Nguồn cung thịt heo cho chợ Bình Điền chủ yếu đến từ các lò mổ ở Long An. Trong ảnh: thịt heo mảnh loại nái (đã mổ, không đầu) được nhập về chợ Bình Điền - Ảnh: NGUYỄN TRÍ.
Theo Ban Quản ly an toàn thực phẩm TP.HCM (QLATTP), cơ quan này đã đối chiếu hồ sơ cấp giấy lưu tại Đội QLATTP Bình Điền và hồ sơ lưu giữ tại sạp, từ đó xác định lô hàng 500kg thịt heo nghi nhiễm bệnh dịch tả heo châu Phi đó là của bà Cao Thị Huyền ở thị trấn Tân Trụ, huyện Tân Trụ, Long An).
Lô hàng này xuất phát tại sạp H1-148 do bà Thái Hồng Loan, một quầy sạp chuyên pha lóc thịt heo lẻ (đùi nạc, vai), nguồn thịt mua từ các quầy sạp thịt heo sỉ, lẻ trong chợ Bình Điền, TP.HCM.
Việc cấp giấy chứng nhận kiểm dịch sản phẩm động vật vận chuyển ra khỏi địa bàn tỉnh đối với lô sản phẩm thịt heo nói trên cho cơ sở kinh doanh tại tỉnh Long An, theo Ban QLATTP TP.HCM, một phần căn cứ vào đơn đăng ký kiểm dịch của bà Loan.
Phần còn lại là căn cứ vào giấy chứng nhận kiểm dịch do Chi cục Chăn nuôi Thú y và thủy sản Long An cấp được lưu tại Đội quản lý ATTP Bình Điền và kiểm tra thực tế trước khi niêm phong phương tiện vận chuyển. Ban QLATTP TP.HCM khẳng định rằng công tác kiểm tra và cấp giấy Chứng nhận kiểm dịch sản phẩm động vật vận chuyển ra khỏi địa bàn tỉnh tại các đội thuộc ban đều tuân thủ và chấp hành đúng theo quy định tại thông tư 25 của Bộ NN&PTNT.
Theo đơn vị này, qua truy xuất nguồn gốc, các sản phẩm thịt heo tại sạp H1-148 nêu trên xuất phát từ 5 cơ sở giết mổ thuộc tỉnh Long An đều có giấy Chứng nhận kiểm dịch sản phẩm động vật vận chuyển ra khỏi địa bàn cấp tỉnh do Chi cục Chăn nuôi thú y và thủy sản Long An cấp.
Ban QLATTP cho biết hiện đơn vị đã có văn bản gửi Sở NN&PTNT Long An đề nghị cung cấp thông tin cụ thể về lô hàng nhiễm vi rút dịch tả heo châu Phi trên (được báo chí phản ánh ngày 13-7) để tìm nguyên nhân vụ việc.
Trước đó, theo thông tin từ Sở NN&PTNT Long An, qua xét nghiệm lô thịt 1.134kg tại một hộ kinh doanh trên địa bàn, đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh phát hiện lô thịt này bị nhiễm dịch tả heo châu Phi .
Điều đáng nói, trong số này có 600kg được chủ hàng khai lấy từ chợ Bình Điền (Q.8, TP.HCM) kèm theo giấy kiểm dịch cho sản phẩm động vật chuyển ra khỏi địa bàn cấp tỉnh được Đội QLATTP Bình Điền cấp.
Theo một số chuyên gia, trừ trường hợp heo bị dịch tả heo châu Phi ở thể mãn tính (ủ bệnh lâu, khó nhận biết), còn lại heo bị bệnh này thường sốt cao 41- 42 độ C kéo dài nhiều ngày với thể trạng bình thường, sau đó heo ủ rủ, lờ đờ, xuất hiện tình trạng xuất huyết thâm tím ở tai, bẹn, bụng và mặt đùi sau xuất huyết sung đỏ tương đối dễ nhận biết bằng cảm quan đối với lực lượng chuyên môn.
Quy định kiểm dịch theo thông tư 25
Theo thông tư 25 của Bộ NN&PTNT, nội dung kiểm dịch đối với sản phẩm động vật xuất phát từ cơ sở theo quy định tại Khoản 1 Điều 37 Luật thú y, cơ quan kiểm dịch động vật nội địa thực hiện như sau:
- Kiểm tra lâm sàng
- Lấy mẫu xét nghiệm bệnh theo quy định
- Niêm phong, kẹp chì phương tiện chứa đựng, vận chuyển động vật
- Hướng dẫn, giám sát chủ hàng thực hiện tiêu độc khử trùng phương tiện chứa đựng, vận chuyển động vật
- Cấp giấy chứng nhận kiểm dịch
- Thông báo cho cơ quan kiểm dịch động vật nội địa nơi đến qua thư điện tử hoặc fax các thông tin sau đây: Số giấy chứng nhận kiểm dịch, ngày cấp, số lượng hàng, mục đích sử dụng, biển kiểm soát phương tiện vận chuyển.
- Thực hiện thông báo ngay sau khi cấp giấy chứng nhận kiểm dịch đối với động vật vận chuyển để làm giống, tổng hợp thông báo theo tuần đối với động vật vận chuyển để giết mổ.
- Trường hợp động vật không bảo đảm các yêu cầu vệ sinh thú y, cơ quan kiểm dịch động vật không cấp giấy chứng nhận kiểm dịch và tiến hành xử lý theo quy định.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận