Trích đoạn “Lữ Bố hí Điêu Thuyền” được đầu tư kĩ lưỡng về phục trang và diễn xuất.- Ảnh: CHÍ HÀO |
Đó là những “ngôi sao”, có người tuổi đời còn rất trẻ, không xuất thân từ ánh đèn sân khấu mà đến từ nhiều ngành nghề khác nhau như y sĩ, dược sĩ, giảng viên đại học, người dẫn chương trình rồi thạc sĩ ngoại ngữ, chủ tịch công đoàn, quản lý nhân sự, kỹ sư điện máy, kế toán doanh nghiệp cho đến cả cô thợ may khéo léo…
Họ có chung niềm đam mê cháy bổng với nghệ thuật hát cải lương, niềm đam mê này đã khiến họ xích lại gần nhau.
Trích đoạn “Đời cô Lựu” đã đem lại nhiều cảm xúc cho khán giả - Ảnh: CHÍ HÀO |
Mỗi người góp nhặt một chút rồi cộng hưởng lại với nhau làm sáng bừng một buổi dạ tiệc văn hóa nghệ thuật đầy màu sắc, tuy chưa thật sự chuyên nghiệp nhưng lại rất “nghề”, rất “đời” và rất “người” bởi vốn kiến thức phong phú và sự trải nghiệm đa dạng ở nhiều lĩnh vực, ngành nghề.
Vốn là nhân viên khách sạn tại TP.HCM, anh Long Hồ, thể hiện vai Định trong trích đoạn “Nửa đời hương phấn” chia sẻ:
“Mình biết mình chỉ được có cái đam mê thôi chứ muốn giỏi thì cần phải học hỏi nhiều lắm! Cuộc sống mà, mỗi người mỗi nghề, đâu có thời gian đi học cải lương nhiều. Mình yêu thì mình theo đuổi nhưng chỉ yêu thôi là chưa đủ, mình đặt trách nhiệm của bản thân mỗi khi diễn một vai nào đó như là trách nhiệm trong công việc ở khách sạn nuôi sống mình hằng ngày vậy!”.
Anh Long Hồ cho biết thêm, vai Định không phải vai hợp với anh nhưng nhờ tiếp xúc với nhiều loại người khác nhau, nhiều kiểu khách khác nhau khi làm khách sạn, những quan sát và đúc kết từ họ đã giúp anh tái hiện vai Định theo cách rất riêng của anh.
Trích đoạn “Tìm lại cuộc đời” được đánh giá cao khi những nghệ sĩ không chuyên diễn bằng tất cả đam mê - Ảnh: CHÍ HÀO |
Tương tự, anh Trung Tín, giảng viên chuyên ngành Kiểm tra phần mềm (Software Testing), thể hiện vai Lữ Phụng Tiên, cho biết:
“Mấy anh chị em, đa phần là công nhân viên chức, ít am hiểu về nghệ thuật nên những gì thể hiện hôm nay là thành quả của 3 tháng lao động, học tập miệt mài. Trên cả niềm đam mê, cải lương như là một món ăn tinh thần để chúng tôi làm tốt hơn công việc của mình. Ngược lại, những trải nghiệm công việc giúp chúng tôi diễn trọn vẹn hơn những vai diễn trên sân khấu, mặc dù chưa được chuyên nghiệp”.
Có lẽ nhờ vậy mà anh Trung Tín đã chiếm được nhiều cảm tình của khán giả và giới mộ điệu khi vai Lữ Phụng Tiên do anh thể hiện vừa có phong thái đỉnh đạt, nghiêm trang của một giảng viên lại vừa có chút tinh nghịch, hồn nhiên pha lẫn chút hào hoa của chàng kỹ sư công nghệ phần mềm.
Trích đoạn “Một phút một thời” gửi gắm nhiều trăn trở về cuộc sống hiện đại- Ảnh: CHÍ HÀO |
Tham dự chương trình trong vai trò là khán giả khách mời, nghệ sĩ Xuân Lan (người từng sánh vai cùng NSƯT Thanh Nga của đoàn Thanh Minh - Thanh Nga xưa) cho biết nghệ thuật cải lương là nghệ thuật sinh ra trong lòng dân tộc.
Cùng với nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống khác, cải lương đã mở ra một không gian văn hóa rất thanh bình, tái hiện lại cuộc sống sinh hoạt bình dị, đời sống nội tâm phong phú, sinh động và vẻ đẹp tâm hồn của con người Việt Nam.
Chương trình biểu diễn cải lương nằm trong hoạt động báo cáo ngoại khóa lần 3, lớp diễn viên cải lương của Nhà hát Trần Hữu Trang với 23 học viên đến từ nhiều lĩnh vực khác nhau nhằm gìn giữ và phát huy một loại hình nghệ thuật truyền thống mang đậm bản sắc dân tộc trong thời kỳ đổi mới.
10 trích đoạn quen thuộc đã mang đến cho khán giả tại rạp hát Thủ Đô những phút giây thư giãn cuối tuần đầy xúc động.
Mấy chục năm chứng kiến từng bước thăng trầm của loại hình nghệ thuật truyền thống Nam Bộ này, Nghệ sĩ Xuân Lan xúc động: “Cải lương tuy không chết nhưng cái thời hoàng kim của nó thật sự qua rồi! Hôm nay ngồi đây, Xuân Lan rất xúc động khi các bạn y sĩ, dược sĩ, công nhân viên chức… đã giúp cho Xuân Lan được hồi tưởng lại một thời xuân trẻ của mình. Đâu đó Xuân Lan thấy có bóng dáng của cô Phùng Há, chị Thanh Nga, cô Út Bạch Lan, anh Giang Châu…”. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận