24/11/2015 09:10 GMT+7

Mai này còn ai viết cải lương?

LINH ĐOAN (linhdoan@tuoitre.com.vn)
LINH ĐOAN (linhdoan@tuoitre.com.vn)

TT - Cuộc thi nghệ thuật sân khấu cải lương chuyên nghiệp toàn quốc 2015 kết thúc tối 23-11 tại nhà hát Cao Văn Lầu (Bạc Liêu). Một mùa giải nữa lại kết thúc và sân khấu cải lương vẫn còn đó nhiều trăn trở...

Thiếu kịch bản hay vẫn là nỗi băn khoăn lớn trong mùa giải cải lương năm nay. Hơn 80% kịch bản vẫn phải vay mượn từ kịch bản kịch nói.

“Sống với nghề này rất khó”

Kịch bản đã thiếu, soạn giả cải lương được các đoàn tin tưởng “chọn mặt gửi vàng” càng hiếm hơn. Ở phía Nam nổi bật có soạn giả Hoàng Song Việt và Đăng Minh, mỗi soạn giả chuyển thể 7 - 8 vở cho các đoàn tham gia trong hội diễn. Ở phía Bắc là NSƯT Triệu Trung Kiên và NSƯT Ngọc Chi.

Soạn giả Hoàng Song Việt tâm sự: “Thật ra tôi cũng có ý tìm kiếm một số bạn trẻ có khả năng để gợi ý các bạn đi theo con đường viết, chuyển thể tác phẩm cải lương. Trước đây có Tô Thiên Kiều, Vũ Chí Thanh... nhưng được một thời gian các bạn lại bận bịu với gia đình, với một số công việc khác nên thôi.

Vở Chiến binh (tác giả: Chu Lai, chuyển thể cải lương: Hoàng Song Việt, đạo diễn: NSND Trần Ngọc Giàu) của Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang đoạt huy chương vàng - Ảnh: Nguyễn Lộc
Vở Chiến binh (tác giả: Chu Lai, chuyển thể cải lương: Hoàng Song Việt, đạo diễn: NSND Trần Ngọc Giàu) của Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang đoạt huy chương vàng - Ảnh: Nguyễn Lộc

Thực tế mỗi khi có đợt hội diễn rầm rộ, các đoàn có nhu cầu làm vở đi thi họ mới tìm kiếm tác phẩm chuyển thể cải lương. Qua thi rồi, một năm mỗi đoàn chỉ dựng chừng 1 - 2 vở, có đoàn còn không có vở nào, lúc đó có khi họ sử dụng tác phẩm chuyển thể ngay tại địa phương họ luôn. Sống với nghề này rất khó, vất vả, có ai đặt hàng đâu, có khi ý tưởng mình nghĩ, mình viết ra nhưng cũng không có chỗ để xài.

Nhu cầu sử dụng kịch bản chuyển thể cải lương ở phía Nam rất hạn chế. Cả Sài Gòn gần như chỉ có Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang, cao lắm một năm chỉ dựng khoảng ba vở, vậy làm sao soạn giả cải lương có thể sống được với nghề?”.

Trong một vở cải lương, có thể nói phần nghe chiếm ít nhất 40 - 50% sự thành công của vở diễn. Xem cải lương là phải nghe ca cho đã, trong đó yếu tố đầu tiên phụ thuộc vào soạn giả, người chuyển thể cải lương phải viết sao cho thật mướt, thật ngọt.

Soạn giả cải lương đã quá ít, đa số có tuổi trong khi người trẻ lại không mặn mà, vậy tương lai ai sẽ là người viết kịch bản cải lương?

Vở Đời như ý (tác giả: Bùi Quốc Bảo, chuyển thể: Hoàng Song Việt, đạo diễn: Phan Quốc Kiệt) của nhà hát cải lương Trần Hữu Trang - Ảnh: Nguyễn Lộc

Chưa thoát cảnh lên gân

Cuộc thi năm nay rơi vào các đợt kỷ niệm những ngày lễ lớn nên rất nhiều đoàn chọn dàn dựng các vở diễn lịch sử, vở cách mạng. Tuy nhiên, có rất ít vở chọn được cách thể hiện vấn đề chiến tranh và hậu chiến gai góc, thuyết phục được người xem như vở Chiến binh của Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang, Cõi thiêng của Sân khấu Sen Việt hoặc dung dị nhưng tạo được cảm xúc như Bông mận trắng của Nhà hát Tây Đô.

*** Error ***
Vở Mai Hắc Đế (tác giả: Nguyễn Thế Kỷ, chuyển thể: Hoàng Song Việt, đạo diễn: NSUT Triệu Trung Kiên) của nhà hát cải lương VN - Ảnh: Nguyễn Lộc

Hoặc ít ra dù chưa phải là vở hay nhưng đã biết xây dựng những chi tiết nho nhỏ chạm vào trái tim người xem như vở Những người con Thạch Thành thuở ấy của Đoàn cải lương Thanh Hóa.

Vẫn còn những đơn vị chưa thoát được cách dàn dựng cũ kỹ, thể hiện tình yêu đất nước, tình yêu cách mạng khiên cưỡng. Vở Sống trong lòng địch (Công ty TNHH Hồng Lạc Xuân) có cách thể hiện cũ, không xây dựng được những lớp diễn để tạo đất diễn cho diễn viên và tạo điểm nhấn đối với người xem.

Vở Bóng biển (CLB Dạ cổ hoài lang) có lời thoại sáo, lên gân, khó thuyết phục người xem. Người về từ quá khứ (Đoàn văn công Quân khu 9) sử dụng quá nhiều màn múa gây loãng vở diễn...

Có vở đạo diễn “hồn nhiên” dàn dựng những cảnh có thể gây tranh cãi, liệu có nhân văn hay không khi đưa lên sân khấu cảnh tiêu diệt tên quan Pháp bằng cách lấy đá đập vô đầu?

Vở Cõi thiêng (tác giả: Vương Huyền Cơ, chuyển thể: Đăng Minh - Hoàng Song Việt, đạo diễn: Lê Nguyên Đạt) của sân khấu Sen Việt - Ảnh: Nguyễn Lộc

Đây đó có tín hiệu vui

Năm nay nhiều đoàn mạnh tay đầu tư kinh phí cho cảnh trí, rất nhiều vở diễn vì thế trở nên sáng đẹp, sang trọng và tạo được cảm xúc với người xem. Nhiều vở cảnh trí đẹp đến mức làm người ta... ngẩn ngơ như vở Chiến binh, Cõi thiêng, Mai Hắc Đế của Nhà hát cải lương VN...

So với các kỳ liên hoan, hội diễn trước đây, diễn xuất, trang điểm, trang phục của diễn viên đã dung dị, gần gũi hơn, bớt màu mè, cầu kỳ và cường điệu.

Có những đơn vị nghệ thuật không làm người ta choáng ngợp khi xuất hiện nhưng kiên trì, biết xây dựng phong cách riêng nên đã trở thành những cái tên khiến người làm nghề, khán giả luôn chờ đợi trong các kỳ liên hoan, hội diễn như Đoàn cải lương nhân dân Kiên Giang, Nhà hát Tây Đô...

Đặc biệt, Đoàn cải lương nhân dân Kiên Giang với sự dẫn dắt của trưởng đoàn - NSƯT Thanh Nam - luôn biết chọn dàn dựng những vở diễn phù hợp với khả năng của mình, những vở diễn đậm chất miền quê sông nước, cảnh trí dung dị, trữ tình và ghi điểm bởi đào kép của đoàn toàn những gương mặt từng đoạt giải chuông vàng, chuông bạc. Bởi thế người ta hay kháo nhau: “Đi xem đoàn này để được nghe ca cho đã”.

Cải lương đang rất thiếu những đạo diễn giỏi, nhưng qua các kỳ hội diễn ngoài hai đạo diễn kỳ cựu là NSND Trần Ngọc Giàu và NSƯT Hoa Hạ vẫn tiếp tục giữ phong độ, đã có một lớp đạo diễn trẻ tâm huyết và giỏi nghề đang dần khẳng định mình như NSƯT Hoàng Quỳnh Mai, NSƯT Triệu Trung Kiên, Lê Nguyên Đạt, Quốc Kiệt...Sàn diễn cải lương đang trông chờ vào bản lĩnh của người trẻ. Mong họ đã yêu cải lương thì hãy đi đến tận cùng...

Vở Trung thần (tác giả và đạo diễn: NSUT Hoa Hạ, chuyển thể: Hoàng Song Việt) của Hội Sân khấu TP.HCM - Ảnh: Nguyễn Lộc

Chờ đợi những gương mặt mới triển vọng

Điều đáng mừng là một số đoàn đã mạnh dạn trình diện một lớp nghệ sĩ trẻ dù vẫn còn những vụng về, không giữ được làn hơi, tâm lý trọn vẹn suốt vở diễn nhưng nếu được rèn luyện, uốn nắn thêm, có thể sân khấu cải lương sẽ có thêm nhiều gương mặt mới triển vọng. Có thể kể ra như lực lượng trẻ của Nhà hát nghệ thuật truyền thống Đồng Nai, Nhà hát cải lương Hà Nội, đặc biệt hai bé Hồng Quyên, Gia Nguyên đã chiếm trọn tình cảm của người xem trong vở Đời như ý (Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang).

>> Xem kết quả cuộc thi nghệ thuật sân khấu cải lương chuyên nghiệp toàn quốc 2015

LINH ĐOAN (linhdoan@tuoitre.com.vn)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên