30/08/2014 07:08 GMT+7

Xét tuyển kiểu "bắt cóc" thí sinh

MINH GIẢNG
MINH GIẢNG

TT - Chỉ cần đủ điểm, thí sinh sẽ được cấp ngay giấy báo nhập học mà không cần đợi đến khi kết thúc thời gian xét tuyển nguyện vọng bổ sung theo quy định.

8kUcVN9T.jpg
Thí sinh đến nộp hồ sơ xét tuyển nguyện vọng bổ sung tại Trường đại học Luật TP.HCM sáng 29-8 - Ảnh: Như Hùng

Không cho thí sinh thoát - cán bộ phòng đào tạo một trường ĐH tại TP.HCM đã nhận định như thế khi nhận xét về công tác xét tuyển nguyện vọng của nhiều trường ĐH trong kỳ tuyển sinh năm nay.

Theo quy chế, thời gian xét tuyển nguyện vọng bổ sung bắt đầu từ ngày 20-8 và mỗi đợt xét tuyển kéo dài 20 ngày. Sau khi kết thúc thời gian nhận hồ sơ, các trường mới tiến hành xét tuyển và công bố điểm chuẩn, gọi nhập học.

Thế nhưng nhiều trường đã xé rào, bắt đầu xét tuyển và kết thúc trước thời hạn, xét trúng tuyển ngay khi thí sinh nộp hồ sơ, gọi trúng tuyển vào chương trình khác của trường và không cấp giấy chứng nhận kết quả tuyển sinh cho thí sinh...

Nộp hồ sơ nhận ngay giấy báo nhập học

Cả chục lời chào mời mỗi ngày

Một thí sinh dự thi khối A vào Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM được 17 điểm và không trúng tuyển. Từ hơn 10 ngày nay, ngày nào thí sinh này cũng nhận hàng chục cuộc gọi từ các trường mời chào xét tuyển, nhập học. “Không biết các trường này lấy thông tin của tôi ở đâu mà họ biết số điện thoại, họ tên, ngày tháng năm sinh, số điểm đạt được và liên tục nhắn tin, gọi điện để mời xét tuyển, nhập học. Cả chục ngày nay ngày nào cũng vậy khiến tôi phát khùng luôn” - thí sinh này nói.

Trong thông báo xét tuyển nguyện vọng bổ sung, Trường ĐH Nam Cần Thơ ghi rõ: thí sinh nộp hồ sơ trực tiếp tại trường sẽ được bộ phận tư vấn hỗ trợ hoàn thành xét tuyển và nhập học trong ngày.

Chúng tôi đã liên hệ với Trường ĐH Nam Cần Thơ trong vai trò phụ huynh có con thi khối A đạt 13 điểm, muốn xét tuyển vào ngành kỹ thuật xây dựng.

Nhân viên tư vấn cho biết với điểm này thí sinh đã đậu vào trường và cần phải nộp hồ sơ sớm. Nếu nộp trực tiếp tại trường, trường sẽ cấp giấy báo nhập học cho thí sinh. Nhân viên này còn hướng dẫn chúng tôi những giấy tờ cần thiết để làm thủ tục nhập học khi đến nộp hồ sơ.

Trong khi đó, nhân viên Trường ĐH Công nghệ miền Đông (Đồng Nai) cho biết đã bắt đầu xét tuyển từ hai tuần nay (trường thông báo nhận hồ sơ từ ngày 15-8). Khi biết thí sinh có điểm thi 14 khối B, nhân viên này cho biết thí sinh đã trúng tuyển vào ngành dược của trường.

Khi đến nộp hồ sơ trực tiếp thí sinh sẽ được phát giấy báo nhập học luôn. Không chỉ xé rào xét tuyển trước thời hạn mà trường này còn cấp ngay giấy báo trúng tuyển cho thí sinh đủ điểm sàn xét tuyển vào trường.

Tương tự, Trường ĐH Xây dựng miền Trung ra thông báo xét tuyển nguyện vọng bổ sung bậc ĐH và CĐ ngày 8-8. Trong thông báo này, trường nhận hồ sơ từ ngày ra thông báo đến hết ngày 20-8, trong khi theo quy chế ngày 20-8 mới bắt đầu nhận hồ sơ. Ngày 21-8 trường này đã công bố danh sách trúng tuyển cho đợt xét tuyển này.

Nhiều trường ĐH khác cũng nhận hồ sơ xét tuyển sớm hơn quy định và kết thúc thời gian xét tuyển trước hạn chót theo quy chế cả chục ngày.

Trường ĐH Đông Á (Đà Nẵng) thông báo xét tuyển nhiều đợt, trong đó đợt 1 bắt đầu từ ngày 10-8 và kết thúc vào ngày 23-8. Thí sinh trúng tuyển đợt này sẽ nhập học từ ngày 25 đến 30-8. Trường ĐH Xây dựng miền Tây nhận hồ sơ xét tuyển nguyện vọng bổ sung từ ngày 8 đến 28-8.

Tương tự, Trường ĐH Đồng Nai nhận hồ sơ xét tuyển từ ngày 15 đến 25-8. Trường ĐH Thái Bình Dương (Khánh Hòa) nhận hồ sơ từ ngày 11 đến 30-8. Trường ĐH Y dược TP.HCM xét tuyển bổ sung bậc CĐ dược nhưng thời gian nhận hồ sơ xét tuyển chỉ có bốn ngày từ 25 đến hết ngày 29-8! Nhiều trường ĐH khác cũng không tuân thủ quy chế khi kết thúc thời gian nhận hồ sơ trước quy định như Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM...

Không nhận được giấy chứng nhận kết quả thi

Theo quy chế, thí sinh không trúng tuyển nhưng có điểm thi đạt từ điểm sàn trở lên, trường sẽ cấp ba giấy chứng nhận kết quả tuyển sinh để xét tuyển nguyện vọng bổ sung.

Thế nhưng, nhiều thí sinh cho biết dù không trúng tuyển vào ngành đăng ký, trường cũng không cấp giấy chứng nhận kết quả mà gửi giấy báo nhập học vào chương trình khác của trường.

Một thí sinh dự thi vào ngành công nghệ thực phẩm Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM cho biết: “Tổng điểm ba môn là 13, cộng 1 điểm khu vực nữa là 14 và không trúng tuyển. Nhưng đến ngày 22-8 em vẫn chưa nhận được giấy chứng nhận kết quả thi của trường, trường lại gửi về giấy báo trúng tuyển vào ngành dinh dưỡng và khoa học thực phẩm chương trình liên kết. Em có qua liên hệ với trường và được nhận một giấy chứng nhận kết quả tuyển sinh nhưng trường thu lệ phí 50.000 đồng... Không chỉ riêng em mà khoảng mấy chục người ở đó cũng như vậy”.

Tương tự, một thí sinh thi nhờ tại Trường ĐH Công nghệ Đồng Nai để xét tuyển nguyện vọng 1 vào một trường khác nhưng trường không chuyển điểm mà gửi luôn giấy báo nhập học cho thí sinh này vào trường.

Một thí sinh dự thi vào Trường ĐH Kinh tế kỹ thuật công nghiệp (Hà Nội) băn khoăn: “Tôi dự thi bậc ĐH của trường và không đủ điểm đậu ĐH nhưng nhà trường không gửi giấy chứng nhận kết quả mà lại gửi giấy báo nhập học CĐ cho tôi, trong khi tôi không có nguyện vọng học CĐ của trường. Vậy bây giờ tôi phải làm sao để có giấy báo điểm xét nguyện vọng bổ sung?”.

Về băn khoăn của thí sinh thi vào Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM nêu trên, ông Phạm Thái Sơn - phó giám đốc Trung tâm tuyển sinh và dịch vụ đào tạo trường này - cho hay trường có gửi giấy chứng nhận kết quả về nơi thí sinh nộp hồ sơ, trong khi giấy báo nhập học chương trình liên kết trường gửi trực tiếp về địa chỉ của thí sinh nên có thể thí sinh nhận được trước và nghĩ là trường không cấp giấy chứng nhận kết quả. Với những giấy chứng nhận bị hư hỏng, thí sinh yêu cầu trường chỉ cấp lại một bản và thu phí 50.000 đồng.

Trong khi đó, đại diện Trường ĐH Công nghệ Đồng Nai cho biết trường có gửi dữ liệu điểm của thí sinh thi nhờ sang trường có nguyện vọng 1, đồng thời gửi thêm một giấy báo nhập học vào trường để thí sinh có thêm lựa chọn chứ không phải không gửi dữ liệu điểm để buộc thí sinh học trường mình.

Hiệu trưởng có thể chịu mức kỷ luật cảnh cáo

Ngày 29-8, trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Trần Văn Nghĩa - phó cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục Bộ GD-ĐT - khẳng định: “Trường hợp thí sinh không trúng tuyển nguyện vọng 1 vào trường, trường phải cấp giấy chứng nhận kết quả thi để các em đăng ký xét tuyển nguyện vọng bổ sung. Còn nếu muốn xét thí sinh trượt nguyện vọng 1 vào các ngành đào tạo khác thì trường phải có quy định điểm vào ngành và điểm sàn riêng vào trường (như cách làm của Trường ĐH Kinh tế quốc dân, Trường ĐH Thương mại...). Khi đó, thí sinh bị trượt nguyện vọng 1 vào ngành nào đó, nhưng có điểm thi đạt mức điểm sàn vào trường trở lên có thể đăng ký vào các ngành còn chỉ tiêu. Nếu các trường cố tình làm khác là vi phạm quy chế”.

Thực tế, ngoài quy chế chung, ngày 7-8 vừa qua Bộ GD-ĐT cũng đã có công văn cảnh báo các trường ĐH, CĐ trong cả nước “không được gửi giấy triệu tập trúng tuyển cho thí sinh không nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển vào trường theo quy định”.

Trong công văn này, Bộ GD-ĐT chỉ rõ nếu trường nào cố tình vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm theo quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ hiện hành (quy chế quy định áp dụng mức cảnh cáo hoặc có hình thức kỷ luật cao hơn đối với hiệu trưởng hoặc chủ tịch hội đồng tuyển sinh và những người khác liên quan vi phạm việc gửi giấy triệu tập trúng tuyển cho thí sinh không nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển vào trường).

NGỌC HÀ

MINH GIẢNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên