28/06/2022 12:39 GMT+7

125 năm cao su 'cho vàng' ở Việt Nam - Kỳ 10: Đưa 'vàng trắng' lên vùng núi địa đầu Tổ quốc

SƠN LÂM - THÁI LỘC
SƠN LÂM - THÁI LỘC

TTO - Giữa phòng truyền thống trong trụ sở Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam (VRG) trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, quận 3, TP.HCM có một sa bàn 3 nước Đông Dương rộng lớn.

125 năm cao su cho vàng ở Việt Nam - Kỳ 10: Đưa vàng trắng lên vùng núi địa đầu Tổ quốc - Ảnh 1.

Nhiều đồi cao su trùng điệp vùng Tây Bắc đã được làm đường, phủ tán cao su - Ảnh: SƠN LÂM

Trên đó là những điểm sáng thắp đèn xanh, vàng, đỏ chi chít. Những điểm sáng tập trung nhiều nhất tại khu vực miền Đông Nam Bộ, trải dài theo miền Trung ra đến các vùng núi non hiểm trở phía Bắc địa đầu Tổ quốc, sang tới Lào, Campuchia.

Những lợi nhuận đầu tiên

"Điểm xanh là các công ty cao su, điểm vàng là nhà máy thuộc tập đoàn và điểm đỏ là nhà truyền thống. Việc trồng thành công cao su trên vùng núi phía Bắc đã đưa cao su trải khắp đất nước", anh Lê Văn Thắng - phó ban tuyên giáo VRG - giới thiệu.

Anh Thắng cho biết từ năm 2007, VRG lần đầu đưa cây cao su lên trồng ở Tây Bắc, và đầu tiên là Sơn La, sau đó phát triển thêm ở Lai Châu, Điện Biên, Yên Bái rồi lên Hà Giang, xuống Phú Thọ. 

"Đây là quá trình khó khăn đủ mọi mặt, có định hướng rất lớn từ phía Chính phủ và tâm huyết của nhiều lãnh đạo ngành cao su. Đến nay, các công ty ở đây đã bắt đầu có lợi nhuận", anh Thắng nói thêm.

Chúng tôi trở lại Sơn La sau 15 năm cây cao su được đưa giống lên trồng ở phía Tây Bắc, qua nhiều đồi núi chập chùng đã được phủ tán cao su. "Diện tích cao su hiện nay trên địa bàn tỉnh Sơn La là gần 6.000ha, trải khắp 133 bản thuộc 6 huyện của tỉnh", chị Lò Thị Lả - phó công đoàn Công ty cổ phần Cao su Sơn La - nói khi giới thiệu hoạt động của công ty.

15 năm, tổng cộng hơn 1.180 tỉ đồng đã được đầu tư để phát triển cao su tại tỉnh này, trong đó hơn 54 tỉ đồng để xây dựng điện, đường, trường, trạm theo mô hình phát triển truyền thống của ngành cao su. Bình quân những năm gần đây, Sơn La đã có hơn 2.900 lao động có việc làm từ loại cây "vàng trắng" này.

"Năm 2016, sau 9 năm trồng, 146ha cao su đã bắt đầu cho ra 75 tấn mủ. Đến năm 2021, diện tích thu hoạch mủ là 4.300ha và đã thu được hơn 4.700 tấn. Doanh thu năm 2021 là hơn 188 tỉ đồng, lợi nhuận 22,5 tỉ đồng", chị Lả nói thêm.

Lợi nhuận dẫu còn khá ít nhưng đó là một mục tiêu mà ngay cả nhiều người trong ngành cao su trước đây khi nói về việc phát triển loại cây này trên đất Tây Bắc cũng không dám lạc quan. Nhiều năm liền, danh mục lợi nhuận trong bảng tổng kết của các công ty cao su vùng Tây Bắc đều bỏ trống. Giờ đây, những con số đã bắt đầu được điền vào.

125 năm cao su cho vàng ở Việt Nam - Kỳ 10: Đưa vàng trắng lên vùng núi địa đầu Tổ quốc - Ảnh 2.

Nhà máy chế biến Sơn La nằm giữa các đồi cao su trùng điệp thu gom mủ từ các vườn cao su Sơn La, Lai Châu, Điện Biên về chế biến - Ảnh: SƠN LÂM

Ở Điện Biên, anh Nguyễn Ngọc Cẩm - phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Cao su Điện Biên - cũng nói về con số lợi nhuận đầu tiên khi kể về công ty: "Điện Biên trồng sau Sơn La một năm, bắt đầu từ năm 2008. Đến nay diện tích đạt hơn 3.700ha. Năm 2017, chúng tôi mới bắt đầu mở miệng cạo. Đến năm 2021, đã có hơn 2.700ha cao su cho mủ, tổng doanh thu được hơn 126 tỉ đồng và đã có lợi nhuận hơn 16 tỉ đồng".

Ông Phạm Đức Hiển, nguyên giám đốc Sở Nông nghiệp tỉnh Điện Biên, cho biết lợi nhuận từ mủ cây cao su hiện nay là điều mà khi Tây Bắc vừa hình thành các nông trường, không ai dám nghĩ đến.

"Từ những năm 1960, Nông trường quốc doanh Điện Biên đã có trồng thử một lô cây cao su tập trung và trồng phân tán thêm một số nơi. Sau đó chiến tranh leo thang ác liệt, diện tích cao su trồng thực nghiệm không được đánh giá, tổng kết. Đến năm 1974 thì xảy ra trận rét lịch sử, cây cao su bị chết gần như hết. Hiểu biết về cao su của người Tây Bắc gần như không có", ông Hiển nói.

Đến năm 2000, khi cùng đoàn của Nhà nước đi nghiên cứu kinh tế ở nước bạn Lào, chứng kiến một bản người Mông ở phía Bắc Lào trồng đến 300ha cao su và sống được, có tiền bán mủ cao su chi tiêu hằng ngày, ông Hiển đã thay đổi suy nghĩ: "Điều kiện tự nhiên một số tỉnh Bắc Lào giáp nước ta trồng được cao su, vậy Điện Biên không có lý do gì mà không trồng được. Từ đó, Sở Nông nghiệp tự tin hơn và cùng công ty cao su tham mưu để tỉnh xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển cây cao su".

Lúc bấy giờ, những vùng đồi núi Điện Biên đã được bà con, chủ yếu là người Thái, khai thác làm nương rẫy thành đồi trọc. Nhưng vẫn là luân canh các loại cây ngắn ngày như ngô, khoai, sắn hay lúa nương..., chỉ đủ để dằn bụng hôm nay lo làm ngày mai.

"Khi nghe vận động một loại cây có tiền hằng ngày, họ đã đồng ý làm. Mấy năm đầu kiến thiết cơ bản, họ vẫn có thể trồng xen các loại cây từng trồng, lại có lương chăm sóc vườn nên thích lắm. Diện tích cũng mau được mở rộng", ông Hiển kể thêm.

125 năm cao su cho vàng ở Việt Nam - Kỳ 10: Đưa vàng trắng lên vùng núi địa đầu Tổ quốc - Ảnh 3.

"Vàng trắng" cao su trên đồi núi Tây Bắc - Ảnh: SƠN LÂM

Thay đổi tập quán bà con

Với mô hình liên kết giữa doanh nghiệp cao su và người dân, công ty sẽ đầu tư 100% vốn từ cây giống, phân bón, chi phí nhân công, xây dựng hạ tầng... Người dân đồng ý tham gia làm cao su sẽ được chính quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, sau đó sẽ góp quyền sử dụng đất với công ty để hợp tác trồng cây cao su, chia sản phẩm. 

Nhờ đó, hàng ngàn hecta đất đồi núi xưa kia chủ yếu được sở hữu theo kiểu ai khai phá thì làm chủ ở Điện Biên đã được đo đạc, làm lại giấy tờ đất.

Bên cạnh những khó khăn về địa hình đồi núi dốc, diện tích manh mún khó triển khai trồng đồng bộ, việc di chuyển đi chăm sóc cây, thu hoạch mủ và cạo mủ nhiều vất vả..., vì tập quán lâu đời của bà con nơi đây cũng là một thách thức không nhỏ đối với những người phát triển cao su.

"Công nhân nay thích thì làm, mai không thích là nghỉ, ít có ý thức về tác phong công nghiệp như ở Đông Nam Bộ. Đặc biệt mỗi khi nhà có việc thì họ có thể nghỉ 2-3 ngày. Đội trưởng có gọi đến thì trả lời gọi gì mà lắm thế, ngày mai tao cứ nghỉ đấy, là xong thôi.

Chúng tôi phải vận động năm này qua tháng nọ giờ mới chịu báo trước xin nghỉ chứ không còn kiểu ấy nữa", anh Nguyễn Công Tám - phó giám đốc phụ trách Công ty cổ phần Cao su Điện Biên - cho hay.

Nếp sống dần thay đổi, giờ đây người dân Tây Bắc trồng cao su đã quen với việc tranh thủ cạo mủ lúc sáng sớm hoặc chiều mát, còn lại đủ để tiếp tục làm thêm nương rẫy, chăn nuôi hay các việc lặt vặt ở nhà. Năm 2021, tiền lương bình quân của hơn 800 công nhân cao su tại Điện Biên là mỗi tháng được 5,7 triệu đồng.

"Tất cả đều được các chế độ bảo hiểm, dịch vụ, y tế, nghỉ lễ, thai sản... đầy đủ. Không chỉ vậy, những người có góp đất trồng cao su đều sẽ được chia sản phẩm với tỉ lệ là 10% sản lượng mủ. Hồi xưa trồng ngô trồng sắn không tính toán nhiều, chứ giờ đồng bào ở đây ai cũng hiểu hợp đồng, tính toán chi li cả. Càng làm có tiền thì họ càng ý thức ra, nghiêm chỉnh tác phong hơn", anh Tám kể.

"Độ ẩm mưa nhiều của Tây Bắc từng là một khó khăn thách thức rất lớn trong công tác thử nghiệm giống ở đây. Nhưng qua theo dõi thì tôi thấy giống PB 260, RRIV 124 cho mủ rất tốt, có thể đạt đến sản lượng 1,4 tấn mủ trên mỗi hecta.

125 năm cao su cho vàng ở Việt Nam - Kỳ 10: Đưa vàng trắng lên vùng núi địa đầu Tổ quốc - Ảnh 4.

Sản phẩm từ Nhà máy chế biến mủ cao su 28-10 tại Sơn La với công suất 6.000 tấn/năm được tiêu thụ rất nhanh, không có hàng tồn kho - Ảnh: SƠN LÂM

Ở đây địa hình đồi dốc, thường xuyên ẩm ướt nên không thu mủ nước được mà chỉ thu mủ khô. Bù lại chất lượng mủ ở đây rất tốt, độ mủ trong cao su rất cao và ít tạp chất. Một thuận lợi là không bị mất trộm mủ vì có trộm mủ đưa ra cũng không ai mua lẻ. Bên cạnh đó là vùng này không hề có gió bão, gió lớn.

Theo kinh nghiệm 30 năm trong ngành cao su, từ miền Đông ra tới đây, tôi khẳng định là cao su có thể phát triển tốt ở Tây Bắc", anh Nguyễn Công Tám cho biết.


************

Tán xanh cao su ở Tây Nguyên đã đem lại sự đổi thay, phát triển cho đời sống đồng bào dân tộc và cả những nước bạn Lào, Campuchia...

>> Kỳ tới: Buôn làng phát triển bên tán lá cao su

125 năm cao su 125 năm cao su 'cho vàng' ở Việt Nam - Kỳ 9: 15 phút cạo 100 cây cao su 'chính xác từng 0,1 milimet'

TTO - Năm 2014, khi xem cuộc thi Bàn tay vàng thu hoạch mủ cao su, tiến sĩ Abdul Aziz S.A. Kadir - tổng thư ký Hiệp hội Nghiên cứu và phát triển cao su quốc tế (IRRDB) - đã hết sức ngạc nhiên trước tốc độ và kỹ thuật của công nhân nước Việt.


SƠN LÂM - THÁI LỘC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên