19/11/2014 12:51 GMT+7

​“Xin lỗi, để em còn dạy các con”

ĐÀO PHƯƠNG LIÊN
ĐÀO PHƯƠNG LIÊN

TT - Cũng như các bậc làm cha làm mẹ khác, tôi rất muốn thể hiện sự quan tâm của mình đến các thầy cô giáo của con nhân ngày 20-11.

Với các thầy cô giáo, sự tin yêu của học sinh là món quà lớn nhất - Ảnh: Tuổi Trẻ

Nhưng chọn món quà gì vừa thể hiện lòng tôn sư trọng đạo vừa thực tế, thích hợp với các thầy cô là cả một vấn đề nan giải.

Nước hoa hay son phấn? Bộ dầu gội cùng sữa tắm? Hay đơn giản bó hoa cùng phong bì? Tôi bỏ qua phương án tặng mỹ phẩm vì những sản phẩm đó liên quan đến gu của từng cá nhân.

Còn hoa tôi cũng gạch bỏ vì trong nhà có người làm giáo viên, vào những ngày này hoa tràn ngập nhà, lắm lúc phải để ngoài hành lang rất phí phạm.

Nghĩ mãi rồi tôi cũng chọn được một phương án xem ra vừa gọn vừa thanh. Đó là tặng cô cuốn sách, tấm thiệp chúc cùng chiếc phong bì tượng trưng cho bó hoa. Và không ít phụ huỵnh chọn phương án tặng phong bì như tôi.

Tôi hoàn toàn bất ngờ khi cô giáo trẻ, dạy văn lớp con tên Bùi Thị Xuân Quỳnh, Trường THCS Nguyễn Du (Hà Nội), từ chối nhất loạt những món quà mà các phụ huynh tặng. Sau lời cảm ơn thay vì nhận quà, cô còn nói: “Xin lỗi, để em còn dạy các con”.

Thoạt đầu tôi nghĩ chúng tôi đã làm ảnh hưởng đến thời gian lên lớp của cô liền nháy nhau tính hẹn gặp cô vào giờ khác. Nhưng tiếng reo hò của lũ trẻ đang giờ chơi tràn ngập sân trường khiến chúng tôi ngơ ngác. Rất nhanh, chúng tôi “ngộ” ra được điều cô giáo muốn nói.

Cô muốn được nhìn thẳng vào lũ học trò. Muốn được dạy trò những điều hay lẽ phải mà không phải lăn tăn, gượng nhẹ với chúng, không phải xấu hổ với lương tâm vì đã trót nhận những phong bì, quà tặng của bố mẹ chúng. Không muốn cái đầu non nớt của lũ trò bị tiêm nhiễm với những món quà thực dụng của người lớn và nghĩ cái gì cũng mua được bằng tiền.

Thật lòng, tôi thấy xấu hổ trước lời từ chối của cô Quỳnh. Nhưng cũng như các phụ huynh khác, tôi năn nỉ, trần tình chỉ muốn tặng cô một bó hoa.

Cô Quỳnh vẫn cười nhẹ, xin nhận tất cả các lời chúc, cảm ơn và từ chối quà. Hết cách, tôi liền ngỏ ý tặng cô cuốn sách của ông ngoại cháu là nhà thơ Lê Đạt. Thật vui, cô sáng mắt cảm ơn và nhận cuốn sách với vẻ hân hoan.

Điều ngạc nhiên nữa tôi còn gặp ở Trường Nguyễn Du này là lời từ chối việc chạy theo thành tích ảo của cô Thúy Vân, dạy toán, chủ nhiệm lớp 9A4 của con. Ai cũng biết để thi vào trường THPT, ngoài thực lực điểm bài thi hai môn văn, toán nhân đôi còn điểm cộng bốn năm học của THCS cùng điểm học nghề.

Quy định bốn năm học sinh giỏi sẽ được cộng 20 điểm, khá được cộng 18 điểm, còn trung bình 16 điểm đã làm không ít phụ huynh lo lắng chạy điểm cho con được là học sinh giỏi. Bởi điểm vào trường THPT chỉ cần lệch nửa điểm đã rất có thể rơi từ trường khá, tốt xuống trường trung bình.

Thật may khi đặt vấn đề với cô giáo chủ nhiệm khi con mới bước chân vào trường cách nay bốn năm, tôi nhận được lời từ chối nhẹ nhàng rằng: “Em không chủ trương chạy theo thành tích ảo, và đây cũng là chủ trương của Trường Nguyễn Du”.

Tôi đã rất nhẹ lòng khi bốn năm qua, con được sống trong một môi trường giáo dục sạch, không vướng bận những tiêu cực, khuất tất.

Cảm ơn cô giáo Quỳnh, cô giáo Vân và các cô giáo khác đã cho con được sống những ngày hồn nhiên.

Cảm ơn các cô giáo đã dạy con phải sống bằng chính thực lực của mình. Và rất có thể con không may mắn trong cuộc đua cộng điểm vào THPT nhưng con có quyền ngẩng cao đầu vì đã đi bằng chính đôi chân của mình.

ĐÀO PHƯƠNG LIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên