Chế biến cá tra xuất khẩu tại ĐBSCL - Ảnh: CHÍ QUỐC
"Theo quy định, khi hết hạn thì cơ quan quản lý phải đi kiểm tra để cấp lại. Trong điều kiện dịch COVID-19, nếu không cấp lại được thì sẽ ách tắc.
Do đó, bộ sẽ đề xuất với Thủ tướng Chính phủ có nghị quyết để điều chỉnh quy định này với các điều kiện như kiểm tra online, các biện pháp khác để cấp phép, tạo điều kiện cho doanh nghiệp" - ông Hiệp trả lời báo chí bên lề cuộc họp về một số tồn tại, vướng mắc trong văn bản quy phạm pháp luật giữa Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn với các hội, hiệp hội doanh nghiệp ngày 7-7.
Theo ông Hiệp, các hoạt động cấp phép về kiểm dịch cho xuất khẩu và nhập khẩu còn một số vấn đề. Trong đó, quan trọng nhất là làm thế nào để các mặt hàng cần kiểm dịch, kiểm tra giảm xuống.
"Trong danh mục mã HF, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đã giảm 157 mã hàng/trên 300 mã hàng phải kiểm tra nhưng điều này chưa đủ. Thời gian tới, bộ tiếp tục đưa ra các giải pháp để giảm số mặt hàng cần kiểm tra.
Đồng thời, thời gian kiểm tra cũng cần phải nhanh hơn, thái độ phục vụ tốt hơn và quy trình có ứng dụng công nghệ để tránh doanh nghiệp phải chờ đợi" - ông Hiệp nói.
Ông Hiệp cũng cho hay trong quá trình rà soát, hiện nay còn một số vướng mắc, kiến nghị của Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) về kiểm dịch và kiểm tra an toàn thực phẩm.
Theo đó, VASEP đề nghị mặt hàng tươi sống thì kiểm dịch, còn các mặt hàng chế biến chỉ kiểm tra an toàn thực phẩm theo thông lệ quốc tế. "Hiện với các mặt hàng thực vật thì ngành nông nghiệp đã thực hiện theo thông lệ này, riêng động vật đang áp dụng kiểm dịch cả sản phẩm tươi sống và đã chế biến.
Bộ, lãnh đạo bộ đã chỉ đạo Cục Thú y xem xét, tính toán để sửa theo đúng thông lệ quốc tế, đảm bảo kiểm dịch an toàn các sản phẩm sử dụng cho con người và để doanh nghiệp có điều kiện thông thoáng nhất.
Bộ đang đi theo hướng nghiên cứu đề nghị của VASEP để phân loại mặt hàng cần kiểm dịch và mặt hàng cần kiểm tra an toàn thực phẩm" - ông Hiệp khẳng định.
Ông Nguyễn Thanh Sơn, chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam, cho biết một số quy định về tiêu chuẩn, quy chuẩn không phù hợp với thực tiễn. Điển hình như quy định về chứng nhận hợp quy cho doanh nghiệp sản xuất thuốc thú y và thức ăn chăn nuôi có thể nói là gây khó dễ, tốn kém thời gian và chi phí cho doanh nghiệp.
Thực chất quy chuẩn là để quản lý chất lượng, mà quản lý chất lượng thức ăn, thuốc thú y đã có những quy định khác cao hơn nhiều. Bên cạnh đó, các nước trên thế giới cũng không có quy định này.
Ông Trần Quang Trung, chủ tịch Hiệp hội Sữa Việt Nam, cho rằng các sản phẩm sữa chế biến, có bổ sung thêm canxi, collagen... thì không thể còn vi khuẩn gây bệnh. Do vậy, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn cần bãi bỏ quy định này.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận