11/12/2014 10:11 GMT+7

​Có cấm được CSGT “núp lùm” bắt người vi phạm?

MINH QUANG thực hiện
MINH QUANG thực hiện

TT - “Phải chấm dứt ngay tình trạng đứng núp khi làm nhiệm vụ. Nghiêm cấm việc rút, giật chìa khóa trên xe người vi phạm”.

Đại tá Đào Vịnh Thắng - Ảnh: N.Khánh

Đó là khẳng định của đại tá Đào Vịnh Thắng, trưởng Phòng CSGT đường bộ - đường sắt Công an Hà Nội, khi trao đổi với Tuổi Trẻ về việc chấn chỉnh những việc làm chưa đúng của lực lượng CSGT thủ đô. Ông Thắng cho biết:

- Để nâng cao chất lượng CSGT của Hà Nội, giám đốc Công an TP đã có quyết định về những việc được làm và không được làm của CSGT. Tuy nhiên, thời gian qua có một bộ phận cán bộ chiến sĩ làm chưa đúng, để nhân dân đánh giá về thái độ, tác phong chưa nêu cao tinh thần trách nhiệm.

Có việc người dân phản ảnh về một số cán bộ chiến sĩ đứng ở chỗ khuất nhằm bắt lỗi vi phạm đối với người tham gia giao thông để xử lý. Hoạt động này không công khai, dễ gây hiểu lầm trong nhân dân. Do đó, chúng tôi phải siết chặt việc làm của cán bộ chiến sĩ khi ra đường, tránh gây ảnh hưởng, mất uy tín của CSGT. 

Chúng tôi quyết định muộn nhất đến đầu năm 2015 phải chấm dứt hoàn toàn tình trạng cán bộ chiến sĩ túm tụm, không được đứng núp, không được giật chìa khóa, không được chỉ gậy vào người tham gia giao thông khi người ta có sai phạm. Đây là những biện pháp nhằm công khai, minh bạch hoạt động của lực lượng CSGT thủ đô, để người dân cùng giám sát hoạt động của lực lượng.

* Nhiệm vụ của CSGT là tập trung hướng dẫn, tổ chức giao thông nhiều hơn là xử phạt. Theo ông, CSGT Hà Nội đã đảm bảo nhiệm vụ này?

- Đúng là nhiệm vụ của CSGT là hướng dẫn giao thông chứ không phải tập trung xử phạt. Trong giờ cao điểm, CSGT phải tập trung vào hướng dẫn, giảm ùn tắc giao thông, tổ chức giao thông hợp lý đảm bảo thông suốt. Tuy nhiên, những trường hợp cố tình vi phạm, không chấp hành thì vẫn phải xử lý.

Để làm được việc này, chúng tôi sẽ tăng cường lực lượng tuần tra cơ động, tăng cường biện pháp xử lý bằng công nghệ thông tin thông qua trung tâm chỉ huy điều khiển giao thông.

Hiện nay chúng tôi đã được trang bị trên 450 camera, trong đó có 100 camera để xử phạt và sẽ tập trung “phạt nguội”. Khi tập trung “phạt nguội”, CSGT ra đường chủ yếu làm hướng dẫn giao thông như những người bạn của dân. Mục tiêu của chúng tôi là sẽ giảm lực lượng CSGT ở các chốt như hiện nay, tăng cường lực lượng tuần lưu để khi có thông tin của các trung tâm camera thì có lực lượng ra hỗ trợ, xử lý kịp thời về giao thông.

Mục tiêu của CSGT Hà Nội phải xây dựng hình ảnh người chiến sĩ CSGT là bạn của dân nên chúng tôi luôn tiếp thu ý kiến của nhân dân, đón nhận những phản ảnh để khắc phục, sửa chữa.

Muốn sửa chữa thì từ người chỉ huy đến người chiến sĩ phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, phục vụ nhân dân vô điều kiện và chấm dứt những việc làm chưa đúng. Như vậy, người CSGT sẽ nhận được sự tôn trọng và ủng hộ của nhân dân.

* Trường hợp CSGT vi phạm sẽ được xử lý như thế nào, thưa ông?

- Quan điểm của chúng tôi là phải đẩy mạnh giáo dục tư tưởng, phẩm chất đạo đức, tác phong... của cán bộ, chiến sĩ với tinh thần phục vụ nhân dân; tiếp tục cải cách thủ tục hành chính; công khai minh bạch mọi việc làm của cán bộ chiến sĩ (như vị trí làm việc và các hoạt động tuần tra kiểm soát, tập trung giúp đỡ, hướng dẫn người tham gia giao thông).

CSGT chỉ nhắc nhở là chính, trừ các trường hợp cố tình vi phạm, chống đối mới bị xử lý. Chúng tôi sẽ tập trung vào công tác kiểm tra, phát hiện để xử lý cán bộ, chiến sĩ có vi phạm và kịp thời động viên, khen thưởng những người có thành tích.

Các trường hợp bị phát hiện sẽ xử lý kỷ luật theo quy định, nhẹ thì điều động công tác, không bố trí những công việc tiếp xúc với dân, đưa về làm trực ban, trực thông tin, công việc hành chính.

 

MINH QUANG thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên