21/04/2017 17:44 GMT+7

Vợ nghệ sĩ Thanh Sang: '​Thương anh từ những ân tình…'

LINH ĐOAN (ghi) - Video: BÁ DUY
LINH ĐOAN (ghi) - Video: BÁ DUY

TTO - Phờ phạc hơn nửa tháng trời ra vô bệnh viện chăm chồng hôn mê, bà Ngọc Mỹ - vợ NSƯT Thanh Sang vẫn bình tĩnh để sắp xếp chu toàn hậu sự cho chồng, dù nỗi đau có đôi lúc không thể che giấu được...

. Cô Trần Ngọc Mỹ- vợ nghệ sĩ Thanh Sang chia sẻ về cuộc sống của trước lúc lâm chung - Ảnh: Duyên Phan
Cô Trần Ngọc Mỹ -  vợ nghệ sĩ Thanh Sang chia sẻ  - Ảnh: Duyên Phan

Mới học xong phổ thông, má bắt gả Ngọc Mỹ cho anh kép hát Thanh Sang. Cô gái ấy chưa từng một lần coi cải lương dù bà già ghiền sân khấu tới mức tự bỏ tiền làm gánh cải lương Cao su Đồng Nai và dám mời Thanh Sang, Phượng Liên về hát chính.

Khi Thanh Sang để ý và ngỏ lời cưới Ngọc Mỹ, má cô gả luôn vì “Tao thương thằng Sang quá!”.

"Lấy chồng theo mong muốn của má, lại mới 19 tuổi, còn con nít quá trời nên về sống chung vợ chồng gây nhau suốt. Má Ngọc Mỹ thấy vậy than má gả chồng mà con không hạnh phúc má hối hận lắm!

Nghe má thở dài đứt ruột, Ngọc Mỹ nghĩ thôi ráng nhịn nhục nhau mà sống. Nhịn riết đâm quen tới nỗi hồi đó chồng nhiều khi ngạc nhiên: “Không biết lúc nào em vui, em buồn luôn!”. Còn bạn bè nghệ sĩ thì trố mắt: “Anh Năm (nghệ sĩ Thanh Sang) tánh ảnh nóng vậy mà sao chị nhịn hay vậy?”

Người ta thường nhìn cuộc đời, tình trường sóng gió của Thanh Sang mà cám cảnh cho ông, nhưng có lẽ sau 6, 7 lần đổ vỡ, ông trời đã quyết định đem đến cho ông người vợ cuối cùng để sau ánh hào quang sân khấu ông cảm nhận những ân tình bình dị mà người nghệ sĩ nổi tiếng thường khó tìm được.

Không chỉ là người vợ biết nhẫn nại, vị tha với chồng mà bà Ngọc Mỹ còn là hậu phương vững chắc để chồng chỉ toàn tâm toàn ý với sân khấu.

“Cưới tôi về ảnh đi diễn biền biệt suốt mấy tháng trời. Từ ngày lấy ảnh năm 19 tuổi tới nay đã 57 tuổi, tôi có biết gì bên ngoài đâu. Lấy chồng về là lo cho má chồng bệnh, đẻ con lo nuôi con khôn lớn.

Tới chừng con trưởng thành tưởng đỡ vất vả thì nuôi ảnh bệnh. Mười mấy năm nay, gia đình đưa ảnh đi cấp cứu không biết bao nhiêu lần. Bệnh viện ở thành phố này ảnh đi cấp cứu cũng gần hết rồi. Trong nhà, tới cái công tắc đèn ảnh còn không biết nằm đâu vì suốt ngày chỉ lo đi hát!”

Nói là nói vậy, nhưng trong ánh mắt bà Mỹ, tình yêu thương vẫn tràn ngập khi nhắc đến người chồng nghệ sĩ nổi tiếng. Bởi sau cái tính nóng nảy, thẳng đuột nhiều khi đến khó chịu, bà cảm nhận được sự ấm áp từ trái tim của ông.

“Hồi má tôi làm đoàn cải lương Cao su Đồng Nai, ảnh cực lắm. Cái gì làm được ảnh làm tuốt. Kép chánh mà sáng chạy đi đọc loa quảng cáo tuồng khắp cùng ngõ hẻm, tới trưa về đoàn mà thiếu tổng khậu ảnh nhào vô nấu ăn cho đoàn.

Đạo cụ, phục trang cái gì làm được ảnh mày mò tự làm hết. Ảnh biểu ráng tiện tặn để má vợ đỡ tốn tiền lo cho gánh!”

Bà Mỹ kể: “Hồi sau giải phóng người ta rủ đi nước ngoài nhiều lắm mà má ảnh không chịu đi. Bà già nói còn mồ mả ba mày ở đây thì tao không đi đâu hết, vậy là ảnh thương má ảnh ở lại VN luôn.

Vậy chớ sao này có điều kiện đi du lịch, lưu diễn nước ngoài, cuối cùng ảnh lại nói: Đi đâu cũng không bằng về nhà, không bằng ở tại quê hương mình!”

Sau thời kỳ hoàng kim của cải lương, cũng không còn nhiều đoàn hát để nghệ sĩ Thanh Sang theo nên ông ở nhà nhiều hơn. Rồi xoay qua ngắm nghía, mua lại xe hơi cũ, tân trang bán lấy tiền. Ở nhà nhiều nên ông bà càng có điều kiện hiểu và yêu thương nhau hơn.

Nghệ sĩ Thanh Sang ra đi để lại niềm tiếc thương trong lòng người hâm mộ - Ảnh: Duyên Phan
Nghệ sĩ Thanh Sang ra đi để lại niềm tiếc thương trong lòng người hâm mộ - Ảnh: Duyên Phan

Mười mấy năm ông bệnh, một tay bà tất tả chạy ngược chạy xuôi, thấy bà cực  quá nên nhiều khi: “Ảnh đau dữ lắm mà cắn răng chịu đựng. Tại “thấy em cực nên anh không dám than!” bà Mỹ nghẹn lời khi nhớ đến ông ở những ngày cuối đời.

Sân vườn nhà nghệ sĩ Thanh Sang có khá nhiều cây cảnh. Bà Mỹ chia sẻ cây nào cũng có bàn tay Thanh Sang chăm bón. Dạo sau này yếu không đi diễn, không đi xa được, ông chủ yếu ở nhà chăm cây.

Mới đầu chăm cho đỡ buồn, vận động tay chân. Chăm riết rồi cưng, tới cắt cành, tỉa lá ông còn không nỡ sợ làm cây đau. “Ổng giấu hết kéo dao sợ tui cắt cây của ổng. Lá cảnh ra nhiều quá ổng lấy dây buộc lại cho gọn. Có bữa ngắm cây tự nhiên ổng hỏi: Ủa, sao cây kiểng mình xấu quá vậy em?

Tôi nói: Thì giống như anh, tóc tai không cắt gọn gàng làm sao đẹp được. Vậy là ổng cười hề hề…”. Bà Mỹ chậm rãi nhìn ra khoảng sân: “Giờ ảnh đi rồi, nghe người ta nói chủ chết cây cũng buồn, nên họ biểu tui lấy dây buộc cây lại để nó đừng héo úa…”

Vợ nghệ sĩ Thanh Sang gạt đau thương đứng ra lo liệu chu tất đám tang cho chồng - Ảnh: Duyên Phan
Vợ nghệ sĩ Thanh Sang gạt đau thương đứng ra lo liệu chu tất đám tang cho chồng - Ảnh: Duyên Phan

Áo quần đàng hoàng đặng tối vào thăm chú lần cuối, nghen!

Hai người phụ nữ trạc năm mươi, đứng lấp ló ngoài cổng, được người nhà nghệ sĩ Thanh Sang mời vào. Hỏi ra mới biết họ là khán giả ái mộ nghệ sĩ Thanh Sang, đến để xin thắp nén nhang tiễn đưa nghệ sĩ về nơi an nghỉ cuối cùng…

“Tôi hay tin chú Thanh Sang mất sáng nay, tranh thủ bán mớ đồ nhựa ngoài chợ rồi vừa đi đường vừa hỏi thăm tìm đến nhà chú. Cả nhà tôi mê chú Thanh Sang ca cải lương dữ lắm. Hồi 6 tuổi tôi đã nghe Tuyệt tình ca, chú đóng vai Lê Long Hồ.  Từ đó tôi mê cải lương và sưu tầm băng đĩa của chú Sang.

Ngày chú còn khỏe, hễ ở rạp Công Nhân, rạp Gia Định…có cái tên “Thanh Sang” là tôi gom tiền mua vé liền. Ngồi trong rạp nghe Thanh Sang Thanh Nga hát Tiếng trống mê linh mà tôi tưởng như mình đang ở giai đoạn lịch sử đó của đất nước.  Họ diễn như thật.

Tôi đã nhiều lần khóc khi nghe chú Thanh Sang hát. Là một khán giả theo dõi nghệ sĩ Thanh Sang bao năm, tôi thấy chú hiền, chân chất và gần gũi khán giả. Chú đóng vai nào là đóng đinh tên tuổi vai đó. Mà cái hay của chú Thanh Sang là không có vai nào lẫn vào vai nào. Nét diễn rất rõ ràng.

Thời gian gần đây, ở các rạp hát không để tên “Thanh Sang” nữa, tôi ngó vào rạp lòng buồn khó tả. Báo đài đưa tin chú Thanh Sang bệnh, tôi ngồi bán ngoài chợ nhấp nhỏm không yên. Sáng hay tin chú mất, tôi nóng lòng muốn thắp nén nhang tiễn đưa thần tượng của cuộc đời mình về nơi an nghỉ cuối cùng.

Nãy tôi đứng trước cổng mà không dám vào, vì mình chưa biết gia đình có cho khán giả vào viếng nghệ sĩ không. Nghe gia đình mở lòng cho khán giả vào viếng chú, tôi mừng lắm. Thôi, tôi về dọn dẹp mớ đồ ngoài chợ rồi tranh thủ cơm nước, áo quần đàng hoàng đặng tối vào thăm chú lần cuối, nghen…” chị Đặng Thị Kim Ngân (phường 7, Gò Vấp) tâm sự.

ĐỖ TRƯỜNG (ghi)

 

 

LINH ĐOAN (ghi) - Video: BÁ DUY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên