19/04/2010 08:01 GMT+7

Bay thử qua tro núi lửa

LÊ NAM
LÊ NAM

TT - Hi vọng nhen nhóm cho khách đi máy bay ở châu Âu sau khi hai hãng hàng không thực hiện thành công các chuyến bay thử qua các đám mây có bụi tro núi lửa để đánh giá mức độ an toàn.

X08QMc59.jpgPhóng to
Hành khách hỏi thông tin tại quầy bán vé Hãng Cathay Pacific tại sân bay quốc tế Hong Kong ngày 18-4. Hàng chục chuyến bay từ châu Á đến châu Âu tiếp tục bị hủy - Ảnh: AFP

Hãng hàng không Hà Lan KLM cho biết máy bay Boeing 737 của họ đã đạt tới độ cao hoạt động cao nhất trên bầu trời Hà Lan và không gặp vấn đề gì trong suốt chuyến bay. Hiện máy bay và động cơ đang được kiểm tra và phân tích. Nếu mọi việc ổn, họ có thể được phép của cơ quan điều hành bay hoạt động trở lại. Còn Hãng Lufthansa của Đức khẳng định đã thực hiện một số chuyến tới Frankfurt từ Munich. Người phát ngôn của hãng nói: “Mọi máy bay đều đã được kiểm tra khi hạ cánh xuống Frankfurt nhưng không có thiệt hại gì ở cửa sổ khoang lái và động cơ”.

Nếu máy bay bay qua các đám mây có tro bụi núi lửa, các chuyên gia lo ngại rằng động cơ máy bay có thể bị nghẹt và dừng hoạt động giữa chừng. Trong 20 năm qua, có khoảng 80 vụ máy bay gặp đám mây có tro núi lửa và suýt nữa ảnh hưởng nghiêm trọng tới hai chiếc Boeing 747 chở theo gần 500 hành khách và gây hư hại 20 máy bay khác.

Tro bụi cản đường dự tang lễ

Vietnam Airlines tiếp tục hủy các chuyến bay

Hãng hàng không Vietnam Airlines (VNA) cho biết do tình hình bụi núi lửa từ Iceland tiếp tục diễn biến phức tạp tại khu vực châu Âu, VNA tiếp tục hủy các chuyến bay ngày 19-4 gồm VN 534 Paris - Hà Nội (dự kiến khởi hành 14g giờ địa phương), VN 544 Frankfurt - Hà Nội (dự kiến khởi hành 14g40 giờ địa phương). Lịch khai thác các chuyến bay thường lệ và các chuyến bay bù giữa Hà Nội/ TP.HCM và châu Âu (Paris, Frankfurt và Matxcơva) sẽ tiếp tục được cập nhật sau.

VNA cũng đề nghị hành khách không cần ra sân bay mà nên truy cập thường xuyên vào website www.vietnamairlines.com hoặc liên hệ các phòng vé để cập nhật thông tin mới nhất. VNA sẽ hỗ trợ miễn phí đối với mọi thủ tục liên quan đến việc đặt chỗ, hoàn, hủy hoặc đổi vé cho hành khách trên các chuyến bay bị ảnh hưởng này.

Tuy nhiên, chưa có dấu hiệu nào cho thấy các chuyến bay sẽ sớm hoạt động trở lại. Đến nay, “chờ đợi tới thông báo tiếp theo” vẫn đang là tin tức mà hành khách đi máy bay ở châu Âu nhận được về các chuyến bay bị hoãn, bị hủy của mình trong ngày thứ 4 của thảm họa do tro bụi núi lửa từ Iceland gây ra. Không những thế, nhiều lãnh đạo trên thế giới đã không thể đến thành phố miền nam Krakow (Ba Lan) để đưa tiễn linh cữu của Tổng thống Lech Kaczynski và phu nhân cùng nhiều quan chức cấp cao khác của nước này hôm 18-4.

Tổng thống Mỹ Barack Obama, Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy, Thủ tướng Đức Angela Merkel, Ngoại trưởng Anh David Miliband... nằm trong số những người phải hủy chuyến công du tới Ba Lan theo lịch trình trước đó.

Tro bụi núi lửa từ Iceland buộc một số quốc gia châu Âu nới rộng lệnh cấm bay ít nhất một vài ngày nữa. Theo Cơ quan Khí tượng Iceland, đám mây tro bụi núi lửa khổng lồ tiếp tục theo hướng gió di chuyển về phía đông tới Nga trong hai ngày tới và có thể tiếp diễn tới giữa tuần.

Hiệu ứng domino

Ngoài số tiền thiệt hại ước tính 200 triệu USD/ngày đối với ngành hàng không thế giới, kinh tế địa phương ở các nước cũng đang chịu thiệt hại do hàng hóa ứ đọng vì giao thông đình trệ và hiệu ứng domino. Ví dụ, hoa và rau quả của Kenya không thể đưa đến châu Âu và sớm bị hư hỏng. Ở Ý, pho mát Mozzarella tươi ngon cũng “đắp chiếu”.

Những người kinh doanh ở châu Âu với nguyên tắc kinh doanh đúng hạn, hàng luôn tươi mới thì lo ngại kho hàng dự trữ đã hết. Máy bay của FedEx, DHL cùng các hãng vận tải khác đều nằm lại trên đường băng. Riêng FedEx đã phải hoãn hơn 100 chuyến bay từ khi núi lửa động đậy và không thể bay tới 15 sân bay ở châu Âu, trong đó có trung tâm phân phối tại sân bay Charles de Gaulle.

Đối với rất nhiều người, nhiều ngành nghề thiệt hại là ngay lập tức, có thật và rất tốn kém. Về lâu dài, các hãng hàng không và nhiều công ty khó chống trả được hậu quả của núi lửa do mạng lưới phân phối hàng hóa toàn cầu bị phá vỡ. Tuy nhiên theo các nhà kinh tế, kinh tế toàn cầu tạm thời chưa thật sự nguy hiểm.

Trong khi đó ngày 17-4, nhà vật lý Hà Lan Edwin Zanen đã bay trong vòng 25km của khu vực núi lửa Iceland. Ông nhận định không có dấu hiệu nào cho thấy hoạt động của núi lửa đang dần bớt đi. “Ngược lại chúng tôi thấy tình hình ở đó như địa ngục, núi lửa đang hoạt động dữ dội”.

* Cưới qua mạng

Gia đình và bạn bè đã được mời, lễ cưới đã được chuẩn bị ở Ealing, tây London (Anh), nhưng cặp uyên ương người Anh - Úc đành phải thề nguyền với người chủ lễ qua... màn hình máy tính. Bị kẹt lại tại Dubai khi chuyển máy bay tới Anh, Sean Murtagh, 24 tuổi, từ tây London và vợ là Natalie, 30 tuổi, đã thực hiện các nghi lễ đám cưới của họ với sự giúp đỡ của nhân viên khách sạn ở sân bay Dubai.

Các nhân viên giúp họ kiếm chiếc laptop có cài đặt chương trình Skype để trò chuyện trực tuyến và một máy chiếu màn hình phóng lớn để từ nơi xa xôi, đám cưới của họ vẫn được tổ chức và có sự chứng kiến của người thân.

Caroline Black, chủ lễ cưới từ London, nói: “Mọi thủ tục đều y như mọi đám cưới khác, chỉ có điều không có cô dâu và chú rể”.

* Hùn tiền mua xe hơi

Đó là giải pháp mà ba người Estonia đưa ra để trở về nhà từ Hà Lan thay vì vật vạ chờ đợi máy bay. Họ cùng tới thành phố Rotterdam trước khi núi lửa Iceland hoạt động và nhận ra mình không thể về lại nhà như dự tính.

“Máy bay thì không cất cánh, “cháy” vé tàu, xe buýt, xe hơi cho thuê, còn tiền thuê phòng thì tốn cả bộn” - một người tên Avo nói. Cuối cùng, họ đành mua chiếc xe hơi rẻ nhất có thể: chiếc Opel Astra cũ với giá 1.345 USD. Để đi từ Rotterdam tới thủ đô Tallinn (Estonia), họ phải vượt qua quãng đường 2.250km trong 27 giờ.

* Mong các núi lửa khác đừng thức dậy!

Tại thủ đô các nước Tây Âu, thông tin về tình hình sân bay được cập nhật trên các phương tiện truyền thông mỗi phút vì không chỉ thiệt hại về tiền bạc mà còn ảnh hưởng nặng tới thời gian, lịch công tác, thời gian biểu của hàng triệu người. Người ta đổ xô đi xe lửa, đi phà nhưng các phương tiện này cũng mau chóng quá tải.

Điều trớ trêu là núi lửa Eyjafjallajokull, ngủ yên đã 200 năm bỗng trở mình (lần trước vào ngày 21-3 nhưng không quá mạnh), ngay sau khi Iceland tuyên bố đưa vào khai thác tour du lịch tham quan... núi lửa, một sáng kiến nhằm vực dậy nền kinh tế nước này bị ảnh hưởng nặng nề của suy thoái kinh tế thế giới.

Iceland nằm trên vết nứt giữa Đại Tây Dương của Trái đất nên là miền đất rất nhạy cảm giữa các lục địa Âu Á và Bắc Mỹ. Đảo quốc này, có lẽ nên gọi là”Băng hỏa quốc”, là quốc gia có nhiều núi lửa nhất thế giới với khoảng 130 ngọn, trong đó có 18 ngọn còn hoạt động kể từ ngày lập quốc. Tuy nhiên điều khiến người ta lo sợ nhất hiện nay không phải là những tổn thất mà Eyjafjallajokull tạo ra mà là tác động tới các ngọn núi lửa khác, lớn hơn, đang yên ngủ.

Núi lửa Eyjafjallajokull - có thể gọi là núi lửa “em”, ăn thông với một cụm núi lửa khác ở độ sâu khoảng 20km, gọi là núi lửa “chị”, Myrdalsjokull, cách đó 30km. Trong đó ngọn lớn nhất là Katla, có định kỳ trở mình 50 năm một lần, gần đây nhất là vào năm 1955, rất may là không dữ dội. Do vậy các chuyên gia địa chất đang lo sợ việc núi “em” trở mình sẽ ảnh hưởng dây chuyền đến núi “chị”. Hiện nay người ta đã ghi nhận được khu vực sườn núi Katla đã nhô lên so với trước.

Ngọn Eyjafjallajokull bị bao phủ bởi một lớp băng tuyết dày 200m, khi núi lửa phun đã gây ra lụt lội do băng tuyết tan nên chính quyền Iceland phải lo sơ tán dân trong khu vực. Theo AP, các dòng nước do băng tan tại miền nam Iceland đã chở theo những khối băng tuyết bằng những căn nhà nhỏ, một phần đường sá tại khu vực lân cận đã bị phá hủy hoàn toàn. Còn ngọn Katla thì không những lớn hơn mà lớp băng tuyết phủ dày tới khoảng 700m nên tác hại sẽ lớn hơn rất nhiều một khi núi lửa phun.

Nhưng đáng sợ nhất là hoạt động của những ngọn núi này sẽ tạo nên những cơn chấn động dưới lòng đất và ảnh hưởng tới ngọn núi lửa nguy hiểm nhất thế giới, núi lửa Laki. Khi Laki thức dậy năm 1783 đã tiêu diệt hết 1/3 dân số Iceland và hai năm sau đó mây khói bụi của núi lửa vẫn còn che phủ bầu trời các nước Bắc Âu gây nên đói kém, dịch bệnh khắp nơi vì người ta không thể trồng trọt do tầng mây bụi đã che hết ánh sáng mặt trời.

Trong những ngày này, tuy bị ảnh hưởng nặng do sinh hoạt bị đảo lộn nhưng người dân các nước Bắc Âu khá bình thản, không kêu ca như hành khách, du khách đến từ các khu vực khác, như châu Á chẳng hạn, có lẽ vì họ đã quen với những chuyện giao thông ngưng trệ do bãi công..., thiên tai dù sao cũng còn dễ chấp nhận hơn nhân tai. Điều họ quan tâm hiện nay là cầu mong sao cho những ngọn núi lửa khác đừng thức dậy.

------------------------------------

* Tin bài liên quan:

Giới hàng không bắt đầu phàn nàn Vietnam Airlines tiếp tục hủy các chuyến đi/về từ châu Âu Tro núi lửa đe dọa các giải bóng đá Châu Âu Vì núi lửa, mỗi ngày thiệt hại 200 triệu USD Hàng không Châu Âu tiếp tục ngưng trệ trầm trọng Vietnam Airlines hủy nhiều chuyến bay châu Âu vì núi lửa... Núi lửa Iceland gây hỗn loạn hàng không châu Âu Bụi núi lửa Iceland ảnh hưởng đến hàng không Anh Núi lửa ở Iceland phun trào

LÊ NAM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên