03/11/2017 19:17 GMT+7

Xin đường không được: đâm! Tiếp theo sẽ là gì?

LÊ VÂN
LÊ VÂN

TTO - Sự việc một thanh niên đâm người đi xe máy khi xin đường không được như giọt nước làm tràn ly về cư xử giữa người với người. Văn hóa giao thông ở VN đã đến lúc báo động!

Xin đường không được: đâm! Tiếp theo sẽ là gì? - Ảnh 1.

Đèn đỏ rẽ phải không được, đâm người trọng thương Đèn đỏ rẽ phải không được, đâm người trọng thương

TTO - Chỉ vì đèn đỏ, bị xe chắn phía trước, không quẹo phải được, một thanh niên đã đâm người đi xe máy thủng dạ dày, thủng cơ hoành, phải đi cấp cứu ở Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn.

Như đã thông tin, sau khi Tuổi Trẻ Online đưa tin "Đèn đỏ rẽ phải không được, đâm người trọng thương", tính đến chiều 3-11 đã hơn 60 ý kiến bình luận về vấn đề này.

"Phải bắt cho được bọn côn đồ. Và đây cũng là lời nhắc nhở cho rất nhiều người thường đứng chắn ngay đường ưu tiên quẹo phải như vậy. Chúng ta đang sống trong thời đại văn minh thì chúng ta phải biết nhường các đường ưu tiên cho xe khác lưu thông".

Ý kiến bạn đọc Văn Minh

Điều khiến bạn đọc bất bình là vụ việc đâm người này diễn ra ngay khu trung tâm Sài Gòn. Bạn đọc Saunia chia sẻ: "Một xã hội văn minh mà hành xử cứ như trong rừng rú vậy".

Thống kê sơ lược từ 22-10 đến 2-11, chỉ riêng trên Tuổi Trẻ đã ghi nhận một số chủ đề bạn đọc gởi về với luồng ý kiến chủ đạo là bức xúc với các hành xử khi tham gia giao thông hiện nay ở Việt Nam.

Trước đó, như hành vi bấm còi xe một cách vô duyên và vô cảm trên Tuổi Trẻ ngày 24-10 cũng ghi nhận nhiều ý kiến đồng tình của bạn đọc về việc này.

Clip: Một vụ tông vào đuôi xe hơi trên đường Âu Cơ (Q.Tân Phú, TP.HCM, ghi nhận trưa 3-11) và cảnh người dân đua nhau đi vào đường cấm xe 3 bánh, xe 4 chỗ, leo vỉa hè hỗn loạn ở ngã tư Trường Chinh - Âu Cơ.

Theo đó, bạn đọc Thanh Nam cho rằng: "Còi xe ở nhiều đoạn đường là cần thiết, nếu không có còi cảnh báo khi một ai đó không để ý chuẩn bị va phải thì rất nhiều vụ tai nạn sẽ xảy ra. Đến tàu hỏa còn có các đoạn được cứ mặc định đi đến là phải kéo còi nữa là. Tuy nhiên bóp còi phải hợp lý".

"Ở Việt Nam ngoài cái còi ra còn 2 cái nữa rất khó chịu: Bật đèn chiếu xa rọi vào mắt người ngược chiều vô tội vạ (đặc biệt là xe máy trong nội thành); Âm thanh ầm ĩ của những chiếc xe côn, đặc biệt là xe phân khối lớn!" - bạn đọc này viết.

Nhiều bạn đọc cùng bày tỏ lo lắng khi bắt buộc phải tham gia giao thông hàng ngày ở các thành phố lớn như TP.HCM hay Hà Nội: "Ra đường bây giờ bất an quá" hay "Từ nay ra đường phải né lề phải cho…lành".

Cuối tháng 10 vừa qua, một đoạn clip do một người nước ngoài ghi lại trên camera hành trình cũng gây ồn ào trên mạng xã hội.

Đó là clip về một phụ nữ ngang nhiên đứng giữa đường bấm điện thoại đến mức anh Tây bấm còi mãi không được liền nhảy xuống xe nhấc cả xe máy lẫn người phụ nữ kia vào lề đường.

Ở góc độ luật pháp, vụ việc gây thương tích ở khu trung tâm Sài Gòn cũng khiến nhiều bạn đọc băn khoăn về việc: Đèn đỏ có được quẹo phải hay không? 

Và ứng xử ra sao khi gặp sự cố giao thông như bị bóp còi, va quẹt nhẹ trên đường, đặc biệt là ý thức nhường nhịn khi tham gia giao thông.

Bạn đọc Việt Huy viết: "Mọi người cứ vô tranh cãi việc có được rẽ phải lúc đèn đỏ hay không mà quên mất điều quan trọng: Ý thức nhường đường trong giao thông thể hiện văn hóa, văn minh của con người! Đúng sai chưa biết, nhưng nếu họ muốn rẽ thì tránh ra chút cho họ rẽ, mắc mớ gì tranh cãi chi... ".

Trong khi đó, bạn đọc Hoài Vinh giải thích: "Luật trước là đèn đỏ vẫn được rẽ phải những luật mới gần được 10 năm nay thì cấm rẽ phải rồi, trừ khi xe bạn ưu tiên hoặc có biển báo được rẽ phải khi đèn đỏ ở con đường nào có biển. Còn lại tất cả là vượt đèn đỏ".

Là người đi đường, theo bạn làm thế nào để dẹp đi những tiếng còi xe lạc lõng, gây phản cảm? Bạn ứng xử ra sao khi gặp người đi sau bóp còi inh ỏi để quẹo phải? Mời bạn hiến kế và chia sẻ với chúng tôi qua phần BÌNH LUẬN dưới bài viết hoặc gởi về địa chỉ: dandt@tuoitre.com.vn. Cảm ơn bạn!

LÊ VÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên