Bạc Liêu chiều 20-11.

Đây là buổi họp "trù bị" để thống nhất một số nội dung liên kết, hợp tác trước khi chủ tịch UBND TP.HCM và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long chính thức ký kết đầu tháng 12-2019.

Phát biểu ý kiến tại buổi họp, ông Lê Tiến Châu - chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang - đề nghị trong liên kết, hợp tác giữa các địa phương, cần có tiếng nói chung, mạnh mẽ với trung ương trong việc đầu tư, trước hết là cơ sở hạ tầng.

"Không có 13 tỉnh thành cùng kêu thì chưa chắc có đường cao tốc sắp tới (đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận - PV). Phải kêu, thậm chí phải khóc trung ương mới nghe", ông Châu nói.

Về vấn đề du lịch, ông Châu nói TP.HCM có nhiều doanh nghiệp nhưng lại không còn nhiều dư địa, trong khi Đồng bằng sông Cửu Long lại thiếu doanh nghiệp, dư địa lại nhiều.

"Vậy tại sao không kéo doanh nghiệp về thiết kế, đầu tư các khu du lịch để đưa tour, tuyến về đây", ông Châu gợi ý.

13 tỉnh thành phải cùng kêu đầu tư giao thông Đồng bằng sông Cửu Long - Ảnh 2.

Phó chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến đồng chủ trì buổi họp với lãnh đạo 13 tỉnh thành Đồng bằng sông Cửu Long tại Bạc Liêu chiều 20-11 - Ảnh: CHÍ QUỐC

Ông Ngô Hoài Chung - phó tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch (Bộ VH-TT&DL) - cũng nhận định "giao thông đi lại giữa TP.HCM tới các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long có cải thiện nhưng còn chậm so với các vùng khác trong cả nước" và cho rằng kết nối hạ tầng giao thông đường thủy, bộ, hàng không và đường sắt phải cải thiện hơn nữa.

"Việc đầu tư hạ tầng giao thông khu vực này chưa tương xứng với yêu cầu phát triển. Nên chăng bắt tay nhau đề xuất, kiến nghị Chính phủ trong chính sách đầu tư, tạo thuận lợi cho khách du lịch từ TP.HCM đến Đồng bằng sông Cửu Long cũng như phát huy tiềm năng, thế mạnh du lịch của vùng này" - ông Chung đề xuất.

Thành lập Hội đồng liên kết hợp tác phát triển du lịch

Theo nội dung dự thảo chương trình hợp tác giữa TP.HCM và các tỉnh thành Đồng bằng sông Cửu Long sắp được ký kết, sẽ thành lập Hội đồng liên kết hợp tác phát triển du lịch vùng TP.HCM và 13 tỉnh thành Đồng bằng sông Cửu Long do chủ tịch UBND TP.HCM làm chủ tịch hội đồng, phó chủ tịch UBND TP.HCM làm phó chủ tịch thường trực và phó chủ tịch UBND các tỉnh thành Đồng bằng sông Cửu Long làm phó chủ tịch hội đồng.

Ngoài ra, TP.HCM và các tỉnh thành Đồng bằng sông Cửu Long cũng ký kết hợp tác phát triển sản phẩm du lịch; kêu gọi đầu tư phát triển du lịch; quảng bá xúc tiến du lịch…

Ông Dương Tấn Hiển - phó chủ tịch UBND TP Cần Thơ - đề nghị việc liên kết, hợp tác phải có quy chế, phân công trách nhiệm cũng như có kế hoạch chi tiết những việc phải làm một cách rõ ràng chứ không làm chung chung.

Trên cơ sở góp ý của lãnh đạo các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long dự họp, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến cho biết sẽ bổ sung thêm một số nội dung như hợp tác phát triển nguồn nhân lực phục vụ du lịch, làm thương hiệu du lịch vào nội dung ký kết sắp tới…

Ông Tuyến cũng tán thành với ý kiến phải có một kế hoạch chi tiết, cụ thể cho việc thực hiện nội dung ký kết và dẫn chứng chẳng hạn ngay trong quý 1-2020 có ít nhất 1 lớp đào tạo nguồn nhân lực du lịch tại TP.HCM.

CHÍ QUỐC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên