29/08/2014 09:09 GMT+7

​Bệnh viện 87 chỉ là “sân bóng”?

LAN ANH ghi
LAN ANH ghi

TT - Ngày 28-8, Bộ Y tế và lãnh đạo Cục Quân y họp báo về vụ ba trẻ em tử vong khi phẫu thuật từ thiện “Tìm lại nụ cười” tại Khánh Hòa.

Cục trưởng Cục Quân y Vũ Quốc Bình tại cuộc họp báo - Ảnh: Việt Dũng
Cục trưởng Cục Quân y Vũ Quốc Bình tại cuộc họp báo - Ảnh: Việt Dũng

Điểm nóng của cuộc họp báo này là các câu hỏi liên quan đến việc Trung tâm nghiên cứu và hỗ trợ phẫu thuật Nụ Cười (OSCA) có được phép tổ chức khám chữa bệnh nhân đạo?.

* Tuổi Trẻ: Quy định hiện hành về khám chữa bệnh từ thiện như thế nào? OSCA được Sở Khoa học - công nghệ Hà Nội cấp phép hoạt động nghiên cứu khoa học công nghệ, nay họ thành lập đoàn đi khám chữa bệnh từ thiện có là hợp pháp?

- Ông Nguyễn Trọng Khoa (phó cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế): Hoạt động khám chữa bệnh từ thiện thực hiện theo quy định năm 2002 của Bộ Y tế, đến năm 2009 khi Luật khám chữa bệnh được ban hành có giao bộ trưởng Bộ Y tế quy định chi tiết liên quan đến khám chữa bệnh từ thiện, hiện Bộ Y tế đang trình cấp có thẩm quyền xem xét hướng dẫn này. Luật hoạt động Chữ thập đỏ cũng có quy định về khám chữa bệnh từ thiện.

Theo đó, cơ quan, tổ chức khám chữa bệnh nhân đạo phải có giấy phép hoạt động do cơ quan có thẩm quyền cấp, trong quá trình khám chữa bệnh từ thiện tại địa phương phải được sự đồng ý của sở y tế địa phương. Với các đoàn bác sĩ nước ngoài thì phải được sự đồng ý của Bộ Y tế.

Việc OSCA tổ chức đoàn khám chữa bệnh nhân đạo có hợp pháp hay không thì các chuyên gia pháp lý của Bộ Y tế đang xem xét làm rõ.

* VTV: Ngày 21-8, Sở Y tế Khánh Hòa mới nhận được công văn của Bệnh viện 87 đề nghị cho triển khai phẫu thuật, nhưng ngày 22-8 đã tiến hành khám sàng lọc, như vậy có phải là đặt Sở Y tế vào “việc đã rồi” hay không?

- Ông Vũ Quốc Bình (cục trưởng Cục Quân y): Khám sàng lọc là do OSCA tổ chức, khi chúng tôi kiểm tra thì thấy Bệnh viện 87 có một hợp đồng với OSCA. Cụ thể, OSCA chịu trách nhiệm cung cấp nhân sự tham gia phẫu thuật, thuốc men, thiết bị phẫu thuật.

Chúng ta cứ hình dung Bệnh viện 87 là nơi cung cấp sân bóng cho các cầu thủ là phía OSCA. Còn về “việc đã rồi” thì đó là trách nhiệm của cơ quan quản lý, nếu tôi là quản lý ở đó thì nếu thấy chưa ổn, chưa đạt tôi vẫn cho dừng.

* Tuổi Trẻ: Bác sĩ Phạm Văn Ái, chủ tịch OSCA, từng bị khởi tố điều tra về một ca tử vong do nâng ngực năm 2012, ông này có chứng chỉ hành nghề không, có tham gia đoàn phẫu thuật không?

Theo bác sĩ Thanh Bình, người gây mê cho hai trong ba bé tử vong, thì một thành viên trong đoàn không có chứng chỉ hành nghề, trong khi Bộ Y tế lại cho biết tất cả đều có chứng chỉ hành nghề, có nhầm lẫn gì ở đây?

- Ông Nguyễn Trọng Khoa: Bác sĩ Phạm Văn Ái chưa có chứng chỉ hành nghề, nhưng ông Ái không tham gia trực tiếp đợt phẫu thuật nên việc ông Ái có hay không có chứng chỉ hành nghề không ảnh hưởng gì.

Thông tin mới nhất của chúng tôi là cả đoàn phẫu thuật đều có chứng chỉ hành nghề cá nhân, chỉ có một vấn đề là lẽ ra phẫu thuật viên Trịnh Văn Việt tham gia đoàn, nhưng sau đó ông Việt không tham gia mà thạc sĩ Lê Quốc Ân thay.

Ông Ân là bác sĩ răng hàm mặt, có chứng chỉ hành nghề được Sở Y tế Bạc Liêu cấp, nhưng khi thay đổi thành viên đoàn thì OSCA chưa thông báo lại cho Sở Y tế Khánh Hòa.

* Đại Đoàn Kết: Cơ quan nào chịu trách nhiệm chính trong vụ này? Bệnh viện 87 có biết rõ về OSCA hay không mà “cho mượn sân” để OSCA “đá bóng”?

- Ông Nguyễn Trọng Khoa: Đơn vị chịu trách nhiệm chính về vụ việc là OSCA. Vừa qua OSCA có thăm hỏi và gửi cho mỗi gia đình có cháu nhỏ tử vong 120 triệu đồng.

- Ông Vũ Quốc Bình: Như tôi nói ở trên, Bệnh viện 87 có hợp đồng chặt chẽ và họ chỉ là nơi “cho mượn sân”, hỗ trợ nhân sự chạy vòng ngoài.

Thuốc men phẫu thuật do OSCA cung cấp, có thể trong quá trình phẫu thuật có thiếu hụt phải mượn của Bệnh viện 87, thuốc có đảm bảo chất lượng hay không thì hội đồng chuyên môn sẽ làm rõ. Nhưng trách nhiệm quản lý ở đây là Sở Y tế Khánh Hòa, khi Sở Y tế đồng ý thì Bệnh viện 87 đương nhiên cho rằng mọi thủ tục pháp lý của OSCA là ổn thỏa.

Về chuyên môn, Bộ Y tế chịu trách nhiệm chung, chúng tôi là quân y thuộc Bộ Quốc phòng nhưng chuyên môn cũng liên quan điều phối của Bộ Y tế, còn Sở Y tế phải chịu trách nhiệm ở địa phương.

* Tin Tức: Sở Y tế khẳng định OSCA không có chức năng khám chữa bệnh, nhưng họ lại tổ chức đoàn đi khám chữa bệnh thì việc quản lý như thế nào?

- Ông Nguyễn Việt Cường (chánh thanh tra Sở Y tế Hà Nội): OSCA chưa làm thủ tục cấp chứng chỉ hành nghề tại Hà Nội, OSCA hoạt động theo giấy phép của Sở Khoa học - công nghệ.

Họ không khám chữa bệnh tại cơ sở ở Hà Nội, nếu họ tổ chức đoàn khám chữa bệnh ở địa phương nào thì y tế địa phương chịu trách nhiệm thẩm tra về phạm vi chuyên môn, trang thiết bị, phương tiện phục vụ khám chữa bệnh...

Vẫn chưa xác định rõ nguyên nhân cụ thể

Hội đồng chuyên môn Sở Y tế Khánh Hòa ngày 28-8 có kết luận về nguyên nhân dẫn đến cái chết của ba cháu bé trong cuộc phẫu thuật “Tìm lại nụ cười”, nhưng chưa xác định được cụ thể nguyên nhân gây tử vong.

Hội đồng này gồm chín thành viên do TS.BS Lê Tấn Phùng - trưởng phòng nghiệp vụ y Sở Y tế tỉnh Khánh Hòa - làm chủ tịch. Kết luận của hội đồng gồm năm điểm:

Một, cả ba trường hợp tử vong đều có liên quan đến quá trình gây mê, nhưng nguyên nhân cụ thể cần có bằng chứng giám định pháp y và kết quả kiểm định thuốc, trang thiết bị gây mê.

Hai, quy trình chuyên môn của OSCA còn một số thiếu sót như chưa có quy trình cụ thể về khám sàng lọc, gây mê, phẫu thuật, hậu phẫu; khám tiền phẫu và xét nghiệm tiền phẫu chưa đầy đủ như không siêu âm tim, điện tâm đồ, xét nghiệm chức năng gan... cho bệnh nhân; không có cán bộ y tế chuyên khoa nhi tham gia quá trình khám sàng lọc và chỉ định phẫu thuật; không theo dõi huyết áp trong quá trình gây mê và phẫu thuật.

Ba, không kịp thời ngừng ngay các hoạt động phẫu thuật khi có tai biến xảy ra.

Bốn, công tác tổ chức, phối hợp giữa OSCA với các cơ sở điều trị có chuyên khoa của địa phương chưa được thực hiện chặt chẽ. Năm, OSCA không báo cáo kịp thời việc thay đổi nhân sự trong quá trình phẫu thuật tại Bệnh viện Quân y 87.

Ông Phùng thông tin thêm: “Có ba loại thuốc gây mê được sử dụng là Servofrane, Fresofol (Propofol) và Fentanyl. Thuốc gây mê, hồi sức, dịch truyền được lấy từ Bệnh viện Quân y 87, thời hạn sử dụng đến năm 2016. Qua kiểm tra của hội đồng chuyên môn, các thuốc này có nguồn cung cấp hợp pháp qua đấu thầu, chưa thấy có sai phạm trong việc bảo quản. Nhưng đó chỉ là cảm quan, còn chính xác phải chờ kết quả kiểm định độc lập của cơ quan chức năng”.

Khi được hỏi OSCA không có giấy phép hành nghề khám chữa bệnh nhưng sao lại được sở cho phép thực hiện phẫu thuật, ông Phùng cho biết OSCA chỉ là tổ chức khám chữa bệnh nhân đạo, không phải cơ sở chuyên khám chữa bệnh nên không cần giấy phép hành nghề khám chữa bệnh.

“Vì thế, những người tham gia khám chữa bệnh nhân đạo mới được yêu cầu là phải cung cấp đủ hồ sơ chuyên môn, giấy phép hành nghề và họ chịu trách nhiệm về hoạt động chuyên môn của họ” - ông Phùng nói.

Liên quan đến vụ việc, tối qua ông Phạm Văn Ái - chủ tịch OSCA - chia sẻ: “Thú thật là chúng tôi không biết rõ các quy định của Nhà nước trong việc khám chữa bệnh nhân đạo, đi đến đâu cũng xin phép cơ quan chức năng, họ bảo bổ sung gì chúng tôi bổ sung nấy. Còn quy trình khám sàng lọc hay quy trình chuyên môn trong việc này thì chúng tôi học từ một tổ chức từ thiện của Mỹ, rồi áp dụng mấy năm qua. Để xảy ra hậu quả này, chúng tôi rất buồn, đau lòng và sợ nữa”.

DUY THANH

LAN ANH ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên