18/07/2010 07:14 GMT+7

Nhiều tàu chìm, nhiều người mất tích trong bão

Nhóm phóng viên - cộng tác viên TTO
Nhóm phóng viên - cộng tác viên TTO

TTO - Sáng nay 18-7, bão Côn Sơn đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Việc khắc phục hậu quả bão lũ diễn ra khẩn trương, đặc biệt là tìm kiếm ngư dân mất tích ở vùng biển Hoàng Sa.

Nghẹt thở đợi tin từ Hoàng Sa

Tối 17-7, vùng tâm Côn Sơn (bão số 1) đã đi vào địa phận các tỉnh Hải Phòng - Thái Bình. Do ảnh hưởng của bão, vùng ven biển các tỉnh từ Quảng Ninh đến Ninh Bình đã có gió mạnh cấp 8, cấp 9; giật cấp 10, cấp 11.

Hồi 20 giờ, vị trí tâm bão ở ngay trên vùng bờ biển các tỉnh Hải Phòng – Thái Bình. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 9, cấp 10 (tức là từ 75 đến 117 km một giờ), giật cấp 11, cấp 12.

LgznzzL4.jpgPhóng to
DJ6V2nps.jpg
mdENh4wQ.jpg
6rVM2Rts.jpg
ieyiXqiz.jpg
Gió mạnh và sóng lớn tấn công vào bờ biển quận Đồ Sơn, Hải Phòng chiều 17-7 - Ánh: TTXVN
4m9fa2k1.jpgPhóng to

Sáng sớm nay 18-7, áp thấp nhiệt đới đã suy yếu thành một vùng áp thấp - Ảnh: Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương

Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, lúc 4g sáng nay, vị trí tâm trung tâm vùng áp thấp ở trên khu vực đồng bằng Bắc bộ. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6, (dưới 39 km/giờ).

Dự báo trong 12 giờ tới, vùng áp thấp di chuyển chủ yếu theo hướng tây bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15 - 20 km, tiếp tục đi sâu vào đất liền, suy yếu và tan dần.

Do ảnh hưởng của hoàn lưu vùng áp thấp, ở các tỉnh Bắc bộ và Thanh Hóa có mưa, mưa vừa, có nơi mưa to và dông. Vùng núi cần đề phòng lũ quét và sạt lở đất.

IdNLza1r.jpgPhóng to
Tại xã ven biển Thụy Xuân (Thái Bình), gió giật mỗi lúc một mạnh - Ảnh: Xuân Long
Lhc8bCqM.jpgPhóng to
Tại một số tuyến phố thuộc thị trấn Diêm Điền, khu giáp xã ven biển Thụy Xuân, Thái Thụy, Thái Bình, gió to đã khiến một số cây ven đường đổ gục - Ảnh: Xuân Long
uOlG8v9D.jpgPhóng to
Cây đổ gây tác nghẽn giao thông trên đường Nguyễn Đức Cảnh, Hải Phòng - Ảnh: Phan Anh Tuấn
F8BkSNSS.jpgPhóng to
Dọn dẹp cây đổ ngay trong bão trên đường Nguyễn Đức Cảnh, Hải Phòng - Ảnh: Phan Anh Tuấn
wjF1w0ji.jpgPhóng to

Người dân Thịnh Long cùng lực lượng bộ đội biên phòng tỉnh Nam Định khẩn trương đưa thuyền vào sâu trong đất liền tránh bão - Ảnh: Việt Dũng

Ngóng người thân mất tích ở Hoàng SaVietnam Airlines hủy các chuyến bay vì bãoTháo dỡ cầu phao Đuống khi bão đổ bộHà Nội: bão chưa đến, giá cả đã tăng

Theo ảnh rađa do đài rađa Phủ Liễn (Hải Phòng) chụp trong chiều 17-7, bão Côn Sơn xuất hiện mắt bão rất lớn. Ông Lê Thanh Hải cho biết đường kính của mắt bão lên tới 100km và thành tâm bão hưởng rộng, trọng tâm là các tỉnh từ Quảng Ninh tới Nam Định, vùng Nghệ An - Thanh Hóa cũng bị đuôi bão quét qua. Nhưng trọng tâm bão đổ bộ trên địa bàn ba tỉnh là Hải Phòng, Nam Định và Thái Bình.

Do mắt bão rộng lại có hệ thống mây phía nam dày hơn phía bắc nên mưa do bão xuất hiện ở các tỉnh từ Huế tới Thanh Hóa trước sau đó sẽ kéo dần ra miền Bắc. Hai vùng mưa với lượng mưa lớn là khu vực các tỉnh đồng bằng Bắc bộ như Nam Định, Ninh Bình, Hà Nam và Hà Nội, vùng thứ hai là khu vực nam đồng bằng Bắc bộ như Thanh Hóa, Nghệ An. Theo đó, mưa ở khu vực đồng bắc Bắc bộ phổ biến từ 200-300mm, khu vực miền núi phía Tây Bắc mưa có thể trên 300mm. Khu vực đồng bằng Bắc bộ từ đêm 17 kéo dài hết sáng 18-7 sẽ có mưa với lượng mưa lớn, thời gian mưa tập trung ngắn nên khả năng gây úng ngập là rất cao.

Bên cạnh đó, bão đổ bộ đã kết hợp với thủy triều và nước biển dâng từ 3-5m trên địa phận các tỉnh từ Quảng Ninh tới Nam Định. Nước biển dâng từ 3-5m kết hợp thủy triều, đề phòng lũ quét và sạt lở đất.

GbZSBdRg.jpgPhóng to
Cây cổ thụ ngã đổ trên đường phố Đồ Sơn, Hải Phòng - Ảnh: TTXVN

13g ngày 17-7, một bè nuôi hải sản có ba ngư dân ở cửa Vạn Gia, Hải Phòng đã bị sóng đánh vỡ. Đến 16g, lực lượng cứu hộ đã đưa được 3 người vào địa phương và có kiến nghị lực lượng tìm kiếm cứu nạn đến ứng cứu. Còn tại huyện đảo Bạch Long Vĩ, do gió giật mạnh đã bị gãy 1 cần cẩu. Tuy nhiên, thống kê của Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão T.Ư đến 17g hôm nay, chưa có thêm thiệt hại về người ngoài 6 ngư dân đang mất tích do chìm tàu cá tại vùng biển Hoàng Sa.

Gió bão đã đánh chìm 3 tàu cá của người dân tại Cửa Lục (Quảng Ninh). Lữ đoàn hải quân 170 đã đưa tàu hải quân cứu hộ.

Chủ tịch UBND huyện Cát Hải (Hải Phòng) Phạm Xuân Hòe cho biết ba chiếc tàu du lịch của tỉnh Quảng Ninh đã bị sóng đánh chìm tại vùng biển Cát Bà khi đang neo đậu tránh bão số 1 tại bến phà Gia Luận, chiều 17-7.

Đó là các tàu: Hoàn Cầu QN 4659, tàu Bái Tử Long QN 4698 và tàu Ánh Dương (không có số hiệu) bị sóng đánh chìm vào khoảng 18 giờ ngày 17-7. Do công tác di dời các thuyền viên lên bờ được thực hiện tốt nên không có thiệt hại về người. Cả ba tàu du lịch này hoạt động trên bến phà Gia Luận phục vụ khách du lịch thăm quan tuyến du lịch Cát Bà (Hải Phòng) - Tuần Châu (Quảng Ninh).

Khoảng 22g đêm 17-7, 3 tàu hàng cỡ lớn đang neo đậu tại cầu tàu của Tổng Công ty công nghiệp tàu thuỷ Bạch Đằng (thuộc Vinashin) thì bất ngờ bị gió bão giật đứt neo, trôi dọc sông Cấm và đâm vào thành cầu Bính, cầu huyết mạch nối Hải Phòng với huyện Thủy Nguyên.

Sáng 17- 7, tại bãi biển xã Hải Hòa - một bãi tắm còn hoang sơ, rất đẹp ở huyện Tĩnh Gia, sóng biển đã cuốn trôi chị Ngô Thị Nga, sinh năm 1992, trú tại Sơn Tây (Hà Nội).

Theo các nhân chứng kể lại: cách đây ba ngày, chị Nga cùng sáu người bạn vào thị trấn Tĩnh Gia và đến bãi biển Hải Hòa để đi du lịch. Sáng 17-7, bảy người trong nhóm của chị Nga xuống bãi biển Hải Hòa dạo chơi. Trong số đó có bốn người xuống tắm biển, ba người ngồi trên bờ. Đúng lúc chị Nga và các bạn đang tắm biển, sóng biển dâng cao đột ngột, có gió mạnh làm lật phao, dẫn đến chị Nga bị sóng biển cuốn trôi, mất tích. Còn ba người bạn của chị Nga may mắn bơi được vào bờ.

Do sóng biển cao, gió mạnh cấp 4, cấp 5, nên đến cuối ngày 17-7 lực lượng chức năng vẫn chưa tìm thấy thi thể chị Nga.

17g chiều 17-7, tại trụ sở UBND thị trấn Thịnh Long đông nghịt, tấp nấp các lực lượng công an, dân phòng. Ông Lê Công Sản, chủ tịch UBND thị trấn, cho biết khoảng 400 người dân, hầu hết là người già và trẻ em, được đưa vào sâu trong đất liền trú bão. Thị trấn đã lập sáu điểm chốt, với lực lượng 120 người để trực bão, kiểm tra, nhắc nhở người dân di chuyển, giúp đỡ gia đình chính sách, neo người chằng chống bảo vệ tài sản..

Tại xã Hải Châu, việc phòng chống bão đã cơ bản hoàn tất. Nhà cửa đều đã được chằng chống cẩn thận. Nhiều người dân bình thản ngồi trước cửa nhà ngắm trời, đợi bão. Chị Vũ Thị Yến lạc quan: bão năm 2005 làm vỡ đê là do khi đó triều lên con thứ sáu, thứ bảy. Còn cơn bão này đúng lúc “nghén nước sang con”, nước triều không lớn nên khả năng có bão, nước biển dâng sẽ không gây nguy hiểm như lần bão trước. Tuy vậy để đề phòng, người dân vẫn thực hiện nghiêm công tác phòng chống…

17g45, gió đã giảm, trời vẫn không mưa. Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Trần Văn Chung, phó chủ tịch UBND tỉnh Nam Định, đang trực tiếp tham gia chỉ huy phòng chống bão tại huyện Hải Hậu, đã bớt lo lắng.

18g, trời Nam Định tối nhanh, gió dần mạnh lên và bắt đầu có mưa mau hơn, dày hơn.

17g chiều 17-7, bão số 1 ảnh hưởng rõ rệt tới khu vực ven biển phía Bắc. Hải Phòng, Quảng Ninh, Thái Bình đều có nhiều nơi bị mất điện.

PV Tuổi Trẻ tại Thái Bình cho biết toàn tỉnh đều có mưa, đặc biệt tại hai huyện ven biển của tỉnh là Thái Thụy và Tiền Hải mưa mỗi lúc một to và gió cũng giật mỗi lúc một lớn. Tại huyện Tiền Hải, phó chủ tịch UBND huyện Nguyễn Văn Bái cho biết mặc dù mưa chia thành nhiều đợt, nhưng tại các xã ven biển đã có gió giật mạnh. “Nếu mưa lớn, khả năng bị thiệt hại về nuôi trồng thủy sản tại các xã ven biển là khá cao, mặc dù UBND huyện và các chủ đầm đã chủ động phòng chống, giảm nhẹ” - ông Bái lo lắng.

Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ tại các xã ven biển huyện Thái Thụy như Thụy Trường, Thụy Xuân, Hồng Quỳnh, mặc dù mưa không lớn nhưng tại những vùng giáp gianh với biển này, gió giật ngày càng mạnh tới cấp 6-7. Tại nhiều xã của huyện Thái Thụy và ngay cả một số khu vực tại thị trấn Diêm Điền (Thái Thụy) đã xảy ra tình trạng mất điện. Cá biệt tại một số nơi như khu phố Diêm Điền, nơi tiếp giáp xã ven biển Thụy Xuân đã có hiện tượng cây đổ.

uCys0qVa.jpgPhóng to
Đến trước 16g, tại một số khu vực thuộc xã Hồng Quỳnh, các lực lượng của xã đã phải dùng xe máy để di dân vào sâu trong xã

Tương tự, tại các khu vực từ khu 1 đến khu 5 của thị trấn Diêm Điền, theo UBND thị trấn, tất cả số dân tại các vùng xung yếu và những gia đình có nhà cửa không kiên cố đều được di chuyển vào nơi an toàn. Bí thư Thị ủy Diêm Điền Lê Hữu Quang cho biết trong số hơn 5.000 nhân khẩu thuộc các khu ngoài đê của thị trấn, UBND thị trấn đã khảo sát và ngay trong chiều 17-7, các lực lượng của thị trấn bắt đầu di chuyển hơn 70 nhân khẩu bao gồm người già và trẻ em tại khu 4, vùng bị cho là xung yếu nhất vào trú ẩn tại những gia đình có nhà cửa kiên cố. Theo ông Quang, đến 16g30, toàn bộ số hộ dân thuộc diện phải di dời tại các điểm xung yếu đã thực hiện xong.

Cho đến trưa 17-7, đã có 71/77 ngư dân trên 6 tàu đánh cá bị chìm khu vực quần đảo Hoàng Sa do ảnh hưởng bão Côn Sơn (bão số 1) được cứu - theo thường trực Ban chỉ huy PCLB&TKCN tỉnh Quảng Ngãi.

Đây là nỗ lực từ chiều hôm qua đến nay của Ban chỉ huy PCLB, Bộ đội biên phòng khu vực Hoàng Sa, đặc biệt là bà con dân chài đánh cá.

Các ngư dân được cứu thuộc các tàu:

- Tàu của ngư dân Võ Văn Tâm mang số hiệu Qng-96615-TS ở xã An Vĩnh, huyện Lý Sơn gồm 15 lao động đã được tàu của ngư dân Phan Thanh Bình cứu vớt an toàn.

Do ảnh hưởng của gió bão, từ 14g40 hôm nay (17-7), Sở GTVT tỉnh Quảng Ninh đã chính thức cấm người đi bộ, xe thô sơ và xe mô tô từ phía Bãi Cháy qua cầu Bãi Cháy sang Hạ Long và ngược lại. Từ sáng nay trên cầu Bãi Cháy đã bắt đầu có gió mạnh làm nhiều người điều khiển xe máy, xe thô sơ qua cầu bị ngã hoặc không thể di chuyển được. Để đảm bảo yêu cầu đi lại của người dân, Sở GTVT cũng đã bố trí phương tiện để chuyên chở người qua cầu được an toàn.

- Tàu Qng-96219-TS của ngư dân Phạm Ngọc Tiến xã An Hải (huyện Lý Sơn) bị mắc cạn rồi bị chìm khi đang trên đường tránh bão, 16 ngư dân đang ở trên cabin của tàu được tàu của ngư dân Nguyễn Năm cứu vớt.

- Tàu QNg-95904-TS của ngư dân Nguyễn Văn Trung ở xã Bình Châu (huyện Bình Sơn) bị chìm, 14 ngư dân trên tàu đã được tàu của ngư dân Võ Văn Lựu và Phan Thanh Bình cứu vớt.

- Tàu QNg-90028-TS của ngư dân Phạm Thơ cũng ở xã Bình Châu (huyện Bình Sơn) bị chìm, 10 lao động trên tàu đã bơi được vào đảo Xà Cừ an toàn.

- Tàu mang số hiệu QNg-95699-TS của ngư dân Trương Tây quê ở xã Bình Châu (huyện Bình Sơn) bị chìm,12 lao động trên tàu đã được tàu của ngư dân Nguyễn Thanh Biên cứu vớt.

Tuy vậy, tàu đánh cá mang số hiệu QNg- 55940-TS của ngư dân Nguyễn Văn Tấn ở xã Bình Châu (huyện Bình Sơn) bị chìm, 4 lao động trên tàu đã được tàu của ngư dân Trương Quang Trị cứu vớt được 4 lao động, còn 6 lao động chưa tìm thấy.

Trong sáng nay, phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Cao Khoa cùng phó chủ tịch UBND tỉnh Trương Ngọc Nhi đã về xã Bình Châu cùng các xã ven biển động viên các gia đình bị nạn , đồng thời, chỉ đạo cho lực lượng biên phòng cùng các máy Icom cộng đồng tăng cường liên hệ với các ngư dân trong khu vực tập trung tìm kiếm cứu vớt 6 ngư dân chưa tìm thấy.

Chiều 17-7, trao đổi với Tuổi Trẻ Online, chính ủy Vùng 3 Hải quân (Đà Nẵng), đại tá Nguyễn Tiến Dũng, cho biết 3 tàu hải quân với hơn 100 cán bộ chiến sĩ gồm các tàu HQ 629, HQ951 và HQ952 chính thức rời cảng Đà Nẵng lúc 23g ngày 16-7 lên đường ra quần đảo Hoàng Sa làm nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn.

Theo kế hoạch, vào khoảng 21g ngày 17-7, 3 tàu hải quân này sẽ tiếp cận được các tàu cá bị nạn. Hiện tọa độ đề nghị được ứng cứu mà Ủy ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn thông báo cho các tàu hải quân là phía tây bắc đảo Tri Tôn chừng 25 hải lý.

Tuy nhiên, theo đại tá Nguyễn Tiến Dũng, thời điểm tiếp cận còn tùy thuộc vào thời tiết, nếu gió vẫn còn lớn và các tàu cá lẫn ngư dân liên tục bị trôi dạt thì việc phát hiện, ứng cứu sẽ gặp nhiều khó khăn.

Được biết, ngoài 2 cơ số thuốc men mang theo đế cấp cứu, các tàu đều mang đủ lương thực, quần áo, nước ngọt và dầu để ứng cứu cho các tàu cá bị nạn trên vùng biển Hoàng Sa.

woqUDyJ8.jpgPhóng to

Đến 11g trưa 17-7, toàn bộ tàu thuyền của tỉnh Thái Bình đã vào bờ neo đậu tránh bão - Ảnh: Xuân Long

Tính đến 6g sáng 17-7 đã có 6 tàu bị chìm, hư hỏng và 10 người mất tích do bão Côn Sơn. Trong đó 5 tàu của ngư dân Quảng Ngãi gặp nạn ở quần đảo Hoàng Sa - theo báo cáo nhanh của Văn phòng Ban chỉ đạo Phòng chống Lụt bão Trung ương (BCĐ PCLBTƯ) và Bộ Tư lệnh Biên phòng cho biết

Trong số 5 tàu (67 người) của Quảng Ngãi bị nạn trong khu vực quần đảo Hoàng Sa, đã cứu được 29 người trên 2 tàu; còn 38 người/trên 3 tàu hiện đang được ngư dân các tàu xung quanh tìm cách tiếp cận, cứu vớt.

Trước đó, vào 23g đêm qua, Ủy ban quốc gia Tìm kiếm cứu nạn đã điều hai tàu kéo của hải quân xuất phát từ Đà Nẵng ra quần đảo Hoàng Sa để cứu nạn các tàu này. Với tốc độ 12 hải lý/giờ, dự kiến trong đêm nay và rạng sáng mai tàu cứu nạn sẽ tiếp cận khu vực các tàu cá gặp nạn.

Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao) đã có công hàm đề nghị phía Trung Quốc phối hợp tìm kiếm, cứu nạn các ngư dân.

Vào lúc 18g hôm qua, một tàu vận tải không biển kiểm soát tải trọng 20 tấn do anh Kiều Viết Hải (xóm 5, xã Cẩm Lĩnh, huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) làm thuyền trưởng trên đường tránh bão đã bị mắc cạn và chìm tại cửa Nhượng (Hà Tĩnh). Đồn biên phòng 168 đã cứu được toàn bộ 3 người trên tàu.

Đến sáng nay tổng số tàu thuyền đang di chuyển vào bờ và trong vùng nguy hiểm là 167 tàu/1.253 người (Nghệ An 142 tàu/924 người đang di chuyển vào bờ; Quảng Ngãi 25 tàu/3297 người ở Hoàng Sa). Số tàu thuyền này vẫn đang giữ liên lạc.

Sáng nay tại đảo Bạch Long Vĩ đã có gió mạnh cấp 7, tại đảo Cô Tô có gió cấp 5. Vùng ven biển Thái Bình, Nam Định đã có gió cấp 6, cấp 7.

Từ chiều 15 đến tối 17-7, website của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn trung ương (www.nchmf.gov.vn) thuộc Trung tâm Khí tượng thủy văn quốc gia (KTTVQG) luôn bị tắc nghẽn. Việc truy cập vào website để đọc nội dung các bản tin dự báo bão hầu như không thực hiện được, nếu được cũng rất khó khăn và mất thời gian chờ đợi. Tình trạng này cũng từng xảy ra khi xuất hiện những cơn bão lớn vào năm 2009.

Giải thích hiện tượng này, một lãnh đạo của Trung tâm KTTVQG cho biết do số lượng người truy cập tăng đột biến khiến đường truyền bị quá tải nên xảy ra hiện tượng nghẽn. Trong khi đó, việc nâng cấp website đang được tiến hành nhưng chưa xong.

Để khắc phục tình trạng này, các bản tin dự báo bão đã được đăng tải thêm trên một số website của các đài khí tượng thủy văn khu vực, website www.thoitietnguyhiem.net và website của Trung tâm KTTVQG (www.kttvqg.gov.vn). Tuy nhiên, website của Trung tâm KTTVQG cũng lâm vào tình trạng quá tải, khó truy cập.

Năm 2009, kế hoạch nâng cấp website của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn trung ương đã được tiến hành nhưng vì nhiều lý do về thủ tục, tài chính nên tiến độ bị chậm.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Chung cùng đoàn công tác chỉ đạo công nhân Công ty Cổ phần xây dựng nông thôn 6 (Bộ NN&PTNT) gia cố kè Gót Tràng (thị trấn Thịnh Long). Theo ông Hà Xuân Lập, chủ nhiệm chỉ huy công trình này, đây là đoạn kè đã bị vỡ từ trận bão tháng 9-2005.

Ngay sau khi có tin khả năng bão Côn Sơn sẽ đổ vào Nam Định, từ ngày 16-7 tỉnh đã chỉ đạo phải gia cố lại toàn bộ các điểm đê, kè xung yếu của Hải Hậu, trong đó có hơn 200 m kè Gót Tràng, với mục tiêu phải hoàn thành gia cố, đảm bảo an toàn trước khi bão đổ vào chiều tối hôm nay. Máy móc, và hơn 100 con người đang khẩn trương chạy đua với bão.

Theo ông Lập, hàng ngàn cọc tre, trên 300 m3 đá được cho vào hàng trăm rọ sắt đưa xuống kè. Phía trong đê kè Gót Tràng, bộ đội biên phòng cùng dân cũng đang khẩn trương đưa thuyền, mủng vào sâu trong đất liền…

K5XZdXJR.jpgPhóng to
Người dân Thịnh Long đưa đàn bò về trú bão - Ảnh: Việt Dũng

Sáng 17-7, ông Bùi Lê Bắc, Chánh văn phòng chỉ huy Ban PCLB Hà Tĩnh, cho biết vào lúc 4g sáng, tâm bão Côn Sơn đã vượt qua vùng biển Hà Tĩnh và đi vào vùng biển Nghệ An. Tuy nhiên để phòng bão chuyển hướng các địa phương Hà Tĩnh vẫn đang chủ động mọi công tác phòng chống, đối phó với cơn bão này.

Theo ông Bắc, huyện miền biển Nghi Xuân, tiếp giáp với Nghệ An ít nhiều sẽ chịu ảnh hưởng của cơn bão Côn Sơn. Sáng ngày 17-7, ông Nguyễn Hiền Lương, Chủ tich Huyện Nghi Xuân, cho biết ngay sau khi có công điện khẩn phòng chống bão lụt của UBND tỉnh Hà Tĩnh, huyện này đã có công văn, chỉ đạo xuống tất cả các xã, thị trấn không được lơ là công tác phòng chống, đối phó với bão.

Đến sáng 17-7, 4 tàu thuyền đánh cá của xã Thạch Kim mất liên lạc trên đường tránh bão đã vào bờ neo đậu. 22 thuyền viên trên 4 tàu đã về nhà toàn. Có hơn 169 tàu thuyền của xã này đã vào âu tránh bão.

Từ 11g trưa 17-7, tại các xã ven biển của hai huyện Thái Thụy và Tiền Hải (Thái Bình) đã có mưa lớn, gió giật tới cấp 5-6.

Theo chỉ đạo của chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình Nguyễn Hạnh Phúc, toàn tỉnh phải di chuyển, sơ tán khoảng hơn 6000 dân, trong đó nhiều nhất là Thái Thụy phải di chuyển hơn 5.370 dân, tiếp đó là huyện Tiền Hải hơn 450 người.

Theo thông tin từ Ban chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh Thái Bình, đến 11g trưa tại huyện Tiền Hải mới có hơn di chuyển được hơn 300 dân. Còn thực tế ghi nhận tại huyện Thái Thụy cho thấy, số đông các hộ dân nằm trong vùng phải di chuyển theo chỉ đạo của chủ tịch UBND tỉnh vẫn "án binh" tại chỗ, đặc biệt là tại khu ngoài đê thị trấn Diêm Điền vẫn còn tới 5.000 dân chưa di chuyển.

Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ tại xã Hồng Quỳnh (Thái Thụy) sáng 17-7, một trong những xã xung yếu với địa hình giáp biển, nơi mà năm 2005 tuyến đê bồi (đê phụ) tại xã này đã xảy ra tràn đê, đến 10g trưa công tác di dời dân vẫn diễn ra khá chậm.

Chủ tịch UBND xã Hồng Quỳnh cho biết toàn xã có 372 nhân khẩu thuộc diện phải di chuyển nhưng đến 17g chiều qua (16-7) mới chỉ có 2/92 hộ chịu tránh bão.

Còn tại khu ngoài đê của thị trấn Diêm Điền (Thái Thụy), nơi có số hộ dân phải di chuyển nhiều nhất lên tới hơn 5000 hộ, chủ tịch UBND thị trấn Nguyễn Đức Nam nói: “Không phải chúng tôi chủ quan nhưng số hộ dân ngoài đê này hiện nay nhà ở đều đã rất kiên cố. Việc thực hiện di chuyển sẽ thực hiện theo cách chuyển các cụ già, trẻ em và những gia đình nhà còn đơn sơ sang tạm trú tại các khu vực liền kề có nhà kiên cố”.

T5Eanc6p.jpgPhóng to

Hàng trăm nhân khẩu cùng các lực lượng đã được huy động để gia cố đê biển nơi cửa biển xã Thụy Liên, huyện Thái Thụy (Thái Bình) - Ảnh: Xuân Long

Tuy nhiên, trong quá trình kiểm tra thực tế tại các khu vực ngoài đê này, phó chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình Đàm Văn Vượng đã yêu cầu các lực lượng của thị trấn Diêm Điền và UBND huyện Thái Thụy phải lập ngay phương án di chuyển dân tại các khu vực xung yếu vào đầu giờ chiều.

“Mọi phương án đều không được chủ quan, các đơn vị phải bám sát tình hình thực tiễn và phải thực hiện đúng chỉ đạo của UBND tỉnh, tất cả những trường hợp nhà còn đơn sơ, người già và trẻ em phải đưa ngay vào trụ sở nằm trong đất liền”-ông Vượng chỉ đạo.

jw0DS0S6.jpgPhóng to
Mưa đã bắt đầu ở các xã ven biển huyện Thái Thụy (Thái Bình) từ trưa 17-7 - Ảnh: Xuân Long

Đến 15 giờ chiều 17-7, bờ biển các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng đã ghi nhận mức gió mạnh cấp 5, cấp 6 và lượng mưa cũng chưa lớn. Tuy nhiên, tại đảo Bạch Long Vĩ gió đã mạnh cấp 10, cấp 11 và giật trên cấp 11. Gió bão hoành hành đã khiến việc liên lạc giữa đất liền với huyện đảo này rất khó khăn và chưa thể thống kê con số thiệt hại.

Phó bí thư Thường trực Thành uỷ Hải Phòng Dương Anh Điền cho biết đến thời điểm hiện tại 1.402 tàu thuyền với khoảng 4.000 đã neo đậu an toàn. Đặc biệt lần này Hải Phòng đã kêu gọi tất cả các tàu, thuyền vào bờ trú ẩn chứ không để tàu thuyền neo đậu lại trên đảo Bạch Long Vĩ như những năm trước.

Ông Điền khẳng định những người dân cuối cùng thuộc diện phải di dời tránh bão đang được chính quyền và quân đội giúp đỡ khẩn trương di dời.

Tại Quảng Ninh, Phó chủ tịch UBND kiêm Trưởng ban PCLB tỉnh Nguyễn Văn Đọc yêu cầu lãnh đạo các địa phương, đơn vị túc trực 24/24 giờ, 60 phút một lần điện thoại báo cáo với ban PCLB tỉnh, triển khai thật tốt công tác tuyên truyền, đặc biệt qua hệ thống phát thanh về những diễn biến mới nhất của cơn bão, để nhân dân chủ động phòng tránh, tránh tư tưởng chủ quan.

Ông Đọc cũng yêu cầu Sở GT-VT rà soát kỹ các tàu du lịch (cả tàu nghỉ đêm) trên vịnh và những công trình đang thi công; chỉ đạo tổ chức khơi thông các vị trí thóat nước, kiểm tra trước taluy có khả năng sạt lở.

Cho đến thời điểm hiện tại, Quảng Ninh có 11.500 tàu, thuyền, trong đó 195 tàu đánh bắt xa bờ, 457 tàu du lịch đã neo đậu an toàn tại nơi trú ẩn.

Tối 16-6, bão Côn Sơn đã đổ bộ vào tỉnh Hải Nam, Trung Quốc với sức gió lên đến 126 km/giờ.

Bão đổ bộ vào Hải Nam kèm theo mưa to, gió lớn, nhiều cây cối bị ngã đổ và kéo theo nhiều bảng hiệu bị sập và gây mất điện ở một số nơi. Cho đến nay đã tìm thấy một người chết do bị bảng hiệu đè.

Chiều qua, chính quyền Trung Quốc đã sơ tán khoảng 40.000 trong khu vực bão đổ bộ.

ir2RBRrv.jpgPhóng to
Cây cối đổ ngổn ngang trên đường - Ảnh: Xinhua
EyuKCakE.jpgPhóng to
Bảng hiệu bị gió hất tung - Ảnh: Xinhua
Ae5FdppI.jpgPhóng to
Nhân viên cứu hộ đang tìm cách cứu 1 người bị mắc kẹt vì bảng hiệu đổ - Ảnh: Xinhua

--------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------

Mời bạn đọc chia sẻ hình ảnh cơn bão với TTO qua địa chỉ email tto@tuoitre.com.vn hoặc qua trang Bạn đọc làm báo.

Nhóm phóng viên - cộng tác viên TTO
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên