15/12/2015 10:33 GMT+7

Xoay tiền làm cải lương bạc tỉ

LINH ĐOAN (linhdoan@tuoitre.com.vn)
LINH ĐOAN (linhdoan@tuoitre.com.vn)

TT - Một hãng mì gói, một hãng máy bay giá rẻ, một công ty địa ốc... tham gia tài trợ tiền cho các đoàn cải lương dựng vở theo kiểu "xã hội hóa", từ Chuyện tình Khau Vai có kinh phí khoảng 1 tỉ đồng đến Mai Hắc Đế gần 3 tỉ đồng...

Vở Chuyện tình Khau Vai - Ảnh: Nguyễn Lộc
Vở Chuyện tình Khau Vai - Ảnh: Nguyễn Lộc

Một vở cải lương được thực hiện bằng 100% kinh phí từ vận động tài trợ là một chuyện khá lạ với những đoàn cải lương phía Bắc trong nhiều năm gần đây. Nhưng vở Vua Phật vừa được đoàn 1 Nhà hát Cải lương VN công diễn là một trường hợp như vậy.

Vua Phật (tác giả: Bùi Hữu Dược, chuyển thể: Triệu Quang Vinh, đạo diễn: Triệu Trung Kiên) vừa có thêm đêm diễn ngay chân núi Yên Tử (Quảng Ninh), nhân 707 năm ngày mất của Phật hoàng Trần Nhân Tông vào ngày 9-12.

Trước đó, hai vở cũng được thực hiện xã hội hóa là Chuyện tình Khau VaiMai Hắc Đế, trong đó vở Chuyện tình Khau Vai (tác giả: Nguyễn Thế Kỷ, chuyển thể và đạo diễn: Triệu Trung Kiên) có kinh phí khoảng 1 tỉ đồng trở lên như Vua Phật, riêng Mai Hắc Đế (tác giả: Nguyễn Thế Kỷ, chuyển thể: Hoàng Song Việt, đạo diễn: Triệu Trung Kiên) gần 3 tỉ đồng.

Nguồn kinh phí này ngoài ngân sách được cấp theo quy định của Nhà nước (Chuyện tình Khau VaiMai Hắc Đế mỗi vở 500 - 600 triệu đồng), chi phí còn lại được vận động từ các cá nhân, đơn vị, doanh nghiệp...

Chi phí bao gồm dàn dựng vở diễn, vận hành vở diễn và lưu diễn những đợt đầu tiên. Tất cả vở diễn đều phục vụ khán giả miễn phí, không bán vé.

Công việc đi xin tài trợ không phải đơn giản, vì so với các loại hình giải trí khác thì sân khấu cải lương bị xem kém hấp dẫn hơn. Chúng tôi đã tìm nhiều cách văn minh và chân thành nhất để tìm đến những cá nhân và đơn vị có lòng yêu mến cải lương

Diễn viên QUANG KHẢI

Vận động tài trợ để được chơi nghệ thuật

Kinh phí Nhà nước cấp vừa đủ cho những chi phí căn bản để dựng vở. Nhưng để có điều kiện tung hoành, làm những thứ lạ lẫm trong nghệ thuật, được chơi nghệ thuật thỏa sức, các nghệ sĩ bắt đầu nghĩ đến việc đi xin tiền tài trợ...

NSƯT Triệu Trung Kiên - trưởng đoàn 1 và phó giám đốc Nhà hát Cải lương VN - hào hứng chia sẻ: “Với một tác phẩm, bên cạnh nội dung, tư tưởng, các yếu tố nghệ thuật chuyên biệt cần được chăm chút, cái đẹp trực quan làm khán giả mãn nhãn sẽ hỗ trợ tốt nội dung và tạo nên sự cộng hưởng lớn.

Chuyện tình Khau Vai (cuối năm 2013) đã biết dùng yếu tố thị giác vừa đủ. Đến Mai Hắc Đế, Vua Phật (2015) đã được nhận xét là làm choáng ngợp thị giác của khán giả, khiến họ thích thú. Xem xong vở, khán giả phấn khích với nghệ sĩ, đứng chụp hình mãi không chịu xuống. Có người lâu lâu không xem cải lương, đi xem lại họ tỏ vẻ rất bất ngờ!”.

HK Media là công ty đầu tiên đồng hành cùng với đoàn để vận động các nguồn tài trợ. HK Media là công ty do Xuân Hiếu (em trai diễn viên Quang Khải), là người không hoạt động nghệ thuật nhưng yêu mến cải lương, làm giám đốc.

Quang Khải chia sẻ: “Công việc đi xin tài trợ không phải đơn giản, vì so với các loại hình giải trí khác thì sân khấu cải lương bị xem kém hấp dẫn hơn. Chúng tôi đã tìm nhiều cách văn minh và chân thành nhất để tìm đến những cá nhân và đơn vị có lòng yêu mến cải lương.

Chúng tôi tổ chức những buổi gặp gỡ thân mật với những cá nhân, đơn vị có tiềm năng tài trợ với êkip sáng tạo vở diễn để cùng trò chuyện, trao đổi, từ đó có cái nhìn chia sẻ, cảm thông và hiểu được những trăn trở, khó khăn của anh em nghệ sĩ.

Khi hiểu rồi thì họ có thể sẽ cân nhắc để đồng hành cùng những hoạt động văn hóa ý nghĩa mà chúng tôi đang thực hiện”.

Đến nay, đoàn có những nhà tài trợ thân thiết như một hãng mì gói, một hãng máy bay giá rẻ, một công ty địa ốc... Khi Vua Phật vừa ra mắt hồi cuối tháng 11, một nhóm doanh nhân 8X chủ động bày tỏ sẽ lập trang web quảng bá và tìm kiếm nguồn kinh phí cho vở lưu diễn.

Tuy nhiên, những người thực hiện vẫn không khỏi lo lắng. Như với vở Vua Phật, dù đã ra mắt nhưng chỉ mới xin được 1/3 mức kinh phí.

Vở Mai Hắc Đế - Ảnh: Nguyễn Lộc
Vở Mai Hắc Đế - Ảnh: Nguyễn Lộc

Đáng mừng nhưng vẫn phải tìm tòi, nỗ lực

Việc hai năm qua đoàn 1 Nhà hát Cải lương VN liên tục cho ra đời những tác phẩm được đầu tư nghiêm túc và gây sự chú ý, với phần góp sức của các nhà tài trợ, phản ánh được sự năng động của tập thể nghệ sĩ.

Tuy nhiên sau nhiều năm tổ chức biểu diễn và gần như không bán được vé, người ta đang tự hỏi với sự năng động này, liệu sắp tới cải lương phía Bắc có khả năng tạo thêm doanh thu bằng cách bán được vé cho người xem?

Đạo diễn Triệu Trung Kiên tỏ ra rất thận trọng: “Hình thức vận động tài trợ này chỉ mới bắt đầu xem như là thử nghiệm, cũng tốt nhưng chưa phải là mô hình chắc chắn. Xã hội hóa chủ động hoàn toàn cũng rất khó khăn vì ở ngoài Bắc không thể bán vé, không thể kiếm được doanh thu như một số đơn vị miền Nam.

Tìm được nguồn tài trợ là tín hiệu đáng mừng nhưng đừng lạc quan quá, bởi đây chưa phải là cách đảm bảo tạo cơ chế hoạt động bền vững. Ngay bây giờ, chúng tôi tranh thủ thông qua sự hỗ trợ của xã hội để chiếm lấy tình cảm người xem, chinh phục họ với mong mỏi một ngày người xem sẽ tự tìm đến chúng tôi, không ngần ngại rút ví mua vé. Quá trình đó chắc sẽ còn dài và chúng tôi phải nỗ lực nhiều...”.

Đạo diễn Triệu Trung Kiên khẳng định anh em vẫn sẽ cố gắng tìm kiếm những nguồn tài trợ để có đủ khả năng thực hiện tốt nhất ý đồ của vở diễn, nhưng chắc chắn phải có sự thay đổi bởi cái gì lặp lại mãi cũng là thất bại, phải tìm cái mới.

Và cái mới đó đang được anh “ủ mưu” trong vở Hừng đông (tác giả: Nguyễn Thế Kỷ, chuyển thể: Hoàng Song Việt) - một vở diễn về cuộc đấu tranh cách mạng những năm 1940, mà dấu ấn đậm nét là ông Phan Đăng Lưu.

Triệu Trung Kiên chia sẻ: “Có thể nói tính tới nay, Hừng đông là công trình khó khăn nhất trong đời mà tôi từng làm. Đây là vở diễn cách mạng, phải dựng sao để chuyển tải được hết ý nghĩa câu chuyện mà vẫn thu hút được khán giả.

Hiện tại tôi đã tìm được chìa khóa cho tác phẩm, nhưng chưa dám khẳng định có thể thành công không. Sắp tới tôi sẽ tạm gác những cái gọi là “gây choáng ngợp” để đi nhiều vào những thể nghiệm, mà Hừng đông sẽ có những thể nghiệm đầu tiên.

Tôi dự định đưa cả ban nhạc đường phố 9X vào vở diễn. Vấn đề là thời gian thực hiện vở diễn quá ngắn nên tôi rất lo lắng, chúng tôi chỉ có hơn 20 ngày nữa (ra mắt vào đầu tháng 1-2016)!”.

Vở Vua Phật - Ảnh: Nguyễn Lộc
Vở Vua Phật - Ảnh: Nguyễn Lộc

Mọi sự đầu tư vào văn hóa đều đáng hoan nghênh

Cũng có những ý kiến bàn tán cho rằng Triệu Trung Kiên và êkip thực hiện dựa vào những nhân vật có sức ảnh hưởng để vận động tài trợ.

Triệu Trung Kiên thẳng thắn nói: “Tôi cho rằng chất lượng tác phẩm là quan trọng nhất. Trong xã hội ta có những sự phung phí còn lớn hơn nhiều, nếu đầu tư vào văn hóa mà mang lại hiệu ứng tốt thì mọi sự đóng góp đều đáng hoan nghênh!”.

Nhờ có sự góp sức của những nhà tài trợ nên các vở diễn được đầu tư kỹ lưỡng hơn, cảnh trí, trang phục sáng đẹp. Dù vẫn còn có những ý kiến khen chê nhưng nhìn chung mỗi tác phẩm đều đạt đến mức độ thành công nhất định.

Khi vở công diễn, một số nghệ sĩ và khán giả miền Nam yêu mến đoàn đã cất công mua vé ra Hà Nội xem vở diễn.

LINH ĐOAN (linhdoan@tuoitre.com.vn)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên