* Hàng không châu Âu tiếp tục tê liệt * Một cuốc taxi hơn 5.000 USD * Khách từ VN phải chờ vài ngày nữa
![]() |
Ga xe lửa TP Hamburg (Đức) đông nghẹt do nhiều hành khách chuyển sang đi xe lửa thay máy bay - Ảnh: AFP |
Núi lửa ở Iceland phun trào đang gây nên “những rối loạn chưa từng có kể từ sau vụ khủng bố 11-9-2001 ở Mỹ và tồi tệ tương tự cho bầu trời châu Âu” - người phát ngôn của Tổ chức Hàng không dân sự Anh mô tả.
Theo Reuters, những rối loạn này diễn ra lúc các hãng hàng không quốc tế vừa rút chân khỏi tình trạng trì trệ, hậu quả của cuộc khủng hoảng toàn cầu. Tổ chức Vận tải hàng không quốc tế (IATA) ước tính ngành hàng không thế giới đang thiệt hại hơn 200 triệu USD mỗi ngày. Cổ phiếu của các hãng hàng không trên thị trường chứng khoán cũng đã sụt giảm 1,4-3%, đặc biệt là với các hãng hàng không như Lufthansa, British Airways, Air Berlin, Air France - KLM, Iberia và Ryanair.
![]() |
Hành khách ngủ vạ vật ở sân bay Orly gần Paris - Ảnh: Reuters |
Nhà chức trách Iceland cho biết núi lửa đang tiếp tục phun dù cường độ đã giảm, đám mây bụi tro tiếp tục di chuyển xuống phía nam và đông châu Âu. Bầu trời Anh và vùng Scandinavia sẽ bị tro bụi ảnh hưởng nghiêm trọng trong 2-4 ngày tới. Do vậy, theo các chuyên gia về núi lửa, bầu trời châu Âu sẽ còn tiếp tục bị khói bụi “ám” hàng tuần, thậm chí hàng tháng nữa.
AFP cho biết sáng qua, Anh, Ireland, Bỉ tiếp tục áp dụng lệnh cấm bay đến rạng sáng hôm nay 18-4, còn Ý, Thụy Sĩ, Đức tiếp tục đóng cửa không phận cho đến đêm. Hãng hàng không Úc Qantas hủy toàn bộ các chuyến bay đến châu Âu. Các nước Đông Âu như Ukraine và Belarus cũng ra lệnh đóng cửa các sân bay. Trong khi đó, Pháp đóng cửa ba sân bay ở Paris và các sân bay ở miền bắc tới tận thứ hai. Hãng hàng không Bắc Âu SAS cũng ngừng mọi chuyến bay châu Âu đến thứ hai. Tổng cộng trong ngày hôm qua, 16.000 chuyến bay đã bị hủy ở châu Âu.
Tại châu Âu, các hệ thống giao thông khác rơi vào cảnh quá tải. AP cho biết tại Amsterdam (Hà Lan), các công ty dịch vụ đường sắt đã điều động thêm nhiều đoàn tàu để phục vụ nhu cầu bùng nổ. Số lượng hành khách xếp hàng mua vé tàu dài đến mức các công ty phải mua cà phê miễn phí cho hành khách nhâm nhi trong khi chờ đợi. Hãng đường sắt Eurostar đã chở gần 50.000 hành khách đi London (Anh), Paris (Pháp) và Brussels (Bỉ) trong hai ngày qua.
Còn tại châu Á, Reuters cho biết ngành hàng không cũng đang phải đối phó chật vật với hậu quả của núi lửa Iceland. Ở Singapore, trạm trung chuyển lớn cho các chuyến bay châu Âu, 22 chuyến bay sáng hôm qua đã bị hủy. “Tôi chẳng biết phải ở đâu bây giờ, các khách sạn ở Singapore đều đã kín chỗ” - hành khách Dirk Kronewald người Đức than thở.
Singapore Airlines cho biết ưu tiên thu xếp chỗ ở cho các hành khách già yếu và nhỏ tuổi trong hai đêm với mức giá lên tới 220 USD/đêm, nhưng cũng thừa nhận là đang thiếu phòng khách sạn. Một quan chức sân bay Changi tiết lộ đêm thứ sáu, khoảng 1.000 hành khách đã phải ngủ tại sân bay. Hãng Cathay Pacific cho biết không nhận đặt vé đi London, Paris, Frankfurt (Đức) và Amsterdam trong vài ngày tới.
Tại Ấn Độ, các hãng hàng không cũng hủy gần 100 chuyến bay đến châu Âu trong hai ngày cuối tuần. Ở Bắc Kinh, hành khách dồn ứ tại sân bay để đổi vé và khó tìm được khách sạn để tạm trú.
Khách từ VN: phải chờ vài ngày nữa Đại diện các hãng hàng không tại VN có đường bay gián tiếp sang châu Âu cho biết những hành khách còn kẹt ở VN nhiều khả năng sẽ phải chờ 5-10 ngày mới có thể có chuyến bay sang châu Âu vì lượng khách đang mắc kẹt ở các điểm trung chuyển hiện nay rất đông. Các công ty du lịch đang có khách đã kết thúc tour du lịch tại VN hoặc sắp kết thúc tour trong vài ngày tới rất lo lắng vì không biết đến khi nào du khách mới có máy bay về nước. Chiều 17-4, VNA thông báo tiếp tục hủy các chuyến bay trong ngày 17-4: VN 525 Hà Nội - Matxcơva (khởi hành dự kiến lúc 10g25 giờ địa phương), VN 524 Matxcơva - Hà Nội (khởi hành dự kiến lúc 20g giờ địa phương). Lịch khai thác các chuyến bay thường lệ và các chuyến bay bù từ ngày 18-4 từ Hà Nội, TP.HCM sang châu Âu (Paris, Frankfurt và Matxcơva) sẽ được cập nhật sau. |
Nhóm các nhà khoa học Trường ĐH Lâm nghiệp Hà Nội vừa kết thúc các cuộc gặp gỡ bàn bạc cho dự án sấy tre với Viện Nghiên cứu gỗ và giấy thuộc ĐH Tổng hợp kỹ thuật Dresden, cần quay lại Hà Nội cuối tuần này nhưng sân bay lớn nhất nước Đức Frankfurt-am-Main đã đóng cửa ít nhất đến chủ nhật. Họ phải đi tàu tới Paris để định bay từ sân bay Charles de Gaulle về Hà Nội, nhưng có lẽ cũng sẽ bị kẹt ở Paris vài ngày tới. Mấy hộp sôcôla tươi ngon tôi nhờ gửi về nhà chắc sẽ chảy thành hỗn hợp cacao lỏng mất thôi. Hai ngày nay, không chỉ hàng không ở châu Âu bị ngưng trệ mà mạng lưới đường sắt, đường bộ cũng rơi vào tình trạng quá tải. Giao thông đường bộ ở châu Âu phải gánh phần lớn lượng hành khách khổng lồ đang dồn ứ tại các sân bay chính. Theo luật EU, hành khách đã mua vé của các hãng hàng không đều có thể đổi thành vé tàu hỏa, xe buýt và nếu lựa chọn di chuyển bằng taxi phải tự lo chi phí sau khi hoàn lại vé máy bay. Các hãng lữ hành lớn nhất thế giới như Thomas Cook hay TUI đều hỗ trợ du khách đã đặt tour trọn gói đổi sang ngày khởi hành khác mà không mất phí. Các hãng hàng không dù của quốc gia hay hàng không giá rẻ đều có trách nhiệm cung cấp thức ăn, nước uống và phòng ở khách sạn cho hành khách đã mua vé trong thời gian chờ đợi nối lại các chuyến bay. Nhiều hành khách đang đợi trong các phòng chờ tỏ ý bực dọc hay sốt ruột, nhưng cũng có những người tự an ủi: được ngồi đợi ở đây là tốt chán so với những người đang ở vùng có thiên tai, chờ đợi được bay chỉ là một chuyện rất nhỏ. Đường sắt Đức đã phải tăng nhiều chuyến tàu và nối thêm toa. Rất nhiều chuyến vé đã bán hết sạch nhưng vẫn tiếp tục bán thêm vé. Thông thường vé tàu ở Đức không có sẵn số ghế, phải trả thêm tiền để giữ chỗ. Nhưng trong những ngày này, muốn bỏ ra 3,5 euro/ghế cũng không còn để giữ. Vậy là phải đứng một chân kiểu con cò rồi. Không thể có chuyện mùa hè biến mất ở châu Âu như một số người đang lo lắng, tuy đám mây bụi lần này có thể tồn tại trong khí quyển đến hai năm sau. Dân châu Âu, nhất là dân Đức, chắc phải tự an ủi mình như bà Angela Merkel: bình thản đón nhận những gì sẽ xảy đến. |
Thủ tướng Đức bị mắc kẹt Bồ Đào Nha đã bất ngờ đón tiếp Thủ tướng Đức Angela Merkel trong một chuyến viếng thăm “không mời mà đến” vào ngày 16-4. Chiếc Airbus chở bà trở về từ California sau chuyến thăm Mỹ và dự kiến đáp xuống Berlin vào cuối buổi chiều đã buộc phải đáp xuống Lisbon. Bà Merkel trở thành một trong hàng chục ngàn hành khách đang kẹt lại tại các sân bay khắp châu Âu. Sau vụ tai nạn máy bay khủng khiếp xảy ra cho Ba Lan cách đây một tuần, phi hành đoàn Bundeswehr không dám mạo hiểm chút nào với tính mạng của bà thủ tướng. Tất cả các sân bay của Đức đều đóng cửa cho tới ít nhất 14g ngày 17-4, do đó bà đã phải qua đêm tại khách sạn Ritz-Carlton, một trong những tòa nhà sang trọng nhất của thủ đô Bồ Đào Nha. Việc bà tham dự quốc tang ở Ba Lan là không chắc chắn. Nếu các sân bay đóng cửa kéo dài, bà Merkel sẽ phải nhắm đến một giải pháp khác để đi nốt quãng đường khoảng 2.800km còn lại: việc đi xe lửa hoặc xe hơi băng qua Tây Ban Nha, Pháp và Bỉ sẽ là dịp để bà bất ngờ chào thăm các nguyên thủ lân cận bên kia sông Rhine.
Một cuốc taxi hơn 5.000 USD Nhiều du khách bị kẹt tại các sân bay Bắc Âu do núi lửa Eyjafjallajoekull phun nay quay sang dùng taxi, thậm chí để di chuyển trên những khoảng cách khá xa, như có người đã đặt một chuyến taxi từ Oslo (Na Uy) đến Paris (Pháp). Hãng taxi chính ở Stockholm (Thụy Điển) đã đưa giá 750 euro (1.015 USD) cho một cuốc taxi từ Stockholm đến Oslo và 950 euro (1.285 USD) từ Stockholm đến Copenhagen. Một cựu thành viên của đoàn Monty Python, diễn viên John Cleese, bị kẹt tại Oslo, cũng đã di chuyển đến Brussels (Bỉ) bằng taxi với giá cao ngất ngưởng là 3.800 euro (5.143 USD). |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận