24/05/2019 08:19 GMT+7

13 nghị sĩ Mỹ trình dự luật trừng phạt Bắc Kinh quân sự hóa Biển Đông

BẢO DUY
BẢO DUY

TTO - Nếu được thông qua, đạo luật sẽ cho phép Mỹ đóng băng thậm chí tịch thu tài sản và thu hồi thị thực của các cá nhân tham gia vào các chính sách đe dọa hòa bình, an ninh khu vực.

13 nghị sĩ Mỹ trình dự luật trừng phạt Bắc Kinh quân sự hóa Biển Đông - Ảnh 1.

Thượng nghị sĩ Cộng hòa Marco Rubio, một trong hai người trình dự luật ngày 23-5 - Ảnh: REUTERS

Dự luật trên, với tên gọi đầy đủ "Đạo luật trừng phạt vì Biển Đông và biển Hoa Đông", đã được 13 thượng nghị sĩ Dân chủ lẫn Cộng hòa Mỹ trình ra ngày 23-5 (giờ Mỹ). Đây là lần thứ hai nó được đưa ra quốc hội sau lần đầu tiên năm 2017.

"Trung Quốc đã bắt nạt, xâm lấn và đe dọa các nước láng giềng ở cả Biển Đông và biển Hoa Đông. Không thể để các hành vi hung hăng như vậy ngoài vòng kiểm soát được nữa", thượng nghị sĩ Ben Cardin nhấn mạnh trong một tuyên bố.

"Dự luật với sự ủng hộ từ lưỡng đảng này sẽ tăng cường hơn nữa các nỗ lực của Mỹ và đồng minh trong việc chống lại việc quân sự hóa bất hợp pháp và nguy hiểm của Bắc Kinh đối với các thực thể tranh chấp mà họ đã chiếm giữ ở Biển Đông", thượng nghị sĩ Cộng hòa Marco Rubio khẳng định với báo South China Morning Post (SCMP) của Hong Kong.

Dự luật sẽ yêu cầu Ngoại trưởng Mỹ cung cấp báo cáo cho quốc hội 6 tháng một lần, trong đó điểm mặt bất kỳ cá nhân hoặc công ty Trung Quốc nào tham gia các dự án xây dựng hoặc phát triển tại các khu vực ở Biển Đông. 

Các hoạt động được định nghĩa bởi dự luật này bao gồm cải tạo đất, xây dựng đảo, xây dựng ngọn hải đăng và xây dựng cơ sở hạ tầng thông tin di động.

Những người đồng lõa hoặc tham gia vào các hoạt động đe dọa đến hòa bình, an ninh hoặc ổn định của các khu vực hoặc khu vực trên biển Hoa Đông cũng sẽ bị xử lý.

Dự luật hiện đang được kỳ vọng sẽ thông qua lần này. Theo quy trình, nó cần được chấp thuận trước bởi Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ. Chủ tịch của ủy ban này hiện giờ là thượng nghị sĩ James Risch, một người luôn xem xét kỹ các chính sách liên quan đến Trung Quốc.

13 nghị sĩ Mỹ trình dự luật trừng phạt Bắc Kinh quân sự hóa Biển Đông - Ảnh 2.

Đá Chữ Thập thuộc quần đào Trường Sa của Việt Nam bị Trung Quốc chiếm đóng và xây đảo nhân tạo trái phép - Ảnh: CSIS

Hiếm có vấn đề nào tạo ra sự đoàn kết trong Quốc hội Mỹ như vấn đề Trung Quốc, giới quan sát nhận định. 

Kể cả những người thường xuyên chỉ trích Tổng thống Donald Trump như lãnh đạo thiểu số thượng viện Chuck Schumer cũng hoan nghênh cuộc chiến thuế quan chống lại Trung Quốc do ông Trump phát động.

Không ngạc nhiên khi người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng tuyên bố Bắc Kinh "phản đối mạnh mẽ dự luật", nhấn mạnh "dự luật đã đi ngược lại các nguyên tắc cơ bản của luật quốc tế và quan hệ quốc tế".

"Chúng tôi yêu cầu Mỹ không tiến hành thảo luận dự luật để tránh tạo ra thêm bất kỳ sự gián đoạn mới nào trong quan hệ Mỹ-Trung Quốc".

Bà Bonnie Glaser - nhà nghiên cứu cấp cao thuộc Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS), nhận định Mỹ đã thành công trong việc khuyến khích các nước tập trận và tuần tra đảm bảo tự do hàng hải trên Biển Đông.

Trung Quốc hiện đang có tranh chấp với một số nước Đông Nam Á trên Biển Đông và Nhật Bản trên biển Hoa Đông. Phán quyết năm 2016 của Tòa trọng tài thành lập theo phụ lục VII của Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển năm 1982 đã bác bỏ cái gọi là "chủ quyền lịch sử" của Trung Quốc trên Biển Đông.

Tàu chiến Mỹ giáp mặt tàu Trung Quốc Tàu chiến Mỹ giáp mặt tàu Trung Quốc 'như cơm bữa' trên Biển Đông Vì sao ông Duterte đổi giọng về Biển Đông? Vì sao ông Duterte đổi giọng về Biển Đông? Tòa án tối cao Philippines yêu cầu chính phủ bảo vệ Biển Đông Tòa án tối cao Philippines yêu cầu chính phủ bảo vệ Biển Đông
BẢO DUY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0