09/04/2019 10:14 GMT+7

100 năm cầu sắt Phú Long

MINH PHƯỢNG - HẢI TRIỀU
MINH PHƯỢNG - HẢI TRIỀU

TTO - Tuổi đời hơn 100 năm, Phú Long - một cầu sắt lâu đời gắn với bao hoài niệm của người Sài Gòn, Bình Dương. Nhưng chỉ còn ít ngày nữa, cây cầu đầy ký ức này sẽ biến mất trên dòng sông Sài Gòn...

100 năm cầu sắt Phú Long - Ảnh 1.

Cầu Phú Long trước ngày tháo dỡ - Ảnh: H.TRIỀU

Tờ mờ sớm, xe cộ nối nhau hối hả qua cầu Phú Long xuôi về Bình Dương. Chiều về, cầu lại đón dòng người vào TP.HCM. Cây cầu như một phần cuộc sống, nên "buồn", "tiếc nuối" là cảm xúc của bao người dân khi hay tin nó sắp bị tháo dỡ vào ngày 20-4 này.

Cây cầu của bao hoài niệm

Trong căn nhà vườn ven sông Sài Gòn, ông Nguyễn Văn Non (74 tuổi, phường Thạnh Lộc, quận 12, TP.HCM) bồi hồi nhớ lại thời thơ ấu bên cây cầu Phú Long.

Tuổi thơ tắm sông, ngước nhìn xe cộ qua cầu nối đôi bờ Sài Gòn - Bình Dương là cả ký ức khó quên của ông. Tổ tiên sống lâu đời ở vùng này, cậu bé Non ngày ấy rất thích thú khi ngoại kể cầu Phú Long đã được xây dựng như thế nào. 

"Nó do người Pháp xây. Ông ngoại tui kể họ xây mấy cây trụ trên sông Sài Gòn, đâu ra đó, chắc chắn. Còn nhịp cầu, hãng Kris dưới bến Bạch Đằng chở sà lan từ đó lên. Mỗi lần như vậy chỉ chở có một nhịp thôi" - ông Non nhớ lại.

Cùng là gia đình đã gắn bó với đất Thạnh Lộc hơn 200 năm, ông Nguyễn Văn Hóa (64 tuổi, nhà sát chân cầu Phú Long) nghe ông bà kể lại trước đây cầu được làm cho tàu lửa chạy. 

Thế hệ ông Non, ông Hóa lớn lên, tàu lửa không còn rền vang ngược xuôi nữa, nhưng họ được nghe kể rằng đó là những chuyến tàu lửa chạy bằng than, có đèn chớp sáng choang cả vùng đất hoang vu một thuở.

100 năm cầu sắt Phú Long - Ảnh 2.

Dù hai lần bị sập nhưng một số nhịp cầu vẫn còn giữ được kiểu dáng Pháp - Ảnh: H.TRIỀU

Ngược dòng thời gian, các tài liệu bạc màu cũng ghi lại rằng cầu Phú Long được xây dựng từ thời Pháp. Nó là cây cầu huyết mạch của tuyến đường sắt một thời dài 141km Sài Gòn - Lộc Ninh, vận chuyển "vàng trắng" (mủ cao su) từ vùng Lộc Ninh, Hớn Quản, Bù Đốp ở Bình Phước về Sài Gòn, rồi xuất sang Pháp.

Tuyến đường sắt này có lộ trình khởi hành từ ga Sài Gòn đến ga Gò Vấp, Xóm Thơm - tức một ga nhỏ nằm ở khu vực ngày nay gọi là ngã tư Ga. Sau đó, nó qua cầu sắt Lái Thiêu (nay là cầu Phú Long) để đến ga Lái Thiêu, tiếp đến ga Phú Cường, sau đó đến ga Đồng Sổ và ga cuối cùng là Lộc Ninh. 

Từ năm 1949, tuyến đường sắt không còn đi qua cầu sắt Phú Long. Theo lịch sử hình thành ga Sài Gòn, tuyến đường này khai thác chưa được 20 năm. 

Riêng đoạn từ Bến Đồng Sỹ đi Lộc Ninh dài 69km, bắt đầu khai thác năm 1933 do Công ty xe điện Bến Cát - Crachie bỏ vốn xây dựng. Đến năm 1937, tuyến này được sáp nhập vào hệ thống hỏa xa Đông Dương thành tuyến đường sắt Sài Gòn - Lộc Ninh.

Con đường nhựa Hà Huy Giáp nối với cây cầu trải nhựa phẳng lì bây giờ, trước kia có đường ray nằm giữa. Đến khoảng năm 1960, đường được trải nhựa, đường ray cũng biến mất. 

Người dân địa phương kể rằng dù trải qua 106 năm nhưng cây cầu vẫn rất chắc chắn. Trong chiến tranh, nó từng bị giật sập hai lần, một lần vào năm 1954 và lần sau vào năm 1974...

Hồi sau chiến tranh, nhiều khó khăn, thiếu thốn, người Sài Gòn hay đi theo hướng này để về nhà vườn Lái Thiêu chơi. Hầu hết đều đi xe đạp, mệt lắm, nên dừng lại ở cầu Phú Long để hóng mát, ngắm sông.

Ông NGUYỄN THÀNH KHÔI

Những mảnh đời đôi bờ

Trước đây, người dân Sài Gòn bên này cầu chủ yếu làm nghề nông, còn phía bờ Lái Thiêu buôn bán phát triển, lại có chợ Lái Thiêu sầm uất hàng hóa. Do đó, người dân Sài Gòn thường băng cầu sắt Phú Long qua Bình Dương buôn bán, đi học, đi chơi... thay vì vào trung tâm thành phố. 

Ông Nguyễn Ngọc Thanh (73 tuổi, Bình Dương) cho biết: "Nhà tui ở Bình Dương, gần cầu Phú Long. Bên kia cầu đa số là dân nhà nông. Cây trái nhiều, người ta gánh, đẩy xe đạp qua cầu sang bên này bán".

Gia đình có 3 thế hệ sống ở phường Thạnh Lộc, bà Nguyễn Thị Mai (67 tuổi, trước làm chủ tịch UBND xã Thạnh Lộc, huyện Hóc Môn, nay thuộc quận 12) có nhiều ký ức gắn với cầu sắt Phú Long. 

"Hồi chiến tranh, mé bên này Sài Gòn là vùng chiến khu nên chính quyền cũ coi là vùng mất an ninh. Khoảng năm 1968, giới nghiêm dữ lắm. Ở đây mà qua Lái Thiêu phải được phép của lính gác. Những năm 1964, 1965, tui với mẹ đi bán hàng bên Lái Thiêu. Bán đến nửa đêm mà 19h kéo kẻng giới nghiêm nên đêm nào tui cũng phải ngủ lại chợ" - bà Mai nhớ lại.

100 năm cầu sắt Phú Long - Ảnh 4.

Bảng thông báo ngày dỡ cầu đã được treo lên - Ảnh: H.TRIỀU

Dù là "dân Sài Gòn" nhưng người dân ở đây "một Bình Dương, hai Bình Dương". Nhiều người hỏi bà Mai: "Đi đâu xa vậy, tối ngày nghe chị nói đi Bình Dương". 

Bà cười vui: "Nói xa xôi, chứ Bình Dương cách nhà tui có cây cầu hà". Đó là lý do mà nhiều người như bà Mai dù nhà ở TP.HCM nhưng đều sinh ra, lớn lên ở Bình Dương.

Còn với ông Non, cầu Phú Long vừa là ký ức tuổi thơ cũng vừa là một phần cuộc sống của gia đình. Cha mẹ ông về Thuận An năm 1955. Vợ chồng ông nên duyên cũng nhờ cây cầu khi cậu trai Thuận An quen rồi cưới cô gái Thạnh Lộc. 

Sau giải phóng, ông cùng vợ về bên quận 12 sinh sống. Giờ đây, ông và các con lại trở về bên Thuận An để kinh doanh. Ngày ngày ông vẫn ngược xuôi qua lại cây cầu này...

Luyến lưu cầu cũ

pl 3 4(read-only)

Bảng tên cầu Phú Long trải hơn thế kỷ...

Theo Sở GTVT TP.HCM, cầu sắt Phú Long nối quận 12, TP.HCM và thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương được xây dựng vào năm 1913.

Cầu có chiều dài 251,71m, đã xuống cấp, không đảm bảo an toàn để tiếp tục khai thác. Tĩnh không thông thuyền của cầu cũng hạn chế làm ảnh hưởng đến thông thuyền trên sông Sài Gòn.

Kế hoạch cầu Phú Long được tháo dỡ trước Tết Nguyên đán 2019. Tuy nhiên, do nhu cầu người dân đi lại nhiều nên tạm hoãn. Dự kiến ngày 20-4-2019 sẽ khởi công tháo dỡ công trình, thời gian thực hiện 5 tháng.

Ông Lê Thành Hiếu - bí thư chi bộ khu phố 3, phường Thạnh Lộc, quận 12 - cho biết tại cuộc họp khu phố, khi chủ trì lấy ý kiến bà con về việc tháo dỡ cầu, thì "100% người dân đề xuất chính quyền TP.HCM và Bình Dương xem xét tu bổ, giữ lại cây cầu vì nó mang giá trị lịch sử.

Thứ hai là nhu cầu đi lại của người dân rất cao. So với di chuyển bằng cầu Phú Long mới, việc đi lại của người dân giữa TP.HCM và Bình Dương qua cầu sắt Phú Long cũ thuận tiện hơn.

Thêm nữa, hướng từ TP.HCM sang Bình Dương qua cầu Phú Long mới đi ngang trạm thu phí".

MINH PHƯỢNG - HẢI TRIỀU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên