02/05/2020 14:10 GMT+7

Xóm trọ nghèo mùa dịch: Những ngày khó khăn

CÔNG TRIỆU
CÔNG TRIỆU

TTO - Dịch bệnh hoành hành khiến rất nhiều người gặp khó khăn, người nghèo lại càng khó khăn hơn. Vào các xóm trọ nghèo, chúng tôi nghe những nỗi niềm phận người phải vật vã kiếm cơm từng ngày và cả những mỏi mong ngày mai trời lại sáng...

Xóm trọ nghèo mùa dịch: Những ngày khó khăn - Ảnh 1.

Bà Trúc và các cháu bên vệ đường - Ảnh: CÔNG TRIỆU

Đêm dần khuya. Nhóm phụ nữ và đám thanh niên, người già vẫn lúi húi bày biện hàng hóa ra chợ. Lác đác những đứa trẻ ngồi tỉa đống rau củ mà mẹ chúng vừa đưa về. 

Thi thoảng, chiếc xe thùng gầm rú kéo đến. Vài ba thương lái nhỏ nhập hàng từ chợ Bà Chiểu để đem bán nơi khác. Tất cả đang miệt mài cho phiên chợ sáng.

“Người sát người trong phòng trọ, đôi khi nóng quá phải nằm nghiêng để khoảng cách giãn ra được chút mà thở. Lâu lâu có người về quê, đi mô thì họa may mới được nằm thoải mái.

Ông TRƯƠNG NĂM

Vật vã mưu sinh

Dòng người bán buôn đổ ra chợ cũng là lúc bà Trúc kết thúc ngày làm việc. Trong bóng đêm dần qua, bà cùng năm đứa cháu đi về dãy trọ cũ tại số 94 Vũ Tùng (Q.Bình Thạnh) trong bộ dạng rũ rượi, lấm lem, đầy mỏi mệt. 

Dừng lại dưới chân cầu thang, bé út Minh Điền (13 tháng tuổi) được bà Trúc bế khỏi xe đẩy để lên phòng. Tiếng khóc ré khi bị thức giấc của Minh Điền làm lũ chuột trong dãy trọ bỏ chạy tán loạn. Có con vì không còn đường chạy đành nhảy đựng lên chân tôi tìm lối thoát...

Căn phòng trọ chật hẹp chưa đầy 10m2 nằm ngay cạnh cầu thang lầu 2 là nơi che nắng che mưa cho sáu bà cháu. Để thuê được phòng này, mỗi tháng bà Trúc đều phải trả hơn 2 triệu đồng. 

Trời tối om nhưng tôi vẫn cảm nhận rõ được sự trơ trọi, chật hẹp của căn phòng nhờ tiếng khóc của Minh Điền. 

Chỉ có duy nhất một cửa ra vào khiến căn phòng nhỏ ngột ngạt, nóng hầm lên dù trời vừa tạnh mưa. Sự oi bức lẫn mùi ôi thiu từ một ít ve chai trong phòng xộc thẳng vào mũi. Cả phòng chẳng có một món đồ nào giá trị.

Mệt mỏi, bà Trúc ngồi bệt xuống sàn rồi thở dài nhìn năm đứa trẻ nheo nhóc ở góc phòng. Chồng bà mất sớm, Mỹ Anh là một trong hai đứa con gái mà bà Trúc đứt ruột đẻ ra và cũng là mẹ của năm đứa trẻ đang lăn lóc đằng kia. 

Bà bảo ngoài Minh Điền chẳng biết cha là ai, còn Hồng Phượng (11 tuổi), Hồng Diễm (7 tuổi), Minh Hoàng (5 tuổi) và Hồng Ân (4 tuổi) đều có cha. Đó là người đàn ông lớn hơn mẹ chúng vài tuổi, đang vào trại cai nghiện vì dùng ma túy đá. Còn mẹ chúng vẫn cứ lang thang...

Thương đám cháu nhỏ nheo nhóc, bà Trúc kể có gia đình đến xin Minh Điền làm con nhưng bà không đồng ý. "Bớt một miệng ăn cũng không làm mình giàu lên, dù biết chi tiêu phần nhiều như sữa, tã, cháo... đều ở nó. Thôi có cơm ăn cơm, có cháo ăn cháo. Bỏ thì thương mà vương thì khổ. Giờ con dại thì cái phải mang thôi" - bà Trúc nghẹn giọng.

Lúc này, đám cháu cũng đã ngủ say, nhưng bà Trúc vẫn chưa ngơi tay. Vừa cặm cụi giặt đống đồ lấm lem của đám cháu, bà vừa tâm sự: "Phải giặt, phơi để lỡ mai đi bán, trời mưa ướt thì còn có cái mà thay. Đứa nào hên được người ta cho ít áo quần còn có cái mặc. Chứ như thằng Minh Hoàng chỉ có hai bộ cũ rích, thay ra là phải giặt liền". 

Mãi 2h sáng, bà Trúc mới có dịp ngả lưng, kết thúc ngày dài bán vé số mưu sinh đầy mệt mỏi...

Xóm trọ nghèo mùa dịch: Những ngày khó khăn - Ảnh 3.

Ông Trương Năm cầm trên tay mớ giấy viện, nhập viện của mình - Ảnh: CÔNG TRIỆU

Tiếng thở dài nặng trĩu

Tôi tiếp tục đến một xóm trọ khác nằm trên đường Trần Văn Kỷ (Q.Bình Thạnh) vào lúc 16h chiều một ngày cuối tháng 4. Xóm trọ rất nhỏ và nồng nặc mùi hôi rác rưởi, ve chai. 

Đi vào sâu, tôi phát hiện ra mùi hôi đó còn từ nhiều loại thức ăn thừa vương vãi, đã nổi mốc dính đầy dây xích, vành lốp của những chiếc xe đạp xích kỹ ở nhà xe. Đó là "cần câu cơm" và cũng là vật giá trị nhất của dân ve chai đang trọ tại đây.

Tôi bất ngờ khựng lại khi bị chính ông Trương Năm (64 tuổi, người gốc Huế), người đã đồng ý dẫn tôi vào xóm trọ lại chặn tôi. 

"Xin lỗi cậu. Khu trọ mới bị đứa mô lẻn vô trộm ít đồ nên bà chủ không muốn nhận thêm người. Bực thiệt, dịch giã đã không làm ra tiền còn đủ thứ chuyện. Chắc là tụi nghiện hút bí tiền nên làm liều đây mà. Khổ!" - ông Năm nói.

Đã vào Sài Gòn được hơn 30 năm nay, trước ông Năm sống bằng nghề thợ hồ nhưng mắc đủ thứ bệnh nên nay đành đi bán vé số sống qua ngày. 

Ông Năm bảo việc chọn chỗ trọ gần Bệnh viện Nhân dân Gia Định, Bệnh viện Ung bướu TP.HCM cũng là có lý do. 

Vừa nói, ông vừa móc từ túi một loạt giấy tờ khám bệnh: "U gan, sỏi gan, sỏi mật, huyết áp, dạ dày, khớp, đủ cả. Ở đây lỡ đau chi qua viện cho gần. Cuộc sống tay làm hàm nhai ni được bữa mô hay bữa nớ thôi cậu ơi".

Ở cùng ông Năm trong khu trọ này là hơn 50 người khác. Tất cả đều làm nghề bán vé số, ve chai, gom thức ăn thừa... lẫn ăn xin. Ngày tôi vào xóm trọ, ai nấy đều đã về quê hoặc tản đi khu khác sống chỉ vì... không có đủ tiền đóng trọ. 

Theo ông Năm, khu trọ này có ba phòng lớn, mỗi phòng đều có thể ở được hơn chục người, giá 40.000 đồng/người/ngày.

Trong phòng mỗi người được khoán một diện tích bằng chiếc chiếu (rộng 1,2m, dài 2m). Ngoài chăn gối, mỗi người chỉ để được rất ít đồ dùng cá nhân. 

Những chiếc chiếu với phần giữa là nơi đặt lưng đã rách tả tơi, lưa thưa còn sót vài sợi cói chưa đứt mục lại được người ở trọ ưa dùng. Chiếc chiếu vô hình chỉ để vạch ra khoảng cách giữa từng người. Và với thời tiết nóng của Sài Gòn, đặt lưng xuống nền nhà vẫn dễ chịu hơn.

Phòng quá nhỏ so với ngần ấy người khiến mùi mồ hôi, mùi ẩm mốc từ chăn chiếu, từ những bộ áo quần lâu ngày thêm nồng nặc. Có một khu bếp riêng với chừng 5 chiếc bếp gas, mà mỗi người muốn nấu phải đóng 10.000 đồng/lần...

Trời về đêm cũng là lúc ông Năm lên cơn khó thở. Dằn cơn đau, ông Năm trăn trở về các gói hỗ trợ cho những người yếu thế như mình trong đợt này. 

"Không chỉ tôi mà nhiều người khác, trong trọ có, ngoài trọ có, vì đau ốm, bữa bán bữa nghỉ nên chỉ nhận vé số từ trung gian mà không tới đại lý. Hôm rồi có lên phường hỏi nhưng người ta bảo về quê nhận. Ngặt nỗi về được thì tôi đã về, chưa kể về quê để nhận mấy trăm ngàn thì thấm mô, rồi ngoài quê ai chứng cho là mình đi bán vé số" - ông Năm chùng giọng.

Dứt lời, ông Năm khom người về phòng mình, để lại tiếng thở dài. Bệnh tật, mưu sinh khó khăn, dịch giã bủa vây xóm trọ của những phận nghèo...

2,9 triệu đồng

Đó là công thợ hồ ông Tư Hoàng kiếm được tháng 4 để nuôi 4 người.

Ở những xóm trọ trong hẻm nhỏ Tỉnh lộ 10, quận Bình Tân, tôi cũng chứng kiến rất nhiều hoàn cảnh khó khăn. Những người từ quê lên làm thợ hồ không đủ việc làm, cô bán vé số thì ế ẩm, các bà bán rau quả rong vẫn còn đầy xe hàng khi đêm về, chị bảo mẫu mấy tháng hụt lương đang đếm từng ngày được trở lại trường...

"Ai cũng khó khăn, biết bấu víu đâu bây giờ..." - ông Tư Hoàng, người thợ hồ già, trải lòng.

Cũng như nhiều người khác, ông nói rằng họ đang cố gắng kiếm từng đĩa cơm mỗi bữa. Thu nhập giảm hơn một nửa suốt mấy tháng qua, ông Hoàng chưa thể tính nổi ngày mai sẽ ra sao khi phải nuôi cha mẹ già và người vợ ốm đau ở quê nhà Kiên Giang.

MẠNH DŨNG

(Còn tiếp)

Tiếng chổi tre xào xạc đêm mùa dịch Tiếng chổi tre xào xạc đêm mùa dịch

TTO - Đêm dần buông, bóng người thưa vắng những ngày giãn cách xã hội. Đường phố chỉ còn lại bóng người quét rác cùng tiếng chổi tre xào xạc đêm dài mùa dịch.

CÔNG TRIỆU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên