30/09/2017 20:21 GMT+7

Xin đừng gục ngã em ơi, xin đừng gục ngã dù đời trắng đen

TTO - Sáng 29-9, tại Bảo tàng Chứng tích chiến tranh TP.HCM có một sự kiện thú vị: hai tập thơ nho nhỏ, xinh xinh của hai tác giả được ra mắt.

Xin đừng gục ngã em ơi, xin đừng gục ngã dù đời trắng đen - Ảnh 1.

Phạm Thanh Tùng và Vương Chi Lan (thứ hai và thứ tư từ trái qua) giao lưu với độc giả tại buổi ra mắt hai tập thơ - Ảnh: Tự Trung

Đọc những mơ ước hồn nhiên, trong sáng của tác giả trước nghịch cảnh cuộc đời, lòng những muốn ngân lên

Giáo sư NGUYỄN ĐĂNG HƯNG

Chọn địa điểm là Bảo tàng Chứng tích chiến tranh vì cả hai đều là người khuyết tật và một trong họ là nạn nhân chất độc da cam.

Không thể ngồi vững trên chiếc xe lăn, không thể cử động một động tác bình thường, không thể nói được tròn trịa một câu, Phạm Thanh Tùng như xa lạ với micro, sân khấu, hoa, quà. 

Tùng chỉ cười rất tươi và gồng cánh tay lên, trỏ vào tập thơ khi có người muốn hỏi: "Những gì muốn nói đã ở cả trong này". 

Kẹp cây bút vào ngón chân cái, hai tay Tùng nắm lại, rướn lên lấy đà cho bàn chân di chuyển thành một chữ ký "Tùng" để tặng bạn đọc.

Góp chút điểm tô

Màn ký tặng vất vả khiến nhiều người xúm quanh rớm nước mắt, từ bỏ ý định xin chữ ký tác giả nhưng Tùng thì rất vui. Đây là chữ ký mà Tùng cảm thấy có ý nghĩa nhất trong đời mình.

Là người lạ với làng thơ, nhưng với báo chí thì Phạm Thanh Tùng lại là người quen. 

Tùng từng là bị đơn khi bị sáu anh chị ruột kiện ra tòa để tranh chấp căn nhà mà mẹ đã di chúc để lại riêng cho Tùng và người anh kế làm phương tiện sinh sống, săn sóc cho Tùng khi không thể lao động, ngoài thửa đất đã chia đều cho sáu người còn lại. 

Phiên tòa dân sự của Tùng từ sơ thẩm đến phúc thẩm đều thu hút sự theo dõi của báo chí, dư luận, kéo dài đã hơn ba năm đến nay vẫn chưa kết thúc. 

Tùng và người anh kế Phạm Văn Sơn vẫn phải ở nhà thuê, vẫn đang chờ đợi phiên tòa sơ thẩm lần thứ hai, chờ đợi sự công minh, sáng suốt của pháp luật và hơn hết là hi vọng tình nghĩa máu thịt giữa các anh chị em được nối lại, ấm áp trở lại như lẽ đời phải thế. 

Mỗi ngày quanh quẩn, Tùng viết: 

"Buồn thay cái cảnh nhà thuê 

Chỗ ở chật hẹp bộn bề lo toan

Ngày thì nắng nóng chang chang 

Đêm về oi bức muỗi đàn suốt đêm 

Loay hoay đến tháng lại tiền...". 

Tùng nhớ mẹ với nỗi day dứt cuối cùng của mẹ: 

"Mẹ tôi rã rượi buồn rầu 

Lòng lo út mẹ ngày sau thế nào 

Ngày tàn bấc lụn dầu hao 

Mẹ tôi nằm xuống còn bao nỗi niềm" 

và ngẫm: "Mới đó tình thâm như biển cả 

Giờ đây nghĩa nhạt tợ hồ ao"...

Dẫu vậy, Tùng vẫn không nguôi hi vọng: 

"Dù thân nước cuốn bèo trôi 

Cũng xin góp chút điểm tô cho đời 

Thời gian lắng đọng đầy vơi 

Tháng năm chất chứa vun bồi thành thơ...". 

Tập thơ Lặng rơi ra mắt hôm nay là "chút điểm tô" mà Tùng góp cho đời, vượt lên những bất hạnh thể xác và tinh thần của riêng mình.

Những vần thơ mộc mạc, chân thật, buồn nhưng không bi lụy. Thơ tuy chưa xuất sắc nhưng vẫn là những vần thơ cho đời thêm đẹp, không chỉ đẹp thêm cuộc đời của Tùng mà của cả chúng ta...

Nhà thơ Kim Quyên

Không gục ngã

Với Vương Chi Lan thì đây đã là tập thơ thứ ba của cô. 

Tự nhận mình "là một người lành lặn so với Tùng", Chi Lan từng phải giã từ giấc mơ làm cô giáo khi đã học xong cao đẳng sư phạm vì có khuyết tật tại tay phải, buộc phải cầm phấn, cầm bút bằng tay trái. 

Cú sốc ấy đã khiến cô gái trẻ muốn tự tử. 

Thế rồi khi trầm mình xuống biển, cô chợt nhận ra cuộc đời này còn đẹp biết bao, từ ánh trăng rải bạc trên mặt nước, từ tầng nước biển còn ấm sực sau một ngày ngậm nắng, từ mái tóc chính mình vờn xoay trong nước. 

Chi Lan lội lên bờ, cầm bút viết bài thơ đầu tiên của cuộc đời và lao vào cuộc sống với hàng chục nghề khác nhau để nuôi mình, nuôi mẹ, nuôi thơ.

Những lời cô viết cho mình trong vất vả lao nhọc không mỹ miều nghệ thuật mà ấm áp như bàn tay vỗ về, mang chút an ủi ấm áp cho người đồng cảnh: 

"Xin đừng gục ngã em ơi 

Xin đừng gục ngã dù đời trắng đen 

Cố lên em, rồi sẽ quen 

Xin đừng gục ngã, xin em nhẫn lòng 

Khóc đi em giọt nước trong 

Chắt ra từ nỗi long đong phận người...".

Nhưng không chỉ gói tròn thân phận, thơ của cô đã vươn xa hơn rất nhiều. 

Tự nhận là người ngoại đạo yêu thơ, giáo sư Nguyễn Đăng Hưng cho biết ông bắt được cảm xúc nhiều nhất trong những bài thơ mà Vương Chi Lan viết về quê hương, về Sài Gòn, về biển đảo với tất cả tình yêu và nỗi đau của chị. 

"Tập Nắng nghiêng mùa này có 39 bài thơ, trong đó có tới 5 bài lấy Hoàng Sa làm chủ đề. 

Đó là những bài ấn tượng nhất với tôi, nói lên được những trăn trở của người dân đất Việt trước những bất trắc đang đe dọa chủ quyền đất nước".

Câu thơ được ngâm lên: 

"Tôi thương đất nước tôi 

Thương người dân lam lũ 

Tôi yêu biển quê tôi 

Mặn đắng còn chưa đủ ... 

Dưới lòng sâu ai khóc 

Hạt cát rời quê hương 

Biển chiều xanh ngan ngát 

Có ai thương quê hương?".

Giữa nơi ngập đầy chứng tích một thời bom đạn, những hình ảnh đau thương, mất mát, vần thơ như da diết hơn.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên