06/08/2022 12:20 GMT+7

Xuất khẩu gỗ và lâm sản giảm tốc do lạm phát ở Mỹ, châu Âu

CHÍ TUỆ
CHÍ TUỆ

TTO - Tháng 6 và 7-2022, xuất khẩu gỗ và lâm sản liên tiếp sụt giảm về giá trị xuất khẩu. Dự báo các tháng cuối năm, xuất khẩu gỗ sụt giảm mạnh doanh thu và đơn hàng tại thị trường lớn nhất Mỹ, EU, Anh... do lạm phát dẫn tới nhu cầu tiêu dùng giảm.

Xuất khẩu gỗ và lâm sản giảm tốc do lạm phát ở Mỹ, châu Âu - Ảnh 1.

Sản xuất tại một doanh nghiệp đồ gỗ ở Bình Dương - Ảnh: BÁ SƠN

Theo Tổng cục Lâm nghiệp, giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản tháng 7 ước đạt 1,41 tỉ USD, giảm 5,5% so với tháng 6 năm 2022 và giảm 1,6% so với cùng kỳ năm 2021. Đây là tháng thứ 2 xuất khẩu gỗ và lâm sản giảm tốc.

Lũy kế 7 tháng năm 2022, giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản 7 tháng đầu năm 2022 ước đạt 10,42 tỉ USD, tăng 1,3% nhưng giá trị xuất khẩu sản phẩm gỗ lại giảm 6,9% so với cùng kỳ năm trước.

Tăng trưởng xuất khẩu 7 tháng đầu năm đạt thấp so với cùng kỳ năm 2021 và những năm trước đó là do giá nguyên liệu sản xuất và sản phẩm tăng cao. Các quốc gia thắt chặt chính sách tín dụng do lạm phát có xu hướng tăng dẫn đến nhu cầu tiêu dùng giảm mạnh.

7 tháng đầu năm, xuất khẩu gỗ sang các thị trường như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc tăng hơn 10%. Tuy nhiên, thị trường xuất khẩu gỗ lớn nhất của Việt Nam là Mỹ lại giảm, chỉ đạt 5,84 tỉ USD, giảm 4,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Nguyên nhân do chính sách thắt chặt tín dụng để kìm hãm lạm phát tăng dẫn đến nhu cầu tiêu dùng giảm.

Ông Nguyễn Văn Diện - vụ trưởng Vụ Phát triển sản xuất lâm nghiệp (Tổng cục Lâm nghiệp) - cho biết hiện ngành lâm nghiệp đang phải đối diện với khó khăn kép khi Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã khởi xướng điều tra xem xét tủ gỗ nhập khẩu từ Việt Nam, đây cũng là nguyên nhân khiến các đơn hàng xuất khẩu giảm tốc.

Trong khảo sát nhanh đối với 52 doanh nghiệp ngành gỗ do các hiệp hội và nhóm nghiên cứu của các hiệp hội gỗ phối hợp với tổ chức Forest Trends thực hiện, trong 45 doanh nghiệp hiện xuất khẩu đi Mỹ, có 33 doanh nghiệp thông báo doanh thu hiện tại đã giảm gần 40% so với các tháng đầu năm.

Chỉ có 10 doanh nghiệp nói doanh thu tăng so với các tháng trước đó, tuy nhiên mức tăng rất nhỏ (11%).

Xu thế tương tự đối với thị trường EU. Cụ thể, trong số 38 doanh nghiệp tham gia thị trường này, có tới 24 doanh nghiệp giảm trên 41% doanh thu so với các tháng trước đó. Chỉ có 4 doanh nghiệp cho hay nguồn thu tăng, ở mức 14%.

Tại thị trường Anh, trong 25 doanh nghiệp tham gia thị trường này thì 17 doanh nghiệp thông báo có nguồn thu giảm, ở mức trên 41%. Khoảng 71% doanh nghiệp dự kiến tình hình đơn hàng từ nay đến cuối năm sẽ tiếp tục giảm.

Ông Đỗ Xuân Lập - chủ tịch Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam - cho biết theo đánh giá của các doanh nghiệp, với tình hình thị trường như hiện nay, 44% doanh nghiệp cho rằng nguồn thu của doanh nghiệp sẽ giảm khoảng 44% trong cả năm 2022.

"Các con số cho thấy thị trường xuất khẩu gỗ từ nay đến cuối năm sẽ là một bức tranh ảm đạm" - ông nói và thông tin thêm: các thị trường chính xuất khẩu gỗ của Việt Nam như Mỹ, châu Âu, Anh đang lạm phát và trải qua sự sụt giảm về nhu cầu rất lớn, điều này hiện đang tác động trực tiếp tới hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp.

Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam kiến nghị các ngân hàng có chính sách ưu đãi để các doanh nghiệp ngành gỗ vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay. Cụ thể, đề nghị giãn nợ, giảm lãi suất; gia hạn các khoản vay đến hạn, cho vay tồn kho, tín chấp, tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi.

Đồng thời, đề nghị Bộ Tài chính có chính sách về thuế, phí để hỗ trợ doanh nghiệp ngành gỗ như giảm, chậm thu thuế thu nhập doanh nghiệp, giảm tiền thuê đất, hoàn thuế giá trị gia tăng nhanh nhất nhằm trả vốn cho doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Quốc Trị - tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp - cho rằng thị trường xuất khẩu gỗ từ nay đến cuối năm còn nhiều biến động, đặc biệt là thị trường Mỹ. Do đó, Tổng cục Lâm nghiệp khuyến nghị các doanh nghiệp bên cạnh các thị trường truyền thống thì cần linh hoạt đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa sản phẩm.

"Với những khó khăn cả về thị trường đầu ra và nguồn nguyên liệu đầu vào, cũng như chi phí logistics, vận chuyển… dự báo xuất khẩu gỗ và lâm sản cả năm 2022 sẽ đạt khoảng 16,3 tỉ USD" - ông Trị nói.

Để đạt mục tiêu này, ông Trị cho hay Tổng cục Lâm nghiệp sẽ chủ động họp bàn với các hiệp hội và các doanh nghiệp để một mặt vẫn chủ động đáp ứng các hợp đồng đã ký; một mặt mở rộng, đa dạng hóa các thị trường xuất khẩu; mặt khác sẽ bám sát, xây dựng kịch bản điều hành về xuất, nhập khẩu lâm sản đảm bảo chỉ tiêu kế hoạch xuất khẩu năm 2022.

Đồ gỗ, nông sản xuất khẩu từ Việt Nam vào Peru hưởng thuế suất 0% Đồ gỗ, nông sản xuất khẩu từ Việt Nam vào Peru hưởng thuế suất 0%

TTO - Đồ gỗ ngoại thất, hạt điều, chè, hạt tiêu, rau củ quả, một số loại cà phê xuất khẩu từ Việt Nam có thuế suất về 0% ngay khi Peru chính thức phê chuẩn gia nhập Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

CHÍ TUỆ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên