Đại đức Thích Tâm Vượng cho biết sư Toàn đang đi vắng, hẹn 20 âm lịch mới về - Ảnh: Ban truyền thông Giáo hội Phật giáo Vĩnh Phúc
Đại đức Thích Tâm Vượng - phó Ban trị sự kiêm chánh thư ký Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Vĩnh Phúc - chia sẻ với Tuổi Trẻ Online sáng nay 10-10 về những cái khó mà Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Vĩnh Phúc đang phải đối mặt để giải quyết khối tài sản của sư Thích Thanh Toàn sau khi ông này xin xả giới hoàn tục, giữ lại tài sản cá nhân.
Tài sản đó có thật hay không?
Đại đức Thích Tâm Vượng cho biết Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Vĩnh Phúc vừa nhận được công văn của Hội đồng trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, trong đó có 2 nội dung chính:
- Giao cho Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Vĩnh Phúc xác minh nguồn gốc tài sản.
- Căn cứ vào Hiến chương Giáo hội, căn cứ vào Nội quy ban Tăng sự trung ương, tất cả các vị tì kheo quản lý tài sản gì thì tài sản đó đều là của giáo hội. Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Vĩnh Phúc khi giải quyết trường hợp sư Thích Thanh Toàn cần tuân theo nguyên tắc này.
Đại đức Thích Tâm Vượng cho biết Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Vĩnh Phúc sẽ tuân thủ theo chỉ đạo của Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam; nhưng trước tiên phải xác định được cụ thể hiện trạng của tài sản, tính pháp lý của tài sản đó hiện nay thế nào, tài sản đó có thật hay không, làm rõ giá trị 300 tỉ có thật hay không.
"Ví dụ như đất đó thầy Toàn mua của dân và vẫn còn đang nợ tiền của dân thì chả nhẽ tự dưng giờ Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Vĩnh Phúc lại ôm cái số nợ đó cho thầy Toàn à?", đại đức Thích Tâm Vượng phân tích.
Đại đức Thích Tâm Vượng cho biết mặc dù dư luận hiện rất nóng về chuyện tài sản của sư Toàn nhưng vẫn phải đợi sư Toàn về mới giải quyết được: "Phiên họp hôm 5-10 vừa rồi thầy Toàn có xin phép thầy đi vắng, đến ngoài 20 âm lịch thầy mới về."
Theo vị đại đức, chỉ khi giữa chính quyền - các hộ gia đình và sư Toàn đã giải quyết sòng phẳng rồi và tài sản đó đứng tên sở hữu là đại đức Thích Thanh Toàn thì tài sản đó đương nhiên là của giáo hội và Giáo hội Vĩnh Phúc sẽ tiếp nhận.
Nhưng nếu tài sản đó mang tên chủ sở hữu là Lê Hữu Long (thế danh của sư Thích Thanh Toàn) thì Giáo hội Vĩnh Phúc phải xin ý kiến của Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
"Nếu Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam nói rằng tất cả các vị tì kheo mà quản lý tài sản đứng tên các tì kheo hoặc đứng tên ngoài đời đều là tài sản của giáo hội và Trung ương Giáo hội có công văn đề nghị chúng tôi tiếp nhận tài sản mang tên Lê Hữu Long thì lúc đó chúng tôi mới dám quản lý tài sản ấy. Chứ pháp luật quy định công dân có quyền sở hữu tài sản. Phải bám theo pháp luật chứ không thì rất khó xử lý", đại đức Thích Tâm Vượng chia sẻ.
Ngoài luật pháp, sư Toàn phải tuân thủ nội quy của giáo hội
Về câu chuyện xử lý khối tài sản mà sư Thích Thanh Toàn xin được giữ lại, chia sẻ với Tuổi Trẻ Online sáng 10-10, luật sư Châu Huy Quang (Hãng luật R&T LCT tại TP. HCM) cho biết: ngoài việc tuân thủ pháp luật thì sư Toàn còn phải chấp hành nội quy của giáo hội.
Ông phân tích quy định tại điều 56 Luật tín ngưỡng tôn giáo (2016), tài sản của tổ chức tôn giáo bao gồm cả các tài sản được cá nhân tổ chức quyên góp, tặng cho.
Đối với tài sản là đất đai thì thực hiện theo quy định pháp luật có liên quan. Theo đó, điều 159 Luật đất đai quy định rõ rằng việc giao đất cho cơ sở tôn giáo phải thông qua quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được phê duyệt của cơ quan chức năng của địa phương.
Như vậy, cần phải hiểu rằng việc hiến tặng đất cho cơ sở tôn giáo là trường hợp đặc biệt, theo đó cơ sở tôn giáo phải thực hiện thủ tục xin phê duyệt phương án mở rộng và người hiến tặng phải hoàn trả đất cho nhà nước.
Cụ thể đối với trường hợp sư Toàn, mấu chốt là cần xác định rõ nguồn gốc hình thành tài sản trước thời điểm ông này hoàn tục là từ đâu.
Trường hợp tài sản được xác lập trong thời điểm sư Toàn trụ trì chùa Nga Hoàng thì cũng cần xem xét thêm các quy định về Nội quy tăng sự và Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam để xử lý.
Khoản 3 - điều 29 Nội quy ban Tăng sự quy định: "Các tài sản tự viện do cá nhân trụ trì đứng tên theo giấy khai sinh sau khi được Giáo hội bổ nhiệm trụ trì, những tài sản đó thuộc tài sản của tự viện".
Luật sư Châu Huy Quang kết luận, với tư cách là người từng là chức sắc tôn giáo được Giáo hội Phật giáo Việt Nam bổ nhiệm, ngoài nghĩa vụ tuân thủ luật đất đai, các luật lệ liên quan, sư Toàn phải có nghĩa vụ tuân thủ và ràng buộc bởi các quy định nội bộ của giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Nhìn chung, trong trường hợp các tài sản đứng tên sư Toàn được xác lập trong thời kỳ ông này trụ trì chùa Nga Hoàng mà không thể chứng minh là tài sản cá nhân của ông, không chứng minh được khối tài sản này hình thành không liên quan đến chức sắc do ông đảm trách, không liên quan đến đóng góp cúng dường của phật tử tăng ni, thì Giáo hội phật giáo Việt Nam có quyền yêu cầu sư Toàn hoàn trả theo quy định nội quy Tăng sự và Hiến chương Giáo hội Phật giáo.
Trường hợp có tranh chấp phát sinh giữa xác định tài sản cá nhân sư Toàn hay tài sản thuộc sở hữu của giáo hội thì vụ việc cũng có thể giải quyết bởi cơ quan tòa án tương tự các vụ tranh chấp dân sự khác.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận