Nơi diễn ra các chương trình sinh hoạt văn hóa Chăm (điểm xe đưa du khách lên tháp) vào tối 7-7 tại khu vực tháp Pô klong Garai, Ninh Thuận - Ảnh: MINH TRÂN
Nhiều ý kiến bày tỏ không đồng tình vì nơi này được cộng đồng Chăm cho là tháp thiêng, nơi thờ tự, không phù hợp cho tiệc tùng.
Về việc này, chiều 10-7, ông Thành Nhảy, phó Ban quản lý di tích tỉnh Ninh Thuận, xác nhận vào chiều tối 7-7, tại khu vực di tích tháp Pô klong Garai có diễn ra chương trình "Huyền bí tháp cổ" với các hoạt động sinh hoạt văn hóa truyền thống của đồng bào Chăm như ca hát, múa nghệ thuật, trình diễn các nhạc cụ như kèn saranai, trống ginăng, trưng bày và trình diễn sáng tác gốm Chăm Bàu Trúc, dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp, các món ẩm thực Chăm như làm bánh ginaong laya (bánh củ gừng, bánh càng cua), món cừu…
Ông Thành Nhảy cho biết sau các hoạt động trình diễn văn hóa, chế biến các món ăn Chăm tại chỗ, ban tổ chức có để bàn cho du khách của các đơn vị lữ hành ăn tối trong không khí trang nghiêm, đầm ấm.
Theo ông Thành Nhảy, những tiết mục văn nghệ mang nét văn hóa Chăm như hòa tấu nhạc cụ truyền thống Chăm, điệu múa apsara, vũ nữ Chăm múa dâng hoa tháp cổ... cũng do các nghệ sĩ Chăm trình diễn.
Về chương trình này có ảnh hưởng đến di tích hay không, ông Thành Nhảy nói: "Chiếu theo quy định, vùng 1 di tích ba tháp Pô klong Garai nằm trên đỉnh đồi Trầu, vùng 2 nằm quanh dưới chân đồi Trầu và vùng 3 (vùng phụ trợ, nơi diễn ra chương trình) cách xa chân đồi Trầu gần 1km, ngay cổng ra vào. Vì vậy nơi diễn ra chương trình không ảnh hưởng gì đến di tích, sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng đối với đồng bào Chăm chúng tôi".
Xung quanh câu chuyện này, PGS.TS Bùi Hoài Sơn - viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam - cho rằng ban tổ chức có thể không phạm luật nhưng đã thiếu nhạy cảm trong quản lý di sản là những không gian linh thiêng của cư dân địa phương. Bởi sự nhạy cảm trong quản lý di sản có yếu tố linh thiêng mà UNESCO đã phải ban hành 1 bộ nguyên tắc đạo đức để xác định vai trò của cộng đồng đối với di sản.
Ông nói: "Nếu như những phản ánh từ một bộ phận cộng đồng người Chăm (chuyện du khách "ăn nhậu" tại khu vực tháp - PV) là đúng thì sự việc xảy ra ở khu vực tháp Pô klong Garai là một điều đáng tiếc trong hoạt động quản lý văn hóa ở đây. Mối quan hệ giữa phát triển du lịch và bảo vệ di sản bao giờ cũng là mối quan hệ phức tạp, có thể tương hỗ nhưng cũng có thể loại trừ nhau.
Đây là bài học kinh nghiệm cho không chỉ Ban quản lý tháp Chăm Pô klong Garai mà còn với tất cả các di tích khác trên cả nước, đặc biệt là với việc lắng nghe, tôn trọng ý kiến của cộng đồng, làm sao hài hòa lợi ích của tất cả các bên liên quan trong quá trình phát triển du lịch tại địa phương".
Ông Nguyễn Văn Hòa - phó giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Ninh Thuận - cho biết nhằm kích cầu du lịch tại tỉnh, sở tổ chức ba ngày (từ 7 đến 9-7) chương trình Famtrip khảo sát du lịch cộng đồng Ninh Thuận, mời 131 đại biểu từ các nhà quản lý, đơn vị du lịch, lữ hành và phóng viên báo, đài đi tham quan hầu hết các điểm du lịch trong tỉnh.
Theo ông Hòa, các hoạt động diễn ra tối 7-7 không sai và không ảnh hưởng tín ngưỡng của cộng đồng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận