13/09/2015 08:00 GMT+7

Yêu cầu uống bia Sài Gòn có vi phạm quyền riêng tư?

VÕ HƯƠNG - MẠNH KHANG
VÕ HƯƠNG - MẠNH KHANG

TTO - Chủ trương yêu cầu công chức địa phương ưu tiên sử dụng bia của Nhà máy bia Sài Gòn đóng trên địa bàn Hà Tĩnh có vi phạm quyền riêng tư?

Ảnh giấy mời của Chánh văn phòng UBND tỉnh Hà Tĩnh dùng dấu hỏa tốc yêu cầu lãnh đạo tham dự lễ hội bia

Trong cuộc liên hoan tại địa phương, do không uống bia Sài Gòn theo chủ trương của tỉnh Hà Tĩnh, 7 cán bộ Sở GD-ĐT Hà Tĩnh bị nhắc nhở...

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Dư Lý Trí, phó chánh văn phòng Sở GD-ĐT Hà Tĩnh, xác nhận thông tin trên.

Trước đó, trong một công văn được ký hỏa tốc, chánh văn phòng tỉnh Hà Tĩnh đã yêu cầu các lãnh đạo chủ chốt của tỉnh, thủ trưởng các sở ban ngành, đoàn thể cấp tỉnh, chủ tịch các hội, hiệp hội trong tỉnh, lãnh đạo các huyện trên địa bàn… tới tham gia lễ hội bia Sài Gòn.

Chuyện thật như đùa

Một cơn bão mạng ào ạt sự bức xúc xung quanh câu chuyện này. Nhiều bạn đọc lên tiếng.

Bạn đọc Bình Nguyên cho biết: “Quá kì cục, uống bia gì là quyền tự do của mỗi người, sao lại phải kiểm điểm? Chuyện thật như đùa thế này?...".

Anh Văn Thành nêu ý kiến: “Công chức hay người dân cũng đều là khách hàng, người ta có nhu cầu nào thì uống loại đó. Luật công chức đâu có quy định không uống bia loại này, loại kia?

Chị Phụng Tiên (Đồng Tháp) nói: “Uống bia loại nào là tùy sở thích mỗi người, sao có thể áp đặt như vậy? Chủ trương người Việt dùng hàng Việt thì cũng có nhiều lựa chọn cho người tiêu dùng. Làm như vậy có khác nào cán bộ Hà Tĩnh chỉ được phép uống bia của hãng này mà không được uống hãng khác. Vậy là không công bằng”.

Ngày 1-9, ông Lê Minh Đạo, chánh văn phòng UBND tỉnh Hà Tĩnh đóng dấu hỏa tốc vào giấy mời tham gia dự lễ hội bia Sài Gòn để gửi đến các lãnh đạo chủ chốt của tỉnh, thủ trưởng các sở ban ngành, đoàn thể cấp tỉnh, chủ tịch các hội, hiệp hội trong tỉnh, lãnh đạo các huyện trên địa bàn.

Tháng 8-2014, lãnh đạo huyện Kỳ Anh ký công văn yêu cầu các cơ quan, ban ngành địa phương lúc tổ chức hội nghị, tiếp khách phải ưu tiên sử dụng bia của Nhà máy bia Sài Gòn đóng trên địa bàn Hà Tĩnh.

Vi phạm nghiêm trọng quyền riêng tư

Luật sư Huỳnh Phước Hiệp (Đoàn luật sư TP.HCM) cho rằng lãnh đạo ký văn bản hỏa tốc mời dự lễ hội không phải lễ hội truyền thống của tỉnh mà chỉ là chương trình của doanh nghiệp để quảng bá sản phẩm là lạm dụng quyền hạn.

Việc cán bộ bị đơn vị quản lý nhắc nhở vì không uống đúng loại bia như chủ trương ủng hộ sản phẩm này của lãnh đạo tỉnh càng không hợp lý.

“Không phải cứ cam kết ủng hộ sản phẩm là bắt buộc trong mọi trường hợp đều phải dùng sản phẩm đó”, ông Hiệp nói.

Luật sư Nguyễn Văn Hậu - phó chủ tịch hội luật gia TP.HCM cho rằng lãnh đạo Hà Tĩnh đã chưa hiểu đúng tinh thần cuộc vận động “Người VN ưu tiên dùng hàng VN”.

Điều này đã vi phạm những quy định của hiến pháp năm 2013 về quyền tự do, quyền công dân được bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, gia đình...

Ông Hậu nhấn mạnh: “Không thể tùy tiện được! Việc cán bộ tỉnh bắt sử dụng bia đúng loại và người uống bị nhác nhở là vi phạm nghiêm trọng hiến pháp cũng các quy định khác của pháp luật. Người nào bị xử lý hoàn toàn có thể khởi kiện hoặc yêu cầu hủy bỏ quyết định (nếu có) vì việc xử lý đó không có căn cứ và trái pháp luật”.

Cạnh tranh không lành mạnh, đi ngược hội nhập quốc tế

Chuyên gia kinh tế PGS.TS Ngô Trí Long bức xúc: “Có thể khẳng định đây không phải hiểu sai mà lợi dụng ý nghĩa của cuộc vận động để có hành vi không lành mạnh trong sản xuất kinh doanh”.

Ông Long phân tích: bia là mặt hàng nhà nước không khuyến khích sử dụng. Trong khi đó, tỉnh Hà Tĩnh khuyến khích sử dụng chỉ một loại sản phẩm là biểu hiện của hành vi cạnh tranh không lành mạnh, trái với luật cạnh tranh.

Theo thông lệ quốc tế, không ai được dùng đặc quyền đặc lợi cho một sản phẩm nào đó. Với vụ việc này, các hãng bia nước ngoài có quyền kiện lãnh đạo Hà Tĩnh.

Chưa nói đến những sai phạm về việc ra quy định không phù hợp, luật sư Nguyễn Văn Hậu cho biết, khi VN đã tham gia vào nhiều công ước khi gia nhập các tổ chức thương mại thế giới thì việc cam kết tất cả thành viên đều bình đẳng là điều rất quan trọng.

Như vậy, cùng một sản phẩm, trên thị trường sẽ có nhiều đối thủ trong lẫn ngoài nước. Điều này đặt ra thách thức cho sản phẩm của VN. Đòi hỏi chúng ta phải vận động mọi người sử dụng chứ không thể ép buộc họ, không được phân biệt đối xử với hàng hóa trong nước và nước ngoài vì điều này đã đi ngược lại các cam kết của chúng ta, vi phạm luật cạnh tranh, vi phạm điều ước quốc tế.

Mời bạn đọc nghe các phát biểu:

>> Chị Phụng Tiên

>> PGS.TS Ngô Trí Long

>> Luật sư Huỳnh Phước Hiệp

>> Luật sư Nguyễn Văn Hậu

VÕ HƯƠNG - MẠNH KHANG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên