11/12/2014 15:31 GMT+7

Ý kiến trái chiều việc CSGT “núp lùm” bắt người vi phạm

TTO tổng hợp
TTO tổng hợp

TTO - Lời khẳng định của đại tá Đào Vịnh Thắng, trưởng Phòng CSGT đường bộ - đường sắt Công an Hà Nội, về việc chấm dứt tình trạng đứng núp khi làm nhiệm vụ nhận được nhiều ý kiến trái chiều.

 

Một hình ảnh đẹp của người cảnh sát giao thông: thượng tá Lê Đức Đoàn trong buổi tối cuối cùng làm nhiệm vụ trước khi về hưu (tối 31-10). Năm 2012 ông vinh dự được bầu chọn là một trong 10 công dân ưu tú của thủ đô - Ảnh: Đ.Nguyễn

Bên cạnh đa số ý kiến đồng tình "nhiệm vụ của cảnh sát giao thông là hướng dẫn giao thông chứ không phải tập trung xử phạt", là một số ý kiến cho rằng "đây là việc cần thiết để chấn chỉnh tình trạng vi phạm luật giao thông của người dân".

Nhiệm vụ chính của cảnh sát giao thông là trực hướng dẫn giao thông

Bạn đọc Ly Duc ở TP.HCM viết: Tôi đồng ý với đại tá Đào Vịnh Thắng. Tôi nghĩ cảnh sát giao thông ở TP.HCM cũng nên thực hiện càng sớm càng tốt.

Bạn đọc levan bày tỏ: Tôi rất đồng tình những quy định trên của CSGT Hà Nội. Nhưng đọc bài báo tôi thấy có một số "thuật ngữ" mà CSGT Hà Nội nên làm rõ: "đứng ở chỗ khuất ", "đứng núp", "chiến sĩ túm tụm", " không được chỉ gậy"... hình thức của nó như thế nào. Tôi hi vọng đến năm 2015 "CSGT Hà Nội phải xây dựng hình ảnh người chiến sĩ CSGT là bạn của dân".

Bạn đọc LC viết: Là người dân, tôi rất đồng tình quy định nhiệm vụ chính của cảnh sát giao thông là trực hướng dẫn giao thông.

Bạn đọc Trần Túc nêu một dẫn chứng: Ở TP.HCM tôi chứng kiến nhiều hình ảnh không đẹp của CSGT (núp lùm, gò mình canh me) trên các tuyến đường có lượng xe không quá đông đúc hoặc khúc cua khuất! Thực trạng đường nhỏ hẹp, phân luồng, tuyến không hợp lý, CSGT thường xuyên canh me núp lùm là hình ảnh không đẹp!

Tương tự, bạn đọc Đình Dũng viết: Việc CSGT "núp lùm" (làm luật) rất phổ biến cả nước chứ không riêng gì Hà Nội. Tôi đã chứng kiến qua các lần đi theo xe tải và xe khách từ nhiều năm qua trên quốc lộ, các tỉnh lộ đều chung một hình thức "mãi lộ" bất thành văn.

Bạn đọc Minh Tâm bình luận và đưa ra giải pháp: Tôi nghĩ thời đại kỹ thuật số rồi, ngành công an đang tiến hành cấp, đổi bằng lái xe các loại việc quản lý theo mã công dân ghi trên bằng lái... Cảnh sát giao thông là người hướng dẫn giao thông trên các tuyến đường nói chung. Khi phát hiện người vi phạm giao thông bất kỳ lỗi gì không được thu bằng lái, không giam xe, không thu tiền phạt trực tiếp... chỉ cần đưa bằng lái quẹt vào máy để chứng minh người vi phạm. Việc xử phạt sẽ có bộ phận khác xử lý theo quy định và quy trình thu phạt. Nếu làm được như thế cảnh sát giao thông không còn đường tiêu cực.

Bạn đọc Thanh Trúc mong mỏi: CSGT ngày càng văn minh, trang bị hiện đại, thân thiện với dân. Mong được như lời của các vị lãnh đạo.

Bạn đọc Lê Vũ nhận định: Tóm lại đó là sự sòng phẳng giữa pháp luật và chấp hành pháp luật của người dân. Cảnh sát giao thông là người điều hành giao thông và giúp Nhà nước duy trì trật tự giao thông, làm cho ý thức pháp luật của người dân được nâng lên chứ không phải là núp để bắt.

Chấp hành tốt Luật giao thông thì cảnh sát có núp hay không cũng thế

Ở chiều ngược lại cho rằng việc CSGT núp lùm là chuyện bình thường, bạn đọc Thanh Nam viết: Về việc CSGT núp lùm theo cá nhân tôi là được, vì nếu anh chấp hành tốt luật giao thông thì đâu cần phải sợ. Nếu không sẽ là tình trạng cứ thấy có CSGT thì chấp hành, không thì mạnh ai nấy chạy gây tai nạn và kẹt xe.

Riêng việc CSGT chỉ gậy vào người tham gia giao thông hoặc chạy ra rút chìa khóa xe có trường hợp còn giằng co với người điều khiển, bạn đọc Thanh Nam cho rằng: đã chứng kiến nhiều lần và thấy rất phản cảm, không hay chút nào. 

Bạn đọc An Nguyen lý luận: Đối với thực trạng ý thức giao thông kém như ở Việt Nam thì tôi nghĩ việc núp lùm cũng có phần cần thiết. Tôi từng chứng kiến khi có CSGT thì ai cũng tuân thủ, kể cả những thành phần xe máy chở hàng. Khi không có thì... hỡi ôi, chạy ngược chiều, đánh võng, lạng lách, vượt đèn đỏ... Chỉ những người vi phạm mới lên tiếng không ủng hộ, nói xấu lực lượng chức năng làm nhiệm vụ, khi bị phạt thì đồng ý thương lượng chứ có ai chấp hành việc chế tài theo quy định pháp luật. Sau đó thì lại phê phán.

"Thật tình mà nói, có cầu thì ắt có cung. Tôi bị phạt hai lần nhưng lần nào cũng đồng ý lập biên bản và đóng phạt hẳn hoi. Theo quan điểm cá nhân, khi tôi làm không đúng quy định, tôi đồng ý xử phạt, không đôi co cũng không thương lượng về việc vi phạm của mình. Đó là thái độ sống của tôi" - bạn đọc An Nguyên viết.

Bạn đọc Nguyen Nam cùng quan điểm: Theo tôi, nên cho CSGT đứng núp. Vì nếu người đi đường chấp hành đúng luật giao thông thì việc đứng núp hay không cũng vậy thôi.

"Việc cần chấn chỉnh ở CSGT là phải các ngành chức năng theo dõi để bắt được những cảnh sát nào nhận tiền hối lộ. Đó mới là cốt lõi của vấn đề mà dư luận quan tâm rất nhiều" - bạn đọc Nguyen Nam chốt hạ. 

Có cấm được nạn "làm tiền" của CSGT không nhỉ? Ngành công an có biện pháp nào phát hiện và ngăn chặn là một câu hỏi nêu cùng vấn đề của bạn đọc Hải Âu.

TTO tổng hợp
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên