Xin tồn tại công trình xây dựng nhà ở trái phép
Ngăn chặn xây dựng trái phép trong sân golf Phan Thiết
Công trình xây dựng sai thiết kế trong một dự án nhà ở tại P.Thảo Điền, Q.2, TP.HCM chưa được xử lý - Ảnh: Ngọc Hà |
Ông T. xây nhà trong khu đô thị Phú Mỹ Hưng, Q.7 từ năm 2008. Khi xây dựng, chủ đầu tư dự án đã duyệt bản vẽ kiến trúc, hệ thống điện, cấp nước... cho căn nhà này. Sau khi xây xong, ông T. làm thủ tục hoàn công thì cơ quan chức năng cho biết nhà ông xây dựng cao hơn nhà mẫu và UBND TP xử phạt, buộc phải tháo dỡ phần mái ở tầng trên cùng. Ông T. tháo dỡ phần mái ở sân thượng, hạ độ cao và tiếp tục làm hồ sơ xin hoàn công.
Nhiều người dân bị vướng
Sau đó ông T. nộp hồ sơ xin hoàn công hai lần nữa và cả hai lần đều bị UBND Q.7 trả hồ sơ. Lúc đầu UBND Q.7 cho biết chưa có thông tư hướng dẫn của Bộ Xây dựng về việc nộp 40% giá trị phần xây dựng sai phép cho Nhà nước (theo nghị định 121 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực xây dựng). Sau đó, UBND Q.7 cho biết đã có hướng dẫn của Bộ Xây dựng nhưng thông tư chưa có hiệu lực. Đến nay ông T. được biết thông tư trên đã có hiệu lực nhưng cơ quan chức năng chưa thể tính giá trị phần xây dựng sai phép vào thời điểm nào, năm 2008 (năm xây nhà) hay năm 2014 (năm phát hiện vi phạm). Hiện ông T. muốn bán nhà hoặc thế chấp ngân hàng để vay tiền đóng học phí cho hai con đang học ở nước ngoài nhưng vẫn chưa được cấp giấy chủ quyền nhà.
Tương tự, bà M. xây một căn nhà không phép trên đường Tôn Thất Thuyết, P.3, Q.4 cũng bị UBND quận ngưng giải quyết cấp giấy chủ quyền nhà vì chưa có hướng dẫn tính 40% giá trị xây dựng vi phạm để nộp lại cho Nhà nước. Theo Phòng Tài nguyên - môi trường Q.4, hiện có khoảng 20 hồ sơ cấp giấy chủ quyền nhà, đất của người dân chưa thể giải quyết vì chưa xử lý được phần nhà xây trái phép.
Tại Q.1, riêng P.Tân Định hiện có trên 70 trường hợp phải xử lý vi phạm xây dựng trước khi cấp giấy chủ quyền nhà, đất cho dân. P.Đa Kao cũng có khoảng 25 hồ sơ phải xử lý vi phạm xây dựng liên quan đến diện tích sai phép mà chủ đầu tư phải đóng tiền trước khi xử lý.
Theo cơ quan chức năng, ngoài trường hợp các công trình, nhà riêng lẻ xây dựng trái phép, toàn TP hiện có trên 1.200 trường hợp xây dựng sai mẫu nhà trong dự án, tập trung nhiều ở Q.7 và Q.2 (trong đó có khoảng 1.000 căn nhà ở Phú Mỹ Hưng). Sở Xây dựng TP cho biết hiện nay các quận huyện trên toàn TP đều bị vướng hồ sơ nhà, đất liên quan đến việc tính 40% giá trị phần xây dựng trái phép.
Rối với hướng dẫn
Theo Sở Xây dựng TP, thông tư 02 năm 2014 của Bộ Xây dựng có hướng dẫn tính giá trị phần xây dựng trái phép cho từng loại công trình, nhưng các địa phương vẫn không thể tính được vì cách tính chưa rõ ràng, công thức tính giá trị phần trái phép của nhà ở riêng lẻ quá rắc rối. Cụ thể với công trình kinh doanh, theo hướng dẫn thì giá trị 1m² xây dựng trái phép bằng giá 1m² theo hợp đồng đã ký. Nhưng hợp đồng đã ký là hợp đồng nào (hợp đồng cho thuê ngắn hạn, dài hạn hay hợp đồng chuyển nhượng công trình)? Còn với công trình không kinh doanh, tính giá trị phần xây dựng trái phép theo dự toán được duyệt có bao gồm giá trị thi công, tư vấn hay chỉ giá thi công?... Muốn cấp giấy chủ quyền cho tất cả trường hợp trên đều phải chờ hướng dẫn của Bộ Xây dựng về cách tính giá trị phần xây dựng trái phép. Hiện Sở Xây dựng TP.HCM đã có nhiều văn bản kiến nghị Bộ Xây dựng hướng dẫn cụ thể những thắc mắc trên để giải quyết hồ sơ cho dân.
Một lãnh đạo Thanh tra Bộ Xây dựng cho biết theo tinh thần của thông tư 02, người có thẩm quyền xử phạt sẽ quyết định giá trị phần xây dựng trái phép và chịu trách nhiệm trước pháp luật. “Tinh thần là nộp lại số lợi nhuận thu được từ việc xây sai phép. Nếu là công trình kinh doanh, chủ đầu tư xây 1m² tốn 10 đồng, bán lại được 20 đồng thì giá trị lợi nhuận thu được là 10 đồng. Chủ đầu tư phải nộp phần trăm trên 10 đồng lợi nhuận. Nếu địa phương nào có vướng mắc cách tính cụ thể này thì gửi công văn để bộ hướng dẫn” - vị lãnh đạo này nói.
Tuy nhiên theo ông Vũ Quốc Hưng - phó chủ tịch UBND P.Bến Nghé, Q.1, việc xác định giá trị phần xây dựng trái phép vẫn còn là một “ẩn số”, rất khó thực hiện nếu không có hướng dẫn rõ ràng hơn.
Các điều kiện để công trình sai phép tồn tại Khoản 9 điều 13 nghị định 121 quy định: công trình xây dựng trái phép mà phần trái phép không vi phạm chỉ giới xây dựng, không gây ảnh hưởng các công trình lân cận, không có tranh chấp, xây dựng trên đất thuộc quyền sử dụng hợp pháp thì ngoài việc bị xử phạt vi phạm hành chính còn bị buộc nộp lại số lợi nhuận bất hợp pháp có được bằng 40% giá trị phần xây dựng trái phép là nhà ở riêng lẻ và bằng 50% giá trị phần xây dựng trái phép là công trình khác. Sau khi chủ đầu tư hoàn thành việc nộp phạt thì cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng hoặc điều chỉnh giấy phép xây dựng. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận