07/08/2014 02:19 GMT+7

Tôi đề xuất 2 phương án mới

NGUYỄN THÀNH NAM
NGUYỄN THÀNH NAM

TT - Là một giáo viên đang dạy ở trường THPT, người sẽ phải chịu những thay đổi cùng với các em học sinh, tôi xin nêu quan điểm của riêng mình về phương án tổ chức một kỳ thi quốc gia như sau.

Phương án nào cho một kỳ thi quốc gia?

Thứ nhất, bất cứ ai nhìn vào cả ba phương án đều có cùng một điểm chung là ba môn bắt buộc là văn, toán, ngoại ngữ. Điều này là hết sức bất hợp lý, bởi một cách khách quan mà nói nó quá có lợi cho các em định hướng thi ĐH khối D. Và lẽ dĩ nhiên nó sẽ là rào cản rất lớn cho các em thi khối A và B vì không phải em nào cũng khá ngoại ngữ.

Vả lại chúng ta đang muốn đất nước phát triển, lẽ dĩ nhiên cần đầu tư mạnh tay cho các ngành về khoa học tự nhiên, công nghệ, kỹ thuật... Và muốn được vậy, chúng ta phải cần những con người giỏi về chuyên môn một lĩnh vực nào đó chứ không phải một con người cái gì cũng biết nhưng không hiểu sâu cái gì cả. Nó chỉ làm cho nước nhà bị chậm đà phát triển mà thôi. Và việc phải học đối phó quá nhiều môn ắt hẳn dẫn đến nhiều tiêu cực như chạy điểm, bệnh thành tích mà bộ đang cố gắng chống lại nó.

Tôi đề nghị bộ cho tiếp tục thi “3 chung” theo khối ít nhất là hết năm 2015. Vì rõ ràng “3 chung” do bộ quản lý đã hạn chế rất nhiều tiêu cực. Trong khi chưa thể có phương án nào làm hài lòng tất cả thì nên để “3 chung” tiếp tục sứ mệnh của nó thêm ít nhất một năm nữa.

Thứ hai, bất cập là vấn đề ngoại ngữ là môn bắt buộc. Thưa bộ, 63 tỉnh thành của nước ta không phải nơi nào, vùng nào học sinh cũng được học ngoại ngữ một cách đàng hoàng. Và cũng xin nói thẳng ngay cả các em ở Hà Nội và TP.HCM cũng có sự chênh lệch về trình độ ngoại ngữ. Lấy dẫn chứng các em giỏi ngoại ngữ chủ yếu đều được cha mẹ cho học tại các cơ sở ngoại ngữ quốc tế như Hội Việt Mỹ (VUS), ILA, Apollo... trong khi các em hoàn cảnh khó khăn không thể được vậy. Như vậy việc bắt buộc thi ngoại ngữ chẳng khác nào “trói chân” các em.

Thứ ba là về mặt thời gian. Theo dự kiến từ phía bộ, đến cuối tháng 9-2014 bộ sẽ công bố. Khi đó tất cả các trường trên cả nước đều đã khai giảng năm học mới lâu rồi. Và tất nhiên khi khai giảng, các trường phải dạy theo định hướng của các năm trước, đó là hướng đến kỳ thi “3 chung” theo khối vì lúc đó bộ chưa công bố bất cứ sự thay đổi nào. Để rồi khi bộ công bố mọi chuyện coi như đảo lộn, học sinh, các thầy cô giáo bỗng quay cuồng theo hướng mới với tâm lý lo lắng, ảnh hưởng rất nhiều đến quá trình học tập.

Và xuất phát từ những lý do trên, tôi xin đề xuất các phương án khác, tạm gọi là phương án 1A, 1B. Phương án 1A: vẫn bắt nguồn từ phương án 1 của bộ nhưng tôi đề nghị đưa ngoại ngữ ra khỏi môn bắt buộc, chuyển thành môn tự chọn. Như vậy các em chỉ thi văn, toán bắt buộc và hai môn tự chọn như kỳ thi tốt nghiệp THPT 2014. Nhưng phải lưu ý hai môn tự chọn đó chính là hai môn mà các trường ĐH dùng để tuyển sinh. Ví dụ trường y sẽ là sinh học và hóa học. Và các em sẽ tự chọn theo yêu cầu của các trường ĐH để đảm bảo sự chuyên sâu về mặt kiến thức và năng lực khi các em vào trường ĐH. Phương án này đảm bảo sự công bằng cho các em khi sự chênh lệch về ngoại ngữ sẽ có thể tước đi cơ hội vào ĐH của các em học sinh, trong khi chúng ta chưa thể cân bằng trình độ ngoại ngữ của các em và ngay cả chính các thầy cô giáo với nhau.

Phương án 1B: nên chính thức bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT và thay bằng việc đánh giá qua kỳ kiểm tra học kỳ 2 lớp 12 ở các trường THPT. Để đảm bảo sự công bằng và hạn chế tiêu cực thì sở GD-ĐT các địa phương sẽ phụ trách công tác ra đề cũng như coi thi. Trước đây bậc THCS cũng thi tốt nghiệp nhưng đã bỏ và giao về địa phương thông qua kỳ kiểm tra học kỳ 2 năm lớp 9 và kết quả rất tốt. Vì vậy chúng ta cũng nên cân nhắc ở bậc THPT. Và như thế chúng ta sẽ không chỉ kiểm tra bốn hay năm môn mà là nhiều môn hơn nữa. Như vậy, chúng ta sẽ chỉ còn một kỳ thi quốc gia chính là kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ như hiện nay.

------------------------------------

* Tin bài liên quan:

Tổ chức kỳ thi quốc gia: Không nên chần chừ nữa!Ngoại ngữ là môn bắt buộc: người ủng hộ, người khôngKhông nên trì hoãnTầm quan trọng của kỳ thi tốt nghiệp THPTHãy lắng nghe ý kiến học sinhChưa chốt phương án một kỳ thi quốc giaThi xong mới đăng ký trường đại học

NGUYỄN THÀNH NAM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên