07/08/2019 10:23 GMT+7

Xúc động ngày tình nguyện 'đỡ đẻ' cho rùa biển Côn Đảo

HOÀNG HUY
HOÀNG HUY

TTO - Mùa tình nguyện viên bảo tồn rùa biển 2019 khép lại với sự thành công ngoài mong đợi, một hành trình đầy kỷ niệm, không chỉ là việc thả rùa về biển mà còn đầy ắp những câu chuyện truyền cảm hứng về bảo tồn thiên nhiên, bảo vệ môi trường.

Xúc động ngày tình nguyện đỡ đẻ cho rùa biển Côn Đảo - Ảnh 1.

Những chú rùa con về với biển - Ảnh: DUY HIẾU

Những người "đỡ đẻ" cho rùa

Điểm đến của chúng tôi là hòn Bảy Cạnh - nơi có số lượng rùa biển lên đẻ nhiều nhất Việt Nam. Thời gian làm việc của chúng tôi phụ thuộc hoàn toàn vào sự lên xuống của thủy triều. Con nước lên cao ở thời điểm nào, hành trình "đỡ đẻ" cho rùa sẽ bắt đầu vào thời điểm ấy.

Thời gian làm việc thường dao động từ 23h đến 4h hôm sau, chúng tôi sẽ cùng các anh kiểm lâm đi kiểm tra ở bãi rùa lên đẻ. Háo hức, hồi hộp lẫn niềm vui vỡ òa là những cảm xúc của những "bà đỡ đẻ" không chuyên, đó là những tình nguyện viên của tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) kết hợp cùng với vườn quốc gia Côn Đảo, lần đầu được chạm vào trứng rùa, ấp trứng, thả rùa con về biển, ...

Rùa rất nhạy cảm với ánh sáng của đèn, nên tất cả hoạt động đều phải thực hiện trong bóng tối. Không quá khó khăn để những kẻ không chuyên như chúng tôi bắt đầu làm quen với công việc bảo tồn rùa này.

Những đêm nước lớn rùa lên nhiều, chúng tôi phải chạy hùng hục từ đầu bãi này sang đầu bãi kia để kiểm soát lượng rùa lên đẻ trứng. Việc làm này luôn phải thực hiện hết sức cẩn trọng để đảm bảo không bỏ sót một ổ rùa nào. Sau khi rùa đẻ trứng xong, việc của tình nguyện viên chúng tôi là đào cát, "thu hoạch" trứng rùa và di dời về hồ ấp trứng. Tất cả số lượng trứng sẽ được ghi chép cẩn thận theo ngày để theo dõi tỉ lệ nở.

Ái Cơ, sinh viên năm 4 Trường ĐH - KHXH & NV, chia sẻ: "Đây là lần đầu tiên mình được tham gia chương trình bảo tồn rùa biển của tổ chức IUCN. Cảm giác lần đầu được mắt thấy, tai nghe và nâng niu từng quả trứng rùa trên tay thực sự rất kỳ diệu.

Với mình, đây không đơn thuần chỉ là một hoạt động tình nguyện, mà thực sự là một chuyến đi truyền cảm hứng, giúp kết nối những con người từ mọi độ tuổi, công việc, vùng miền có chung lý tưởng bảo vệ môi trường lại với nhau".

Xúc động ngày tình nguyện đỡ đẻ cho rùa biển Côn Đảo - Ảnh 2.

Tình nguyện viên san lấp các ổ rùa đẻ từ đêm hôm trước - Ảnh: DUY HIẾU

Với nhiều năm kinh nghiệm trong việc "đi rùa", anh Thắng, kiểm lâm viên, chia sẻ: "Việc di dời trứng rùa về hồ ấp là hết sức cần thiết để bảo vệ trứng không bị các loài thiên địch như kỳ nhông, rắn... và quy tặc tấn công. Rùa lên càng nhiều thì công việc của anh em kiểm lâm càng nặng. Vào những tháng cao điểm rùa lên đẻ, chúng tôi thức trắng cả tuần là bình thường".

Buổi sáng thường là lúc thả rùa con về biển sau 50 - 55 ngày trong hồ ấp. Đó là một cảnh tượng rất tuyệt vời khi nhìn thấy từng chú rùa con tràn trề sức sống hăm hở lao mình về phía đại dương mênh mông.

Đây là một trong những công việc cực kỳ quan trọng của anh em kiểm lâm, vì nếu để cho các ổ trứng nở tự nhiên, tỉ lệ trứng nở chỉ tầm 27 - 30%.

Xúc động ngày tình nguyện đỡ đẻ cho rùa biển Côn Đảo - Ảnh 3.

Tình nguyện viên nhặt rác ở các bãi đá trong khu vực vườn quốc gia - Ảnh: DUY HIẾU

Nhức nhối tình trạng rác thải

Côn Đảo được biết là một trong những hòn đảo đẹp nhất Việt Nam, những bờ biển sạch đẹp trải dài và hệ sinh thái rừng nguyên sinh bền vững. Tuy nhiên trong những năm gần đây, rác thải, nhất là rác thải nhựa là một trong những vấn đề nan giải không chỉ của các cấp chính quyền, mà còn là sự lo lắng lớn của các trạm cứu hộ rùa biển.

Công việc tình nguyện viên bảo tồn rùa biển không chỉ làm việc đỡ đẻ rùa Côn Đảo, mà còn là cuộc chiến với các bãi rác.

Số lượng rác thải trên trạm kiểm lâm và các hòn nhỏ xung quanh đảo thải không đáng kể. Điều đáng quan tâm hơn là tất cả các thể loại rác thải nhựa như giày dép, bàn chải đánh răng, chai nhựa, lưới đánh bắt,… đều có thể được tìm thấy ở đây.

Rác từ đại dương, rác từ việc vứt xuống biển bừa bãi của ngư dân tạo thành những bãi rác tấp vào bờ. Việc này ảnh hưởng rất nhiều trong công tác vệ sinh môi trường, rác mắc kẹt vào trong các bãi đá rất khó để moi lên. Vào buổi chiều, chúng tôi sẽ được tập hợp đến các bãi đá có rác tấp vào để dọn dẹp.

Xúc động ngày tình nguyện đỡ đẻ cho rùa biển Côn Đảo - Ảnh 4.

Đốt rác là biện pháp duy nhất tạm thời - Ảnh: DUY HIẾU

Việc xử lý rác thải vẫn còn là một bài toán lớn vì chi phí vận chuyển rác thải về đất liền rất tốn kém. Hiện tại biện pháp duy nhất để xử lý rác thải nhựa không phân hủy là đốt. Đây không phải là biện pháp tốt nhất, nhưng hiện tại là biện pháp phù hợp nhất ở đảo.

Hòn Bảy Cạnh (thuộc Vườn Quốc Gia Côn Đảo) là nơi có rùa lên bờ đẻ trứng nhiều nhất ở Việt Nam, việc này ảnh hưởng khá nhiều đến quá trình phát triển của rùa con. Khi rác trôi dạt trên biển và lẫn vào các đám rong rêu và bãi san hô, rùa mẹ và rùa con sẽ tưởng những túi nilông là thức ăn, ăn vào và không thể tiêu hóa được.

Vào tháng 7 và 8 là mùa rùa biển sinh sản, cao điểm hằng đêm có đến 10-12 con lên đẻ trứng. Kể từ năm 2015, tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) nỗ lực tuyển chọn tình nguyện viên từ khắp nơi có cơ hội được tham gia công việc bảo tồn rùa biển, và trở thành đội hộ sinh của rùa biển tại nơi đây.

Công việc của tình nguyện viên không chỉ hỗ trợ trong việc đỡ đẻ rùa, mà còn phối hợp nhiều hoạt động khác như san lấp các ổ rùa đẻ để chuẩn bị cho đêm tiếp theo, dọn dẹp các ổ ấp trứng, dọn rác ở các bãi biển rùa lên đẻ và nhặt rác vào buổi chiều ở các bãi đá.

Xúc động ngày tình nguyện đỡ đẻ cho rùa biển Côn Đảo - Ảnh 6.

Tình nguyện viên và anh em kiểm lâm hòn Bảy Cạnh - Ảnh: DUY HIẾU

Những người 'đỡ đẻ' cho rùa biển Những người "đỡ đẻ" cho rùa biển

TT - Cần mẫn, kiên trì, tỉ mỉ, chăm chút, những “bà đỡ” của rùa biển đang làm nhiệm vụ hồi sinh, nảy nở loài động vật nằm trong “sách đỏ”.

HOÀNG HUY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên