​Đảm bảo độ tin cậy, trung thực của kỳ thi

NGƯT. TS NGUYỄN TÙNG LÂM  (Hội Tâm lý giáo dục học Hà Nội)
NGƯT. TS NGUYỄN TÙNG LÂM (Hội Tâm lý giáo dục học Hà Nội)

TT - Các phương án của Bộ GD-ĐT chưa nêu rõ làm thế nào để “bảo đảm độ tin cậy, trung thực” - điều mà lâu nay kỳ thi tốt nghiệp THPT chưa có được.

Ông Nguyễn Huy Bằng, chánh thanh tra Bộ GD-ĐT, kiểm tra công tác thi tuyển sinh của Trường ĐH Hà Nội tại kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ 2014 - Ảnh: Ngọc Hà

Nếu không bàn kỹ điểm này, chúng ta dễ đi vào vết xe đổ của các kỳ thi trước.

Kỳ thi quốc gia này phải bàn kỹ và tách bạch hai khâu: công nhận tốt nghiệp và thi quốc gia để đánh giá một cách trung thực năng lực vốn có của học sinh.

Giao trường THPT công nhận tốt nghiệp

"Sẽ có ý kiến nếu để các trường THPT công nhận tốt nghiệp có thể xảy ra nhiều tiêu cực, không chính xác. Chúng tôi cho rằng dù có tiêu cực đến đâu cũng không vượt quá 98% các kỳ thi bấy lâu nay ta vẫn làm"

Chúng tôi đề nghị bộ hướng dẫn và cho phép các trường THPT căn cứ tiêu chuẩn được bộ ban hành để công nhận tốt nghiệp. Chỉ những học sinh được công nhận tốt nghiệp mới được dự kỳ thi quốc gia để đánh giá và xếp loại năng lực và chỉ những học sinh có điểm xếp loại năng lực các trường ĐH, CĐ mới lấy điểm để tuyển sinh.

Đồng thời chúng ta phải chỉ đạo để các nhà trường phải chịu trách nhiệm kết quả đào tạo của mình, tránh xa bệnh thành tích bằng việc xây dựng quy chế kiểm tra đánh giá ở các trường chặt chẽ hơn. Bộ nên có một văn bản riêng chỉ đạo việc này ở tất cả các trường học, các cấp học. Để đến lớp 12 việc thi kiểm tra nghiêm túc đã thành nếp.

Để các trường THPT đánh giá công nhận tốt nghiệp được nghiêm túc, chính xác, bộ nên ra đề thi kiểm tra cả tám môn ở cuối học kỳ I và cuối học kỳ II để các trường THPT tự chấm và sẽ nhận được kết quả kép: thầy trò làm quen dần dạng đề đổi mới đánh giá năng lực học sinh, lại chống được việc ra đề tùy tiện, hạ thấp trình độ của các trường.

Các sở sẽ tổ chức kiểm tra việc tổ chức thi của các trường sao cho nghiêm túc, chấm phúc tra để đánh giá mức độ vận dụng biểu điểm của bộ.

Chỉ có để các trường THPT công nhận học sinh tốt nghiệp, chúng ta mới đáp ứng yêu cầu xã hội, không tạo ra sự xáo trộn không đáng có. Nếu chỉ căn cứ vào điểm thi mà chúng ta lại tổ chức chặt chẽ kỳ thi quốc gia như kỳ thi 2007 đã có trường chỉ đỗ một vài học sinh. Đây là những tình huống chúng ta không muốn có, mang tính chất bất thường.

Thi ba môn: văn, toán, ngoại ngữ

Tập trung cho kỳ thi quốc gia

Việc xét tốt nghiệp THPT còn phụ thuộc yếu tố mặt bằng vùng miền địa phương, nên để cho các trường THPT tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Còn thi quốc gia là đòi hỏi chuẩn mặt bằng quốc gia.

Để các trường THPT công nhận tốt nghiệp, chúng ta sẽ có điều kiện tập trung công sức, tiền của để tổ chức kỳ thi quốc gia sao cho trung thực, khách quan, đảm bảo tin cậy để xã hội tin tưởng, các trường ĐH, CĐ yên tâm tuyển sinh.

Thực hiện yêu cầu trên, chúng tôi kiến nghị kỳ thi quốc gia chỉ nên tập trung thi ba môn văn, toán, ngoại ngữ. Và như vậy kỳ thi sẽ không cồng kềnh, đỡ tốn kém thời gian, tiền của. Đồng thời có tập trung thi ít môn, thầy trò luyện thi trong hai tháng (tháng 4 và 5) sẽ tốt hơn, kết quả chúng ta nắm chắc hơn.

Học sinh học tốt càng tự tin, càng đỡ sinh tiêu cực, mặt khác mục tiêu của chúng ta là đánh giá năng lực chứ không phải kiểm tra khối lượng kiến thức học sinh, do đó chỉ cần thi ba môn, thực hiện đúng yêu cầu đề thi mà bộ đã nêu là có thể đánh giá đúng năng lực học sinh.

Không sợ học sinh học lệch, bỏ nhiều môn không học vì ta đã có kỳ kiểm tra cuối kỳ I và cuối năm để bắt buộc học sinh phải học đủ tám môn mới có điểm tổng kết.

Hội đồng thi, địa điểm thi nên để nguyên tại các trường THPT (trừ các trường quá nhỏ mới phải ghép). Có như vậy các trường mới rõ trách nhiệm, nên hội đồng nào để học sinh có nhiều tiêu cực, vi phạm quy chế thi thì hiệu trưởng trường đó phải chịu trách nhiệm vì không giáo dục tốt học sinh trong năm.

Không cần có nhiều thanh tra như bộ dự kiến mà nên yêu cầu các trường lắp camera để giám sát. Chỉ đưa yếu tố kỹ thuật, khách quan này chúng ta mới lấy lại được độ tin cậy của xã hội. Sau mỗi buổi thi, nộp bài thi là nộp băng hình của phòng thi luôn.

Có tốn tiền trang bị, kỹ thuật, chúng ta mới có điều kiện giám sát khách quan 100% thời gian thi.

Như vậy lực lượng thanh tra thi có thể giảm nhiều. Lấy kinh phí thanh tra để trang bị kỹ thuật giám sát. Trước khi chấm thi phải kiểm tra băng hình camera các phòng thi, nếu phòng thi nào vi phạm quy chế sẽ bỏ bài thi lại không chấm, hủy kết quả thi và không công nhận những thí sinh này tốt nghiệp THPT.

Về loại đề thi tổng hợp các môn khoa học tự nhiên và các môn khoa học xã hội mà bộ muốn làm trong các phương án, chúng tôi cho rằng hiện nay bộ không nên tiến hành vội, đợi khi nào chúng ta học và dạy tích hợp tốt thì đề thi tích hợp mới thực hiện được.

Đề thi tích hợp mà bộ dự kiến là đề tổng hợp, phải cần nhiều giám khảo chấm một bài thi.

Đây là phương án cồng kềnh không an toàn, không nên tiến hành ngay hiện nay, mặc dù bộ trưởng rất muốn. Phương án 1 được nhiều sở lựa chọn là họ muốn né tránh đề thi tổng hợp của bộ. Phương án này yếu tố đổi mới rất ít, lại cồng kềnh, rườm rà tốn kém. Chúng tôi đề nghị bộ không nên thực hiện.

NGƯT. TS NGUYỄN TÙNG LÂM (Hội Tâm lý giáo dục học Hà Nội)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên