29/12/2018 13:12 GMT+7

Xếp hàng ở Mỹ: chờ mua giảm giá cũng không chen lấn

PHAN QUỐC VINH
PHAN QUỐC VINH

TTO - Sinh sống và học tập ở Mỹ gần được 8 năm, ở một thành phố không quá lớn của bang Texas nhưng tôi cũng đã dần làm quen quy tắc nhường đường và xếp hàng nơi công cộng ở đây.

Xếp hàng ở Mỹ: chờ mua giảm giá cũng không chen lấn - Ảnh 1.

Cổ động viên xếp hàng vào xem thi đấu thể thao - Ảnh: PHAN QUỐC VINH

Xin được chia sẻ những quy tắc này với độc giả Tuổi Trẻ Online:

Nguyên tắc giao thông và luật pháp chặt chẽ

Sự nguyên tắc thể hiện rõ ràng nhất trong ứng xử giao thông. Có thể do hệ thống camera chằng chịt, hoặc mức phạt cho một lần vi phạm rất cao kèm lao động công ích, cũng có thể mọi người nhận thức được việc gây tai nạn giao thông là tội ác và làm cho gia đình người khác trở thành gánh nặng của xã hội, nên cứ đến mỗi giao lộ có bảng hiệu STOP (Dừng lại) màu đỏ, mọi phương tiện đều phải dừng lại quan sát, dù rằng biết chắc chắn không có mối nguy hiểm nào.

Nếu là bảng STOP ALL (Tất cả dừng lại) thì mọi phương tiện dừng lại, tự động quan sát lẫn nhau, chờ đến phiên của mình mới được đi, nên ở các góc ngã tư chẳng bao giờ thấy kẹt xe bởi quy tắc này. Ôtô phải dừng lại nhường xe đạp hoặc người đi bộ, hoặc đứng sau chờ và tuyệt đối không được vượt mỗi khi xe chở học sinh của các trường (school bus) dừng lại.

Việc xếp hàng chờ đợi theo thứ tự tại nơi công cộng là đương nhiên, gần như là quy tắc ứng xử văn hóa tuyệt đối được tuân thủ.

Trẻ em luôn là đối tượng được ưu tiên số 1. Mọi phương tiện giao thông đều dừng lại nhường trẻ em qua đường, dù khoảng cách xa hay gần. Khi xe bus chở học sinh đã xòe bảng STOP thì mọi xe phía sau phải dừng lại. Nếu xe nào vượt gây nguy hiểm đến an toàn cho các bé, tài xế có quyền ghi lại biển số xe và vài ngày sau người vượt sẽ có trát hầu tòa, cũng như chuẩn bị khoảng 3.000 USD nộp phạt.

Ở các trường học cũng luôn có các bạn cờ đỏ cầm cờ STOP để hướng dẫn xe cộ dừng lại mỗi khi có học sinh qua đường. Tại các đoạn đường có trường học, vào mỗi giờ tan trường, đèn nháy sẽ báo và các phương tiện khi vào khu vực này chỉ được di chuyển dưới 20 dặm/ giờ (32km/giờ).

Xếp hàng mọi lúc

Việc xếp hàng được định sẵn trong quy tắc ứng xử bắt đầu từ trường mẫu giáo. Khi con gái tôi học lớp nhỏ nhất, giáo viên rèn luyện khá nghiêm khắc chuyện di chuyển trong trường theo hàng lối, không chạy nhảy, la hét làm ồn lớp khác. Lên trường mẫu giáo, mỗi cháu có một "Magic number", là số thứ tự gắn vào sau tên để các cháu biết rằng mình đang có thứ tự bao nhiêu trong lớp.

Mỗi buổi sáng không có việc sắp hàng để giành nhau ai vào lớp trước, mà chỉ có một bạn được chỉ định làm "Greeter" chào đón các bạn khác bằng 1 trong 3 cách được hướng dẫn đeo trước bụng: chào cờ, xòe năm ngón tay, chạm mũi chân, nói "Hi" hay nhiều cách khác nhau…

Nhưng khi di chuyển vào lớp thể dục hay các môn học khác, số thứ tự được hiểu là vị trí đứng xếp hàng trong hàng di chuyển, chứ không có nguyên tắc "tranh nhau ai đến trước đứng trước" hay "nhỏ trước, lớn sau, lau chau ở giữa". Sau này lớn dần, khi không còn số thứ tự kèm tên, việc xếp hàng thứ tự cũng đã ăn sâu vào tiềm thức của các cháu.

Người tàn tật hay sức khỏe không bảo đảm như người thường được cấp biển số xe và biển báo riêng. Trong bãi xe, vị trí đỗ dành cho người tàn tật luôn sát cạnh cửa chính, để họ không phải di chuyển xa. Người bình thường đỗ vào vị trí này cũng bị phạt khá nặng.

Họ cũng có cầu thang riêng khi đến các nơi công cộng, khu mua sắm, có nhà vệ sinh riêng. Thang máy có chữ nổi để người mù có thể tìm được số tầng. Sân vận động, nơi biểu diễn ca nhạc đều có lối đi vào riêng, khu vực ngồi riêng để tránh tình trạng phải xếp hàng, chen lấn ảnh hưởng sức khỏe. 

Khi mới sang Mỹ học, tôi ngồi xe bus, không hiểu sao mọi người lại nhìn mình nhiều đến thế, khi nhìn lại mới thấy biển báo chỗ ngồi cho người tàn tật.

Xếp hàng cũng chính là cơ hội giao lưu, kết bạn và nói chuyện phiếm. Đây cũng là thói quen tốt đối với người Mỹ bởi họ di chuyển nhiều, nhảy việc nhiều nên giao lưu chuyện trò là nhu cầu thiết yếu. Còn nhớ đợt Black Friday (ngày thứ 6 đen tối) năm 2013, khi đến siêu thị Target để săn hàng giảm giá, tôi đã thấy người ta sắp hàng rồng rắn gần nửa cây số trước vài tiếng.

Tôi mang cả chăn và ghế xếp ra hòa vào dòng người đó, trò chuyện rôm rả với những người xung quanh. Đến giờ quy định siêu thị mở cửa, mọi người lần lượt bước vào, những người đến chậm phải chờ mọi người vào hết mới túc tắc đi vào. Không ai phá vỡ nguyên tắc này, bởi chẳng ai muốn mình nổi bật, bị những người khác xem là người ngoài hành tinh.

Các doanh nghiệp nên ghi biển hiệu "Nói không với bệnh CHEN LẤN" để nhận sự đồng tình ủng hộ. Các điểm phục vụ công cộng, bán hàng... sẽ rất tốt nếu mọi người tuân thủ nguyên tắc "Đối với khách hàng: Không chen lấn với người đang chen lấn. Đối với người bán hàng: Không bán cho người chen lấn".

Chỉ cần doanh nghiệp chấp nhận mất một khách hàng để có được sự ủng hộ của những khách hàng còn lại, chắc chắn mọi thứ sẽ thay đổi. Có lẽ chẳng ai muốn can đảm chen lấn xong để không mua được hàng và nhận những ánh mắt dè bỉu "miễn phí" của người xung quanh.

Thăm dò ý kiến

Vấn đề hôm nay - Gặp một người cố tình chen lấn khi xếp hàng, bạn sẽ ứng xử ra sao?

Bạn có thể chọn nhiều mục. Bình chọn của bạn sẽ được công khai.

Tôi quyết chặn một anh hung hăng chen lấn khi xếp hàng Tôi quyết chặn một anh hung hăng chen lấn khi xếp hàng

TTO - Bài viết về một người đàn ông ăn mặc đồ xịn, xức nước hoa thơm phức mà chen ngang không xếp hàng để giành làm thủ tục trước ở sân bay Tân Sơn Nhất thu hút sự quan tâm của bạn đọc.

PHAN QUỐC VINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên