25/03/2019 11:12 GMT+7

100 năm Bà Nà - Kỳ 1: Khám phá của thủy quân lục chiến Pháp

ĐOÀN CƯỜNG - TRƯỜNG TRUNG
ĐOÀN CƯỜNG - TRƯỜNG TRUNG

TTO - Năm 1919 là dấu mốc cho sự ra đời của khu nghỉ mát Bà Nà với những ngôi nhà đầu tiên được xây dựng ở nơi được mệnh danh là “Mùa xuân nước Pháp”. Bà Nà 100 tuổi bây giờ ra sao?

100 năm Bà Nà - Kỳ 1:  Khám phá của thủy quân lục chiến Pháp - Ảnh 1.

Con đường bộ hiện nay dẫn từ chân núi lên đỉnh Bà Nà gắn liền với phát kiến của đại úy Debay - Ảnh: Đ.Cường

Để thoát khỏi những mùa hè khắc nghiệt ở Đông Dương, người Pháp đã xây dựng những khu nghỉ mát trên núi cao, Bắc Bộ thì có Tam Đảo, Nam Bộ có Đà Lạt. Còn ở miền Trung Trung Bộ, những người lính thủy quân lục chiến được giao nhiệm vụ tìm kiếm nó.

Đại úy Debay và trung úy Decherl đã thực hiện một kỳ tích thực sự khi làm được con đường mòn hiểm trở đi đến tận đỉnh Bà Nà mà không phải xuống kiệu.

H. Cosserat

Phát kiến của đại úy Debay

Con đường mòn hơn 100 năm trước mà người phát kiến ra nó là đại úy thủy quân lục chiến Debay giờ đây là một con đường bộ khá rộng rãi dẫn lên đỉnh Bà Nà. Để có con đường này, cách đây hơn thế kỷ, đã có biết bao cuộc mạo hiểm, thậm chí là đánh đổi cả mạng sống để khai phá ra nó...

Nhiệm vụ mà toàn quyền Đông Dương là Doumer giao cho Debay vào tháng 2-1900 là tiến hành thám sát dãy trung Trường Sơn để tìm một nơi điều dưỡng, bán kính là 150km kể từ Đà Nẵng hoặc từ Huế. 

Debay cùng binh lính của mình đã mất nhiều năm trời băng rừng, vượt suối để thăm dò đỉnh núi phía tây Thừa Thiên như A-Touat ở sông Se Kong; rặng núi Lỗ Đông về phía nguồn của sông Cẩm Lệ hoặc Túy Loan; cao nguyên bên sông Trà My... 

Tuy nhiên, cuối tháng 7-1900, đoàn đã tan rã mà không thu được kết quả vì các điểm này không đủ điều kiện để lập khu nghỉ mát.

Không từ bỏ ý định thiết lập một trạm chữa bệnh kinh niên tại Trung kỳ, Doumer tiếp tục giao cho Debay thực hiện cuộc thám sát khác. Lần này có thêm trung úy Becker và trung úy Decherl. 

Tháng 4-1901, Debay phát hiện "trong rặng núi của thung lũng Túy Loan có một địa điểm khả dĩ để thiết lập một nơi an dưỡng" và ông lên đường thực hiện cuộc thám sát rừng nhiệt đới này kéo dài gần một tháng.

Trở về, ông lập tức trình báo cáo chi tiết đầu tiên về "miền đất hứa". Đó là rặng núi vươn lên giữa hai nhánh sông chính của sông Bà Nà - Lỗ Đông, cách Đà Nẵng khoảng 25km. Độ cao từ 1.300-1.400m, tìm thấy nước ở độ cao khoảng 1.300m. 

Có một việc đáng lưu ý chứng tỏ sự khác biệt về chế độ mưa và sương mù. Đó là đến độ cao 700m rêu bắt đầu bao phủ tất cả mọi thứ, cây cối và sỏi đá, nhưng đến độ cao 1.300m thì rêu biến mất. 

Vùng này rất mấp mô, nhưng có một loạt những cao nguyên từ 1-2ha cách nhau không xa và có thể xây dựng nơi ở. Đặc biệt là khí hậu với nhiệt độ cao nhất là 23 độ C và thấp nhất 14,5 độ C. 

"Tôi đã trải qua nhiều ngày trên nhiều điểm khác nhau của rặng núi và quan sát những sự khác nhau của chế độ mưa và gió ở mỗi điểm đó. Độ cao từ 500m đến 1.250m, trong rặng núi trời mưa nhiều hơn ngoài đồng bằng. Ở độ cao trên 1.300m, sương mù còn thường xuất hiện nhưng nhanh chóng biến đi..." - Debay báo cáo.

Điều thú vị nữa là từ đài quan sát nhìn thấy đồng bằng Đà Nẵng, đồng bằng Quảng Nam, những phá ở Quảng Trị... "Không nghi ngờ gì nữa, sẽ rất có lợi, khi Đà Nẵng đạt được một sự phát triển nhất định với một khu kiều dân Âu châu đông đúc, lại có một nơi nghỉ mát, chỉ cách hai hoặc ba giờ, tầm nhìn ra biển và một toàn cảnh tuyệt đẹp" - Debay đánh giá.

Năm 1902, Debay tiếp tục trình lên quan toàn quyền đề nghị nên chọn rặng núi Lỗ Đông - Bà Nà để xây dựng một nơi nghỉ mát cho vùng Đà Nẵng - Huế. Và ông nhận được chỉ thị tiếp tục công việc vào cuối tháng 8. Tuy nhiên, ngày 2-10, trung úy Decherl đang làm nhiệm vụ xây dựng cầu đã bị cây to đổ vào người và qua đời. 

"Tôi chỉ còn một mình để hoàn thành tất cả công trình này, mà thị lực của tôi đã quá sút kém" - Debay thông báo. 

Thời gian dành cho Debay ít dần đi nhưng ông đã lập được con đường mòn từ làng Hội Vực nằm bên hữu ngạn sông Túy Loan dẫn lên đến đỉnh Bà Nà. Ở đỉnh cao nhất 1.360m, ông cất một cái nhà lớn dự phòng cho việc lưu lại của toàn quyền Doumer ... 

Chỉ tiếc là toàn quyền đã không thể đến đây và phát kiến của đại úy bị bỏ rơi.

100 năm Bà Nà - Kỳ 1:  Khám phá của thủy quân lục chiến Pháp - Ảnh 3.

Kiệu khiêng du khách lên du lịch Bà Nà thời Pháp - Ảnh tư liệu

Tìm lại con đường bị lãng quên

Cuộc thám sát của Debay khép lại nhưng lời kể về giống cây có mủ cao su đã hấp dẫn hai người Pháp là H. Cosserat và Tavel nên họ truy tìm lại con đường mòn vào tháng 7-1904. 

Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Phước Tương, có một sự kiện quan trọng xảy ra là việc toàn quyền Đông Dương năm 1912 ra quyết định đặt núi Bà Nà thành khu bảo tồn lâm nghiệp. Đây là một bước tiến lớn để tiến hành nghiên cứu khoa học ở Bà Nà và làm người ta chú ý đến nó.

Sau đó, ông Marboul - giám đốc phân khu lâm nghiệp Đà Nẵng - được giao nhiệm vụ thám sát Bà Nà để nghiên cứu lâm nghiệp và tìm lại con đường Debay. Năm 1915, Marboul thực hiện hai cuộc thám sát và đi con đường mòn của Debay cũng như lán trại mà đại úy này đã lưu trú. 

Marboul lưu lại trên rặng núi 21 ngày, đồng thời xác định vị trí xây dựng trạm lâm nghiệp đầu tiên trên đỉnh Bà Nà. Những ngày lưu lại đây, Marboul đã thốt lên rằng khí hậu tuyệt diệu làm ông nhớ lại Lang Biang. Marboul có thể ngồi trên một thân cây ngoài nắng từ 11 giờ trưa đến 2 giờ chiều để sưởi ấm mà không cảm thấy khó chịu.

bana3

Con đường bộ đi lên Bà Nà được đại úy Debay cùng nhân công địa phương làm từ 100 năm trước - Ảnh tư liệu

Không chỉ hấp dẫn giới lâm nghiệp, năm 1916, các bác sĩ Gaide - giám đốc Sở Y tế Trung Bộ, bác sĩ Judel de Lacombe - bác sĩ trưởng ở Đà Nẵng... đã đặt chân đến đây.

Bác sĩ Gaide khẳng định cái khí hậu trong lành, ôn hòa của Bà Nà phù hợp tuyệt vời với những cơ thể mệt mỏi, suy sụp vì những ngày hè nóng nực.

Vị bác sĩ này đúc kết: “Một lần nghỉ mát mùa hè ở Bà Nà là một cuộc chữa bệnh bằng độ cao tuyệt hảo. Hơn nữa, nhờ toàn cảnh tuyệt đẹp của biển cả và dãy Trường Sơn, ánh sáng đa dạng mà ta luôn có trước mắt, những ngày nghỉ tại đây rất dễ chịu và đặc biệt quyến rũ. Đó chính là ưu thế của Bà Nà so với Đà Lạt”.

Kỳ tới: Những công trình đầu tiên


Vụ cấm lên Bà Nà bằng đường bộ: Chỉ khuyến cáo, không cấm hoàn toàn Vụ cấm lên Bà Nà bằng đường bộ: Chỉ khuyến cáo, không cấm hoàn toàn

TT - Ông Đặng Minh Trường cho biết do tuyến đường xuống cấp nên việc đặt barie khuyến cáo người dân lên Bà Nà không nên đi đường bộ đã có từ cách đây năm năm.

ĐOÀN CƯỜNG - TRƯỜNG TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên