14/04/2014 10:33 GMT+7

Xét tật mình - một đòi hỏi bức thiết

NGUYỄN LÂN BÌNH
NGUYỄN LÂN BÌNH

TT - LTS: Tiếp nối diễn đàn Tính xấu người Việt, Tuổi Trẻ giới thiệu bài viết của ông Nguyễn Lân Bình - nguyên là cán bộ của Bộ Ngoại giao.

Sôi nổi bàn về tính xấu người Việt"Đến mạng sống của mình mà cũng xem thường"Tính xấu người Việt

ilAEFkCJ.jpg
“Thứ nhất tiền tệ” trong bức biếm họa Thiên địa nhân thời hiện đại của họa sĩ NOX

Là cháu nội của học giả Nguyễn Văn Vĩnh, ông cũng là người chủ biên của những cuốn sách đầu tiên về ông nội mình.

Hơn 100 năm trước, đứng ở vị trí một người dân của một đất nước nô lệ, nhưng bằng ý thức đề cao tính độc lập dân tộc, nhà báo Nguyễn Văn Vĩnh (1882-1936) đã quyết tâm bằng mọi cách tham gia vào việc mở mang nhận thức, nâng cao kiến thức, hướng đến việc xây dựng một xã hội trí thức cho người dân ở một quốc gia thuần nông truyền thống. Ông tin tưởng sâu sắc rằng khi con người có được tri thức, người ta sẽ biết cách để quyết định vận mạng của chính mình và từ đó thoát ra khỏi sự tối tăm của nhận thức, làm cơ sở để tạo nên trí tuệ. Từ hơn 100 năm trước, Nguyễn Văn Vĩnh đã luôn coi việc có xây dựng được một xã hội tốt đẹp hay không phụ thuộc hoàn toàn vào trí tuệ con người!

Vì nặng lòng với mối lo này, năm 1913, Nguyễn Văn Vĩnh đã cho nhắc lại trên tờ báo lớn nhất ở phía Bắc nước VN - tờ Đông Dương Tạp Chí - toàn bộ đề tài “Xét tật mình”. Chắc chắn trong tư duy của mình, ông đã thật sự coi trọng nguyên tắc: Tiên trách kỷ, hậu trách nhân!

Thông qua những di cảo của Nguyễn Văn Vĩnh để lại, chúng tôi nhận thấy từ lúc đó Nguyễn Văn Vĩnh đã quyết tâm chống lại khả năng hình thành một xã hội “thứ nhất tiền tệ, thứ nhì hậu duệ, thứ ba quan hệ, thứ tư mới là trí tuệ” - nói một cách mỉa mai như trong chương trình giải trí của kênh VTV4 Đài truyền hình VN, mục “Chém chuối” phát sóng ngày 5-4.

Để góp phần vào diễn đàn “Tính xấu người Việt” của báo Tuổi Trẻ, tôi xin được trích dẫn một đoạn ngắn khi Nguyễn Văn Vĩnh lý giải việc vì sao phải xét lại những cái xấu của chính chúng ta. Bài báo mang tên Tout dire pour tout connaitre, pour tout guérir. (E.Zola, Le Dr. Pascal) (Nói hết, để biết hết, để chữa hết) đăng trên Đông Dương Tạp Chí số 6 năm 1913 như sau: “Các nết xấu, các hủ tục của người VN ta, cần nói hết ra, đừng có giấu diếm, ai cũng biết thì mới sửa được. Luân lý là phải dạy người ta biết gốc rễ điều ác để tự nguyện tránh, mầm mống điều thiện để tự giác làm điều thiện. Nếu cứ nói, cứ bắt buộc phải thế này, không được thế kia thì khó nghe, uổng công nói [...]. Trong xã hội có nhiều hủ tục, đã thành thói quen của cộng đồng, một người hay một thiểu số không đủ sức đấu tranh để sửa mà nên phô bày ra, rõ ràng cái xấu, căn nguyên cái hại để nhà nước biết, để đa số nhân dân biết, khi đó lệnh của nhà nước hợp với ý dân thì mới sửa được”.

Với ý chí siêu việt của nhân loại, ngày nay, loài người đã đạt được vô vàn những thành tựu khoa học trong y học, mục đích là để cứu sống cho những sinh mạng khi mắc những chứng bệnh nan y. Tôi thiển nghĩ, không có lý do gì, để cứu lấy một dân tộc đang mang trong mình những căn bệnh trầm kha của lòng tin, trong khi chúng ta nhân danh là một trong mười quốc gia có ảnh hưởng lớn ở khu vực châu Á (VTV1 ngày 11-4) lại không muốn tiếp tục nâng cao vị thế của mình bằng giải pháp “Xét tật mình” như một đòi hỏi bức thiết đối với cả dân tộc này.

NGUYỄN LÂN BÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên