27/08/2023 11:12 GMT+7

Xuất khẩu trái cây tăng ngoạn mục

Tám tháng đầu năm nay, xuất khẩu rau quả ước đạt 3,5 tỉ USD, tăng gần 56% so với cùng kỳ 2022 và là mức cao kỷ lục từ trước tới nay.

Nhà vườn thắng lớn nhờ giá sầu riêng năm nay ở mức cao - Ảnh: N.TRÍ

Nhà vườn thắng lớn nhờ giá sầu riêng năm nay ở mức cao - Ảnh: N.TRÍ

Trong đó, sầu riêng chiếm 30% tổng kim ngạch, tiếp tục dẫn dắt ngành hàng này hướng mốc xuất khẩu hơn 5 tỉ USD trong năm nay.

Xuất khẩu sầu riêng có thể vượt qua Thái Lan?

Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, dự đoán cả năm nay xuất khẩu sầu riêng Việt Nam có thể đạt mốc 1,5 tỉ USD, cao nhất từ trước đến nay. Dù vậy, dư địa để xuất khẩu loại trái cây này vẫn còn nhiều khi sáu tháng đầu năm 2023, Thái Lan xuất qua Trung Quốc khoảng 660.000 tấn sầu riêng, trong khi Việt Nam chỉ khoảng 186.000 tấn.

Lý do có sự chênh lệch này, ông Đặng Phúc Nguyên - tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam - giải thích ngoài diện tích lớn hơn, Thái Lan đang có hàng nghìn mã vùng trồng và đóng gói, trong khi Việt Nam mới chỉ có vài trăm mã. Tuy vậy, ông Nguyên cho rằng giá trị xuất sầu riêng Việt Nam sẽ tăng mạnh nếu có các giải pháp tốt.

"Điều cần thiết thời điểm này là phải sớm tìm ra giải pháp để tăng cấp mã vùng trồng, đóng gói cho sầu riêng, bởi sang năm nguồn cung sầu riêng Việt Nam sẽ tăng 10 - 20%", ông Nguyên nói.

Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, hiện Việt Nam trồng khoảng 110.000ha sầu riêng nhưng chỉ khoảng phân nửa có trái với sản lượng 850.000 - 900.000 tấn/năm, chỉ phân nửa sản lượng được xuất khẩu (chủ yếu đi Trung Quốc), còn lại chủ yếu do thiếu chất lượng, thiếu mã số vùng trồng nên không xuất được.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, giám đốc một doanh nghiệp xuất khẩu rau quả phía Nam cho rằng dư địa cho xuất khẩu sầu riêng đi Trung Quốc còn rất lớn, giá xuất có thể ở mức ổn định trong nhiều năm tới nhờ Việt Nam có nghị định thư cho loại quả này. Do đó, nếu khai thác tốt thế mạnh, đảm bảo yêu cầu chất lượng, giá trị xuất khẩu sầu riêng năm 2025 có thể đạt 2,5 - 3 tỉ USD.

Cùng với sầu riêng, mít và dừa sẽ là nhóm ba mặt hàng chính góp phần nâng cao giá trị xuất khẩu, khả năng giá trị xuất khẩu rau quả năm nay có thể đạt 6 tỉ USD nếu thuận lợi.

Quan trọng là chất lượng

Trao đổi với Tuổi Trẻ, bà Nguyễn Tường Vy - giám đốc Công ty XNK Chánh Thu (Bến Tre) - cho biết giá trị xuất khẩu tăng mạnh phần lớn do thị trường Trung Quốc tăng nhập, đặc biệt về lượng và giá xuất của sầu riêng Việt Nam.

Tuy vậy, theo bà Vy, muốn khai thác tốt thị trường Trung Quốc, chúng ta không thể chọn cách sản xuất "ăn xổi ở thì" như trước, mà bắt buộc phải tăng cường tính liên kết, đặc biệt đề cao hơn nữa vai trò của người nông dân - chủ thể trong sản xuất.

Đại diện một doanh nghiệp xuất khẩu trái cây tại TP.HCM cho rằng các vấn đề liên quan, các vi phạm trong mã vùng trồng, đóng gói đang là thách thức, đặc biệt là sầu riêng. Theo vị này, nhiều cơ sở sau thời gian được cấp mã số vùng trồng, đóng gói đã không duy trì chất lượng, dẫn đến việc vi phạm, thậm chí có hiện tượng làm giả, mua bán mã vùng trồng, đóng gói...

Theo nhiều doanh nghiệp, đơn vị đã được cấp mã số vùng trồng, đóng gói cần phải nghiêm túc thực hiện. Bởi nếu bị thu hồi mã, việc xin đánh giá cấp lại có thể kéo dài đến vài năm, gây thiệt hại kinh tế cho người sản xuất, ảnh hưởng tới hoạt động xuất khẩu.

Trung Quốc tăng cường kiểm tra trái cây Việt NamTrung Quốc tăng cường kiểm tra trái cây Việt Nam

Cơ quan chức năng Trung Quốc đã gửi thông báo cho Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, cảnh báo nhiều lô trái cây từ Việt Nam phát hiện dịch hại. Đồng thời họ cũng sẽ kiểm tra vùng trồng và cơ sở đóng gói dừa tươi của Việt Nam vào tháng 8 tới.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên