12/06/2014 04:10 GMT+7

Yêu từng giọt nước

NGUYỆT CÁT
NGUYỆT CÁT

TT - Là người đầu tiên đưa ý tưởng tổ chức Ngày nước thế giới 22-3 hằng năm ở Việt Nam, Trần Minh Phượng (nghiên cứu viên Trung tâm Nghiên cứu tài nguyên môi trường - Đại học Quốc gia Hà Nội) còn tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa hướng dẫn cộng đồng bảo vệ nguồn tài nguyên nước.

Hai bạn trẻ và tham vọng nước sạch giá rẻThỏa sức sáng tạo cùng “Mùa hè nước 2014”

97MEFnwc.jpgPhóng to
Trong những chuyến công tác địa phương, Trần Minh Phượng tranh thủ đi khắp nơi vận động người dân bảo vệ nguồn nước - Ảnh: Nhân vật cung cấp

Tốt nghiệp Đại học Sư phạm ngoại ngữ chuyên ngành tiếng Anh năm 1996, nhưng chị Phượng lại nộp hồ sơ xin việc làm ở Trung tâm Nghiên cứu tài nguyên môi trường.

Quý nước từ nhỏ!

Nói về đam mê của mình, chị Phượng bảo: “Ngày còn học tiểu học, cả làng Đông Ngạc thiếu nước trầm trọng, bố phân công tôi đi mua nước ở một công ty gần bến Chèm về dùng. Gánh nước một đoạn dài về nhà, chân đau sưng to lên, chỉ cố làm sao không để rơi một giọt nước là mừng lắm rồi. Thế mà bây giờ nhiều người cho rằng nước là của trời cho, là vô tận nên dùng rất lãng phí. Ở Hà Nội, nhiều sông bị ô nhiễm nặng nề cũng đều do con người gây ra. Vì thế, tôi luôn muốn khi lớn lên sẽ trở thành tuyên truyền viên, bởi tôi biết sẽ chẳng thể quản lý tốt tài nguyên nước nếu như cộng đồng không hiểu được các giá trị của nguồn nước”.

Học tiếng Anh nhưng lại đi làm về môi trường là một điều cực kỳ khó khăn đối với cô sinh viên mới chập chững vào nghề. Chị Phượng cho biết: “Thiếu kiến thức là thách thức lớn nhất, bởi trong bốn năm đại học tôi không được học bất cứ môn nào về môi trường, và gần như phải học lại từ đầu”. Đỉnh điểm là năm 2008, khi bắt tay vào nghiên cứu về quản lý tổng hợp tài nguyên nước, chị Phượng gần như sốc bởi càng đi sâu tìm hiểu, càng thấy đầu mình trống rỗng. “Tôi tìm cách lên các trang mạng quốc tế đọc tài liệu về môi trường, nước, rừng... rồi biên dịch lại thành sách. Cuối cùng tôi đã nghiên cứu thành công”. Sau này nhiều cuốn sách chị Phượng dùng để giáo dục, hướng dẫn cộng đồng bảo vệ nguồn tài nguyên nước đã được xuất bản như: Giá trị của nước, Giáo dục ngoại khóa về tài nguyên nước cho học sinh khối trung học cơ sở...

Đem “Ngày nước thế giới” về Việt Nam

Với vai trò là một tuyên truyền viên, chị Phượng còn xây dựng nhiều mô hình truyền thông nâng cao nhận thức về tài nguyên nước cho người dân. Đặc biệt, năm 2011, tìm hiểu trên mạng thấy cả thế giới tổ chức Ngày nước rầm rộ vào 22-3, chị Phượng nảy sinh ý tưởng tổ chức ở Việt Nam. Chỉ trong hai ngày lên chương trình từ nội dung, thông điệp đến các hạng mục, sau đó chị Phượng đề xuất thực hiện ý tưởng này và được Bộ Tài nguyên môi trường ký duyệt. “Lúc đó tôi mừng lắm, bởi vì phương pháp truyền thông hiệu quả ra đời” - chị Phượng nói.

Thế là chị Phượng bắt tay vào soạn tài liệu chương trình do chị tự biên dịch rồi gửi đi các tỉnh. Trải qua bốn năm, đến nay Ngày nước thế giới đã tạo được tiếng vang lớn với nhiều hoạt động thu hút cộng đồng quan tâm như: triển lãm tranh ảnh Tài nguyên nước, tổ chức cuộc thi vẽ tranh cho trẻ em nghèo, các hội thảo khoa học về tài nguyên nước... Năm 2013 Ngày nước thế giới ở Cần Thơ có sự tham dự của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, năm 2014 tại Lai Châu có sự tham gia của Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải. “Chương trình thật sự đã thu hút sự quan tâm của lãnh đạo Chính phủ và các bộ, ban, ngành. Điều đó hỗ trợ ngành tài nguyên nước trong việc vận động chính sách và kêu gọi sự tham gia của các đối tượng sử dụng nước” - chị Phượng phấn khởi.

Ngoài ra, chị Phượng còn tổ chức nhiều mô hình như “Đoạn sông tự quản”, “Hương ước bảo vệ nguồn nước”; tổ chức các câu lạc bộ “Dòng sông quê em” thực hiện ở các tỉnh Thái Bình, Nam Định, Hà Nam, Ninh Thuận, Lai Châu... Thiết kế và thực hiện cuộc thi Sáng tác kịch bản phim về tài nguyên nước, Vẽ tranh về nguồn nước... Năm 2012, chị Phượng thành lập Mạng lưới giáo dục tài nguyên nước Việt Nam (Water resources education network of Vietnam) trên mạng xã hội Facebook với hơn 1.500 thành viên gồm các nhà quản lý, nhà khoa học, phóng viên, nhà báo, học sinh, sinh viên, nhiếp ảnh gia...

“Ở nhà, tôi vẫn luôn dạy con phải biết tiết kiệm nước bởi đó chính là nguồn sống của mình. Nếu chúng ta cùng nhau chia sẻ, ai cũng có cơ hội sử dụng nước” - chị Phượng nói.

Góp phần bảo vệ môi trường cùng cuộc thi “Mùa hè nước 2014”

Là hoạt động do Bộ Tài nguyên - môi trường VN và nhãn hàng Comfort một lần xả, báo Tuổi Trẻ phối hợp thực hiện, cuộc thi “Mùa hè nước 2014” đem đến cho giới trẻ cơ hội trải nghiệm một mùa hè ý nghĩa thông qua việc lên ý tưởng, trực tiếp thực hiện dự án liên quan đến nước. Sẽ có ba dự án nhận được sự hỗ trợ (tối đa 56 triệu đồng/dự án), giấy chứng nhận và huy hiệu từ nhà tài trợ, một năm sử dụng Comfort một lần xả. Thí sinh cũng có quyền chỉ định địa điểm thực hiện dự án.

Chương trình mong muốn góp phần nuôi dưỡng tình yêu nước và cộng đồng ở giới trẻ, nâng đỡ và kết nối những hành động nhỏ để tạo ra sự thay đổi lớn đầy tích cực cho xã hội.

Được phát động từ ngày 10-5, hiện cuộc thi đã nhận về nhiều ý tưởng độc đáo, thiết thực. Chương trình tiếp tục nhận bài dự thi đến ngày 22-6. Thông tin chi tiết về chương trình có tại website: www.1tym3nuoc.vn.

Nhằm giúp sinh viên các trường ĐH có cơ hội tìm hiểu thêm về vấn đề nước cũng như cuộc thi trên, ban tổ chức cho biết đang thực hiện chuỗi chương trình giao lưu tại ba miền Bắc - Trung - Nam. Buổi giao lưu đầu tiên đã diễn ra vào ngày 7-6 tại Học viện Báo chí và tuyên truyền (Hà Nội), buổi giao lưu thứ hai diễn ra vào 9g sáng nay (ngày 12-6) tại ĐH Ngoại ngữ và tin học TP.HCM. Dự kiến buổi giao lưu ở miền Trung sẽ diễn ra vào trung tuần tháng 6 tại TP Huế.

NGUYỆT CÁT
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên