14/07/2013 05:31 GMT+7

Xử nghiêm sai phạm trong quản lý xây dựng

QUỐC THANH
QUỐC THANH

TT - Sau ba ngày rưỡi làm việc, sáng 13-7 kỳ họp thứ 10 HĐND TP.HCM họp phiên bế mạc. Tại phiên họp này, HĐND TP thông qua 14 nghị quyết ở các lĩnh vực.

Tăng học phí, thu phí qua cầu Bình Triệu

3JCoVNjp.jpgPhóng to
Các đại biểu HĐND TP.HCM biểu quyết thông qua nghị quyết nhiệm vụ trọng tâm về kinh tế - xã hội TP sáu tháng cuối năm 2013 sáng 13-7 - Ảnh: Minh Đức

Ngoài nghị quyết chung về nhiệm vụ kinh tế - xã hội sáu tháng cuối năm, các đại biểu của nhân dân TP đã biểu quyết thống nhất tăng học phí từ đầu năm học mới 2013-2014 và tiếp tục tăng lên một mức cao hơn ở năm học tiếp theo 2014-2015, đồng ý cho thu phí sử dụng dịch vụ đường bộ đối với ôtô, xe tải... qua cầu Bình Triệu 1 (hướng TP.HCM đi Bình Dương theo quốc lộ 13) từ ngày 1-8...

Phát biểu tại phiên bế mạc, Chủ tịch UBND TP Lê Hoàng Quân thể hiện quyết tâm thực hiện tám nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm từ nay đến cuối năm để có thể đạt được kết quả cao nhất trong thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội của năm. TP phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng GDP cả năm từ 9,5% trở lên (sáu tháng đầu năm đạt 7,9%).

Xử lý mạnh tệ nạn xã hội

Ông Quân thừa nhận: kinh tế còn nhiều khó khăn, hồi phục chậm, số doanh nghiệp vừa và nhỏ tạm ngưng hoạt động còn nhiều, hàng tồn kho lớn, nợ xấu còn cao... Đời sống nhân dân còn gặp nhiều khó khăn, nhất là người lao động có thu nhập thấp. Vệ sinh an toàn thực phẩm chưa đạt yêu cầu đề ra. Tệ nạn xã hội ở một số địa bàn phức tạp, gây bức xúc xã hội và lo lắng trong nhân dân... Ông Quân nói: “Với trách nhiệm, vai trò quản lý, điều hành, thay mặt UBND TP và với trách nhiệm người đứng đầu, tôi xin chịu trách nhiệm về những thiếu sót, khuyết điểm chậm khắc phục”.

Lưu ý biểu hiện quản lý địa bàn không sát

Cũng tại phiên bế mạc sáng 13-7, HĐND TP đã thông qua nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 10, trong đó lưu ý UBND TP cần tập trung chỉ đạo giải quyết các biểu hiện quản lý địa bàn không sát, để xảy ra một số hiện tượng tiêu cực trong xây dựng, tệ nạn xã hội làm cử tri bức xúc, đại biểu nêu lên nhiều chất vấn, trong khi xử lý trách nhiệm người đứng đầu chưa nghiêm...

HĐND TP cũng thông qua đề án “Nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của HĐND TP trong điều kiện thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường” với một số yêu cầu như mở rộng và tăng số lượng người trực tiếp dự các kỳ họp: cử tri, đại diện các thành phần kinh tế - xã hội...; các tổ đại biểu tiếp công dân tại khu vực ứng cử ít nhất một tháng một lần...

Đề cập việc xử lý các vi phạm xây dựng đã được chất vấn tại kỳ họp, Chủ tịch UBND TP Lê Hoàng Quân cho biết TP đã chọn huyện Bình Chánh là trọng điểm xử lý tình trạng xây dựng trái phép. Trên 500 căn nhà xây dựng trái phép ở huyện này thời gian qua, đến nay đã giải tỏa được trên 250 căn và đang tiếp tục xử lý. Đặc biệt, tại bốn xã thuộc huyện Bình Chánh có nhiều nhà xây dựng trái phép đã yêu cầu kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm quản lý. “Không thể nói không có thanh tra xây dựng, không có lực lượng chuyên trách mà để xảy ra các vi phạm. Nếu không có thẩm quyền xử lý thì phải báo ngay thanh tra xây dựng” - ông Quân nhấn mạnh. Do vậy phải làm rõ trách nhiệm đến đâu, trách nhiệm điều hành và trách nhiệm cá nhân.

Trong khi đó, xử lý các tệ nạn xã hội mà “điểm nóng” ở quận Bình Thạnh, ông Quân cho biết đã yêu cầu quận này phải xử lý kiên quyết. Quận báo cáo đã xem xét xử lý trách nhiệm, kỷ luật tám tổ chức và 44 cá nhân. “Không bao che, dung túng cho các thiếu sót này” - ông Quân nói.

Tăng học phí từ tháng 9-2013

Với sự tán thành của các đại biểu HĐND TP, bắt đầu từ năm học mới 2013-2014, hàng trăm nghìn học sinh ở sáu cấp học tại các trường công lập TP (trừ tiểu học không thu) sẽ đóng học phí với mức mới tăng khá cao so với mức đang áp dụng đã ban hành từ năm 1998. Đồng thời năm học tiếp theo 2014-2015 học phí sẽ tăng thêm cao hơn. Đây là lộ trình tăng học phí theo nghị định 49 (năm 2010) của Chính phủ.

Mức học phí mới có phân biệt giữa các quận (nội thành) và các huyện Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi, Nhà Bè, Cần Giờ (ngoại thành). Theo đó, mức thu học phí dành cho học sinh ở các huyện thấp hơn khá nhiều so với mức thu áp dụng ở các quận.

Các mức học phí áp dụng ở khu vực nội thành năm học 2013-2014 tăng gấp ba lần so với mức đang áp dụng rơi vào các cấp học: nhà trẻ, mẫu giáo, bổ túc trung học cơ sở, trung học phổ thông; cấp trung học cơ sở tăng gấp năm lần và bổ túc trung học phổ thông tăng gấp hai lần. Cũng ở năm học này, mức học phí mới áp dụng cho các huyện tăng gấp ba lần ở cấp học nhà trẻ, mẫu giáo, trung học phổ thông; trung học cơ sở tăng gấp sáu lần, bổ túc trung học cơ sở tăng hơn 2,5 lần và bổ túc trung học phổ thông tăng khoảng 2,4 lần.

Nếu lấy mức học phí mới sẽ áp dụng cho năm học 2014-2015 so với mức đang áp dụng thì có ba cấp học (nhà trẻ, mẫu giáo, trung học phổ thông ở nội thành) tăng học phí gấp bốn lần; trung học cơ sở tăng gấp bảy lần; bổ túc trung học cơ sở và bổ túc trung học phổ thông tăng khoảng ba lần.

Ngoài ra, với sự tán thành của đa số đại biểu, từ ngày 1-8 các loại ôtô, xe tải... đi qua cầu Bình Triệu 1 (cầu cũ) - tức hướng từ TP.HCM đi Bình Dương theo quốc lộ 13 - sẽ phải trả phí tại trạm thu ngay dưới chân cầu. Các mức thu bằng với mức giá thu phí đường bộ được quy định tại thông tư 90 (năm 2004) của Bộ Tài chính. Tuy nhiên, có một ý kiến không đồng tình với việc thu phí qua cầu này từ thảo luận tại tổ đến phiên thảo luận ở hội trường của đại biểu Huỳnh Quốc Cường (phó chánh Thanh tra TP). Ông cho rằng việc thu phí này không phù hợp, rất vô lý. Ông Cường cũng là người duy nhất không giơ tay biểu quyết việc thu phí. Trao đổi vấn đề này, Phó chủ tịch UBND TP Nguyễn Hữu Tín nói trước khi trình HĐND TP xem xét đã rà soát rất chặt chẽ các căn cứ pháp lý để đề xuất thu phí.

Ngày 13-7, HĐND tỉnh Hà Tĩnh công bố kết quả lấy phiếu tín nhiệm đối với 15 chức danh do HĐND tỉnh bầu và tổ chức phiên chất vấn trực tiếp.

Kết quả, ông Nguyễn Thanh Bình - bí thư Tỉnh ủy, chủ tịch HĐND tỉnh Hà Tĩnh - có nhiều phiếu tín nhiệm cao nhất với 48 phiếu (90,6%), 1 phiếu tín nhiệm (1,9%), 1 phiếu tín nhiệm thấp (1,9%). Người có phiếu tín nhiệm cao thứ hai là ông Võ Kim Cự, chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh, với 43 phiếu tín nhiệm cao, 4 phiếu tín nhiệm, 3 phiếu tín nhiệm thấp.

Người có phiếu tín nhiệm thấp nhiều nhất là ông Đặng Ngọc Sơn, giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Hà Tĩnh, với 12 phiếu tín nhiệm thấp (22,6%), 10 phiếu tín nhiệm cao (18,9%), 27 phiếu tín nhiệm (50%), 1 phiếu không hợp lệ.

HĐND tỉnh Hà Tĩnh đã thông báo kết quả bầu cử bổ sung chức danh phó chủ tịch tỉnh. Ông Đặng Quốc Khánh - bí thư huyện Nghi Xuân - trúng cử vào chức danh này.

QUỐC THANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên