24/03/2011 06:50 GMT+7

Truyền thông trong "sóng dữ"

KHỔNG LOAN
KHỔNG LOAN

TT - Trong email gửi tới Tuổi Trẻ, chị Hà Linh, một người Việt Nam đã sống 12 năm nay ở Nhật Bản, cho biết: “Văn phòng của chính phủ - nơi cung cấp các thông tin được coi là chính thức của Thủ tướng Naoto Kan - các quan chức phát đi những thông điệp bao giờ cũng có một phiên dịch ngôn ngữ bằng tay để phiên dịch đồng thời cho những người câm điếc hiểu”.

BRcwWCA4.jpgPhóng to

Tại một cửa hàng tạp hóa ở Sendai, hàng hóa đã được bày bán dù không nhiều lắm - Ảnh: Lan Phương

Hãy bình tĩnh!

Tất cả thành phần trong xã hội đều được thông báo rõ ràng, chi tiết về mọi diễn biến để tránh những tin đồn thất thiệt, gây sợ hãi cho dân chúng. “Các bài phát biểu của thủ tướng hay người phát ngôn chính phủ rất khúc chiết, súc tích và chân thành. Có kênh TV, radio chuyên dành cho các tin nhắn của mọi người gửi tới nhau, công bố danh sách tên người tị nạn.

Để cổ vũ, động viên người dân, truyền thông đăng tải những lời khen ngợi nhiệt thành tinh thần dũng cảm, bình tĩnh của người Nhật từ trên khắp địa cầu”. Các phát thanh viên của Nhật Bản trình bày các bản tin, thông báo các thông tin mới trong trang phục trang nhã, nét mặt bình thản nhưng không phải vô cảm mà từ ánh mắt, từ cách trình bày bản tin đều toát lên rất tự nhiên sự thông cảm, lo âu và hi vọng.

Sự bình tĩnh, đúng mực của các phát thanh viên cũng như thái độ bình tĩnh, linh hoạt của các quan chức chính phủ cấp cao mang đến sự an tâm cho công chúng.

Trò chuyện với Tuổi Trẻ sáng 23-3, chị Dzung Nguyễn hiện sống ở Tokyo cho biết trên mạng có trang cung cấp nồng độ phóng xạ trong không khí, trong nước theo từng khu phố so với chuẩn.

Do truyền thông hoạt động hiệu quả, theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, rất nhiều người dân Nhật chỉ theo dõi tin tức và phát ngôn của chính phủ, cũng như tham khảo cách xử lý trong mỗi trường hợp từ nguồn chính thức của Đài NHK.

Niềm tin của dân chúng với chính phủ hay hệ thống truyền thông Nhật không phải ngẫu nhiên mà có. Nó được xây dựng từ luật lệ, ý thức của mỗi cá nhân trong cộng đồng khi họ làm tốt thật sự công việc và trách nhiệm của bản thân trong xã hội, vì lợi ích nhân dân, công chúng.

Nhật Bản là một quốc gia hàng đầu thế giới về công nghệ. Ngay khi sự kiện diễn ra, ngoài những người dân trực tiếp chứng kiến ghi lại tất cả hình ảnh, thì những người làm báo của Nhật cũng lao ra đường, lên bầu trời để tìm được vị trí tốt nhất cho các hình ảnh sóng thần ở mọi góc độ. Tất cả lực lượng trong xã hội đều trở thành những người cung cấp tin tức.

Nếu những người làm báo chuyên nghiệp luôn gắn liền hoạt động với các tiêu chuẩn nghề nghiệp, tính chính xác, tính liên quan của sự kiện trong bức tranh tổng thể hay tìm kiếm nhiều luồng ý kiến khác nhau cho bài viết của mình, thì những công dân Nhật Bản đơn giản chỉ đưa ngay lên mạng xã hội, gửi tới kênh CNN những hình ảnh mà họ có được. CNN đã thông báo nhận được những hình ảnh vô cùng độc đáo, khác biệt.

“Thước đo” từ thảm họa

Nước Nhật chưa quên ngày 1-9-1923, khi trận động đất 7,9 độ Richter khiến Tokyo rung chuyển. Hơn 100.000 người đã thiệt mạng, hơn 3 triệu người mất nhà cửa. Khắp nơi đồn đoán là những người Triều Tiên thiểu số đang bỏ thuốc độc vào giếng nước, và nhiều đám đông cuồng loạn đã giết nhiều người Triều Tiên trong những ngày tiếp theo. Chính phủ Nhật tuyên bố tình trạng thiết quân luật, nhưng chính phủ dân sự đã không thể nào đối phó với thảm họa khiến cuối cùng quân đội phải tiếp quản. 71 năm sau, ngày 17-1-1995, Kobe bị động đất mạnh 6,9 độ Richter, 6.400 người thiệt mạng, thiệt hại vật chất hơn 100 tỉ USD, tức 2,5% thu nhập quốc gia Nhật Bản, tương đương với trận động đất mới nhất ở phía bắc. Thảm họa có thể nhanh chóng thay đổi một quốc gia - theo cách tốt hơn hoặc tệ hơn.

Giải thích về việc nhiều người có thể thắc mắc khi không thấy Thủ tướng Kan xuất hiện cho những buổi “photoshoot” tại hiện trường, chị Hà Linh cho biết: “Quả thật ông Kan không có thời gian để đi xuống bất cứ địa điểm thực tế nào, ông ở tổng hành dinh. Ông không cười bất cứ lúc nào xuất hiện trên TV, ông cũng không có thời gian để trao thùng mì hay gói cứu trợ cho bất kỳ ai.

Nhưng không ai trách cứ ông và các cộng sự. Cái cần lúc này, và ông đã thể hiện được, là những quyết sách phù hợp, sự quyết đoán, chân thành, nỗi đau đi từ trái tim, khao khát làm những gì có thể giúp hàng triệu đồng bào mình mới là sự thuyết phục cao nhất.

Người dân nhìn thấy tấm lòng và nhiệt huyết của ông qua những việc ông làm. Nó mới mang đến niềm tin và hi vọng cho những người dân mà ông có bổn phận phụng sự.

Ông không bi kịch hóa khuôn mặt của mình thành thiểu não để làm lụi tàn niềm hi vọng. Hơn bao giờ hết, ông phải để dân chúng thấy ông là người bình tĩnh và đang nghĩ hết cách, làm hết sức cho nhân dân hơn là bản thân và gia đình mình. Nhân dân và tổ quốc phải là trên hết!”.

Còn Takashi Sobukawa, một nhà báo người Nhật làm việc cho tờ Chunichi Shinbun - tờ báo khu vực lớn nhất đặt tại tỉnh miền trung Nagoya, khi nói với Tuổi Trẻ cũng đánh giá cao nỗ lực phản ứng tương đối nhanh chóng của chính phủ trước thảm họa lần này: “Họ đã ngay lập tức thành lập trung tâm chỉ huy để đối phó với động đất ngay sau khi nó xảy ra, và các bộ trưởng đã gắng sức thu thập thông tin về thiệt hại không ngơi nghỉ trong những ngày đầu tiên. Tôi đánh giá cao những cố gắng đó”.

Chính phủ hiện tại do Đảng Dân chủ tự do nắm quyền sau khi lấy được từ tay Đảng Dân chủ vào mùa hè năm 2009. Chính phủ đó vẫn còn non trẻ và dính nhiều vụ bê bối trước khi động đất xảy ra. “Vì vậy, chính phủ có thể nghĩ người dân nhìn vào cách họ phản ứng và đối phó với thảm họa để có tăng mức độ ủng hộ họ lên không, và chính phủ hiện nay có thể tồn tại được bao lâu phụ thuộc vào cách họ xử lý khủng hoảng lần này”.

Nhận định của Takashi khá trùng hợp với kết quả thăm dò dư luận do chương trình “Báo chí mới” của Đài truyền hình Fuji TV thực hiện. Theo đó tỉ lệ ủng hộ nội các của Thủ tướng Naoto Kan hôm 21-3 đã tăng 11,6% so với cuộc thăm dò ngày 3-3, lên mức 35,6%. Nhưng có tới 52,6% số người được hỏi cho rằng phản ứng của chính phủ đối phó với sự cố ở Nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1 là chưa thích hợp.

____________________

Sự kiện động đất và sóng thần khủng khiếp ở Nhật Bản liệu có ảnh hưởng đến cuộc sống và những biến đổi khí hậu tương lai? Bài học nào từ thảm họa của biển sâu?

Kỳ cuối: Bài học từ đại dương

------------------------------------

* Tin bài liên quan:

Kỳ 1: Bài học từ một đứa trẻ Kỳ 2: Bố, mẹ và con trai tôi Kỳ 3: Tĩnh lặng trong đổ nát Kỳ 4: Còn cuộc sống còn tất cả Kỳ 5: Hành động nhỏ và những tấm lòng lớn Kỳ 6: Tái thiết từ trung tâm thảm họa

KHỔNG LOAN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên