Hội thảo thu hút sự tham dự của 220 đại biểu, bao gồm 89 học giả quốc tế, 31 đại diện đến từ 22 cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam, gần 100 học giả, đại biểu Việt Nam - Ảnh: NHẬT ĐĂNG
Chủ đề nóng bỏng nhất từ đầu năm tới nay về Biển Đông đã được tiến sĩ Gurpreet Khurana, giám đốc điều hành Quỹ Biển quốc gia Ấn Độ, trình bày tại Hội thảo khoa học quốc tế về Biển Đông lần 10, diễn ra ở Đà Nẵng từ sáng 8-11.
Không ngạc nhiên khi ông điểm qua chính sách "Hành động hướng Đông" của Ấn Độ, cũng như bối cảnh mới trong chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương mà truyền thông đã nhắc tới suốt thời gian qua.
Khác biệt lớn nhất của Tổng thống Duterte với chính quyền tiền nhiệm là sự sẵn sàng trong việc đương đầu, xét ở cả về mặt pháp lý lẫn tinh thần.
GS Jay Batongbacal
Sau 10 năm, Biển Đông có gì?
Hội thảo lần này có chủ đề "Biển Đông: Hợp tác vì an ninh và phát triển khu vực" do Học viện Ngoại giao, Quỹ Hỗ trợ nghiên cứu Biển Đông và Hội Luật gia Việt Nam đồng tổ chức.
Sự kiện năm nay có điểm đặc biệt là đánh dấu tròn 10 năm kể từ khi một hội thảo khoa học về Biển Đông được triển khai, với sự đóng góp từ trong nước đến các chuyên gia quốc tế. Các học giả vì vậy đã có những tham luận mang tính tổng kết, điểm lại 10 năm câu chuyện Biển Đông theo cách thẳng thắn nhất.
Đã có rất nhiều thay đổi về chính quyền - chính sách của các nước trong thời gian này, dẫn tới việc tìm giải pháp cho Biển Đông là vấn đề sẽ còn phải chờ.
Cũng như Ấn Độ, Mỹ thời Tổng thống Donald Trump đã thể hiện lập trường chủ động hơn về tự do hàng hải và những yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông.
Tiến sĩ Patrick Cronin, cố vấn và giám đốc cấp cao Chương trình An ninh châu Á - Thái Bình Dương thuộc Trung tâm Nghiên cứu Mỹ mới, cho rằng ngày nay Mỹ xác định sẽ gia tăng cạnh tranh với Trung Quốc.
Trong đó Tổng thống Trump thúc đẩy quan hệ với các đồng minh và đối tác ở Đông Nam Á, cân bằng giữa cả các hoạt động tự do hàng hải lẫn việc đầu tư cho đối tác. Nhưng dù đã thể hiện mạnh mẽ hơn, ông Trump cũng chỉ đang tiếp nối hướng đi từ thời chính quyền tổng thống Barack Obama.
Theo chiều ngược lại, thay đổi về mặt chính quyền lại dẫn tới ít nhiều sự điều chỉnh trong phương pháp tiếp cận. Lấy ví dụ, Philippines là một trong những nước có tranh chấp và thể hiện thái độ cứng rắn nhất với Trung Quốc về vấn đề Biển Đông, nhưng bối cảnh mới lại không diễn tả được điều đó.
Giáo sư Jay Batongbacal - giám đốc Viện hàng hải và luật biển, Đại học Philippines (Philippines) - nhận định: "Trong 10 năm rồi chúng tôi trải qua nhiều chính quyền, dẫn đến việc có rất nhiều cách tiếp cận khác nhau.
Chính vì vậy chúng tôi gặp vấn đề về tính liên tục trong chính sách đối với Trung Quốc và Biển Đông. Tổng thống Duterte hiện nay đang theo hướng thỏa hiệp, dựa trên sự thực dụng về cân bằng lợi ích quốc gia và kinh tế".
Tìm điểm giao thoa
Các nghiên cứu về Biển Đông đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao nhận thức, không chỉ dành cho công chúng mà còn cho những nhà hoạch định chính sách, theo phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Vũ Tùng - giám đốc Học viện Ngoại giao Việt Nam.
Tuy nhiên, trao đổi riêng với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Vũ Tùng thừa nhận học thuật chưa thể giải quyết được vấn đề bế tắc của Biển Đông do luôn có "độ vênh" về mặt thời điểm.
Ông nói: "Thành công đáng tự hào nhất trong 10 năm qua là chúng ta tạo ra một lượng lớn các công trình nghiên cứu về Biển Đông ở mọi cấp bậc và lĩnh vực.
Nhưng bất kể nâng cao nhận thức xã hội, đóng góp khuyến nghị cho các nhà hoạch định chính sách, học thuật chỉ có thể đưa ra bức tranh, giải pháp, còn các nhà hoạch định chính sách cần lựa chọn những giải pháp phù hợp nhất trong từng giai đoạn cụ thể nên luôn có độ vênh nhất định".
Đi sâu vào vấn đề này trong trường hợp đàm phán Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC), tiến sĩ Nguyễn Vũ Tùng cho rằng các nghiên cứu đã xác định được điểm mấu chốt khiến đàm phán bế tắc: việc khoanh vùng địa lý mà COC bao phủ, vấn đề ràng buộc pháp lý và tiến trình thực thi. Nhưng cơ bản các nước vẫn không thể thống nhất về địa lý khi Trung Quốc tiếp tục tuyên bố chủ quyền phi pháp trên "đường chín đoạn".
Để giải quyết "đường chín đoạn", vụ kiện được xử thắng của Philippines năm 2016 có thể là chất xúc tác. Nhưng quay ngược lại với "độ vênh", rõ ràng chính quyền Tổng thống Duterte của Philippines đã chọn cách tiếp cận khác.
"Hiện nay, chính quyền ông Duterte đang quan tâm hơn tới việc đạt lợi ích kinh tế từ Trung Quốc... nên bất kỳ thay đổi nào sắp tới đi nữa họ vẫn sẽ phải xử lý xung đột bằng biện pháp song phương và lặng lẽ" - giáo sư Batongbacal nói với Tuổi Trẻ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận