Việt Nam là một trong ba quốc gia ở Đông Nam Á mà YouTube Shopping có mặt cùng với Thái Lan, Indonesia. Nếu xét quy mô toàn cầu thì Việt Nam là thị trường thứ 6 bên cạnh Mỹ, Hàn Quốc, Ấn Độ.
Sự kiện này diễn ra trong bối cảnh người tiêu dùng ngày càng tin tưởng vào các nội dung giới thiệu sản phẩm từ nhà sáng tạo. Năm 2023, người dùng toàn cầu đã dành hơn 30 tỉ giờ xem các video liên quan đến mua sắm trên YouTube, phản ánh tiềm năng lớn của nền tảng này trong việc thúc đẩy doanh số bán hàng.
Đặc biệt các nền tảng lâu đời như Lazada, Tiki đang đối mặt với đà suy thoái thì TikTok lại nổi lên, dẫn đầu cuộc chơi mảng livestream với tốc độ thâm nhập thị trường thương mại điện tử liên tục tăng. Các nghiên cứu cũng dự báo xu hướng mua sắm qua livestream sẽ tiếp tục bùng nổ, góp phần làm cuộc đua giành thị phần giữa các nền tảng ngày càng khốc liệt trong tương lai.
Với YouTube Shopping, người xem có thể trải nghiệm mua sắm ngay trong khi đang xem nội dung của nhà sáng tạo (YouTuber). Người xem có thể kiểm tra danh sách các sản phẩm được gắn thẻ, thông tin về từng sản phẩm ngay trong phần mô tả và phần "Sản phẩm" của video.
Chỉ cần nhấp vào một sản phẩm ưng ý, người xem sẽ được dẫn trực tiếp đến trang bán hàng để mua sắm nhanh chóng và dễ dàng. Các nhà sáng tạo có thể linh hoạt gắn thẻ sản phẩm, cả trong video đã đăng tải và video mới, đồng thời cố định chúng trong các buổi livestream.
Cũng như các nền tảng thương mại điện tử khác, để nhanh chóng mở rộng sự hiện diện, YouTube cũng triển khai chương trình YouTube Shopping Affiliate tại Việt Nam.
Theo đó, nhà sáng tạo nhận tiền hoa hồng thông qua việc quảng bá sản phẩm trong video, thúc đẩy doanh số bán hàng. Tuy nhiên, chức năng được triển khai với những tài khoản thỏa mãn một số điều kiện như phải thuộc chương trình đối tác của YouTube, có hơn 10.000 người đăng ký, chủ tài khoản phải sống ở Việt Nam, nội dung kênh không được đặt dành cho trẻ em...
Hồi tháng 9-2024, YouTube đã giới thiệu tính năng "Shopping on YouTube" (Bán hàng trên YouTube) tại Việt Nam, cho phép người sáng tạo nội dung liên kết sản phẩm từ Shopee trực tiếp vào video của họ.
Đây là một động thái nhằm tận dụng lượng người dùng khổng lồ của YouTube để thúc đẩy doanh số bán hàng trực tuyến. Bà Mukpim Anantachai - giám đốc bộ phận quan hệ đối tác của YouTube tại Việt Nam và Thái Lan - kỳ vọng hợp tác mới sẽ thúc đẩy sự phát triển của thương mại điện tử.
Theo báo cáo từ Google, Temasek và Bain & Company, nền kinh tế số Việt Nam dự báo đạt tổng giá trị hàng hóa (GMV) 45 tỉ USD vào năm 2025, trong đó thương mại điện tử đóng góp 24 tỉ USD, tăng trưởng 22% hằng năm.
Hợp tác giữa YouTube và Shopee còn cho thấy sức ép trước mô hình mua sắm và giải trí mà TikTok đang triển khai. Chỉ trong thời gian ngắn, TikTok Shop đã chiếm giữ vị trí thứ hai trong khu vực sau Shopee.
Theo báo cáo của nền tảng Metric, 9 tháng đầu năm 2024, thị trường thương mại điện tử Việt Nam tiếp tục duy trì đà tăng trưởng tích cực với tổng doanh số đạt 227,7 nghìn tỉ đồng, tăng 37,66% so với cùng kỳ 2023.
Trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt giữa các nền tảng, chỉ có TikTok Shop và Shopee là hai sàn ghi nhận mức tăng trưởng khả quan so với cả quý 2-2024 lẫn cùng kỳ 2023. Riêng TikTok Shop đã đạt mức tăng trưởng doanh số gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái.
Metric cũng đưa ra dự báo trong quý 4-2024, tổng doanh số trên 5 sàn bán lẻ trực tuyến lớn nhất Việt Nam hiện nay sẽ đạt mức 80,6 nghìn tỉ đồng với 870 triệu sản phẩm được bán ra. Lý do là năm nay Tết Nguyên đán đến sớm, vì vậy mua sắm chuẩn bị Tết sẽ rơi mạnh nhất vào cuối tháng 11 và tháng 12-2024. Đây là khoảng thời gian được dự đoán doanh số trên sàn tăng mạnh nhất.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận