06/01/2015 16:55 GMT+7

Xem "Chị Phụng", nghĩ về cuộc đời giới "bóng gió"

BÙI THƯ
BÙI THƯ

TTO - Tôi xem “Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng” vào một buổi tối đầy mưa của Sài Gòn. Bộ phim đã bình thường hóa suy nghĩ của tôi về những đoàn hát, về những người đồng tính.

Cảnh trong phim Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng 

Những con đường ngập nước, ánh đèn xanh đỏ phơi dài trên các con phố. 

Đâu đó quanh những quán nhậu, các pê đê cất giọng hát mua vui để bán được vài ba cây kẹo kéo. 

Tôi dừng xe và ngắm nhìn họ.

Tôi nhớ đến chị Phụng, nhớ đến đoàn hát lô tô của chị.

Nếu chưa xem bộ phim, hẳn tôi cũng chẳng màng đến những kiếp sống mưu sinh ấy, ai cũng phải làm để sống. Họ cũng vậy, có gì đáng bận tâm. Nhưng không. Họ là thế giới khác, trên thực tế, họ không được chấp nhận như một người bình thường và được tạo cơ hội làm việc bình thường.

Cuộc đời của chị Phụng-người chuyển giới từ nam sang nữ là những gam màu buồn dưới ánh sáng sặc sỡ của ngọn đèn sân khấu bệ rạc, dưới ánh lấp lánh của những bộ đồ đầy màu sắc, dưới tiếng cười khỏa lấp những ánh nhìn miệt thị, khinh khi.

Chị mê đàn ông, mê hát và bỏ chùa theo gánh hát. Từ đó bắt đầu cuộc sống lang bạt của số kiếp kẻ "bóng gió".

Cuộc sống lang bạt từ nơi này sang nơi khác, đi khắp các tỉnh miền quê nghèo rồi dựng nên hội chợ mua vui cho người dân.

Cuộc đời chị là sự va đụng của những thanh âm ngổn ngang, xô bồ và hỗn loạn. Ở đó, tiếng hát, tiếng cười, tiếng thét, tiếng chửi bới, tiếng khấn vái... và sự xô đẩy nhau dồn con người đến cùng cực, bứt con người ra khỏi mọi sự bình yên, thanh thản.

Tự hào. Cuộc đời của chị Phụng và chị Hằng hay Lan Anh, những người trong đoàn lô tô ấy có những lúc đầy tự hào.

“Thương người chứ sao không thương, thương người mới đông vậy nè. Có đoàn nào đông như đoàn này đâu. Tính làm ăn được là cất miễu, đi tu nhưng rồi tụi nó ai lo, ai quản.”

Những lời đó của chị Phụng sau khi cúng con gà để khấn vái làm ăn vỡ một cái gì đó trong tôi. Hóa ra, chị không chỉ mắc nợ cái nghiệp là kẻ “bóng gió” mà còn nợ những con người thuộc thế giới thứ ba mà chị trót cưu mang.

Còn chị Hằng? Chị có những câu nói khiến khán giả bật cười, vỗ tay nhưng cũng quấn lấy lòng người những xúc cảm éo le, ngang trái. Chị kể: “Nhà có ba chị em, tui trai út giờ vậy nè. Nên tui xin thằng con trai nuôi để ông bà già có đứa gọi tiếng nội”. Rồi thì “Nhà chồng tao mừng vì nó lấy tao, tao dạy. Không có tao, nó về quê đâm người rồi ở tù”.

Chị bình thường hóa được những thứ mà người khác nhìn vào sẽ thấy đầy bi thương.

Và tôi thích điều đó ở chị.

Tôi còn thích cách chị cười khi nhậu sau mỗi đêm hội chợ, thích giọng chị hát với gương mặt không son phấn, chỉ một màu đỏ vì men say, thích bàn tay đầy đặn của chị vịn bờ tường, thích cả cách chị vuốt ve lũ chó con. Nó phản ánh chút gì đó ngọt ngào từ con người này. Chị rất tự nhiên, rất tỉnh và rất đời.

Cái chết. Điều tôi ám ảnh ở chị Phụng là cách chị nói về tuổi già và cái chết.

“Không sợ chết chỉ sợ già. Mình bóng gió mà già thì nhìn kì”, chị nói rồi chị cười.

Phim của đạo diễn Nguyễn Thị Thắm, hiện đang được chiếu tại hệ thống CGV Art House tại VN cho đến thứ sáu tuần này  9-1-2015.     

Trong phim chẳng tìm được lúc nào chị khóc, cả khi đoàn hát cháy tan hoang đến mức chị nói "bán ve chai" mấy thanh sắt.

Vậy mà có lúc như chính chị dự cảm về cái chết khi nói chuyện với thằng Lỳ “Tao mà chết không biết ai mai táng không” “Chết tui mướn ba con bê đê múa lửa cho bà bà vui không”. Rồi lại cười. Tôi nhớ chị Hằng “Nợ người ta 200 triệu lận, mỗi tháng trả 2 triệu. Tiền góp chưa hết là chết rồi”. Chị cũng cười.

Để rồi, những tiếng cười đó đóng đinh vào lòng người ở những dòng cuối phim, cả hai qua đời sau 7 tháng bộ phim đóng máy. Vậy là chị Hằng nói đúng, còn chị Phụng, chưa kịp sắm tivi để xem cũng đã ra đi.

Sài Gòn mưa bao giờ cũng thấy buồn. Nhìn gã pêđê hát tôi nhớ giọng của chị Phụng cuối phim. Người ngồi đó, giữa đám lửa đốt rác, hát và hát. Những bao ni lông bay tung. Những ngọn khói bốc. Người từng ngồi đó, giờ đã ra đi. Chỉ tiếc hai chị chưa xem được phim của chính mình. Tôi tiếc chứ không buồn.

Với họ, mình nên cười, nên vui, nên hát, nên chơi lô tô hơn là nhỏ nước mắt. Khóc trên cuộc đời người khác chỉ làm họ thấy đời mình thêm bi kịch hơn mà thôi. Nên xem họ như người bình thường, tạo cơ hội để họ được bình thường.

Phụng và Hằng, hai chị với tôi cũng là người bình thường, giúp tôi bình thường hóa suy nghĩ đối với những đoàn hát, với những người thuộc thế giới của chị.

 Đêm nay, Sài Gòn mưa nhưng không buồn.

Mời bạn chia sẻ những suy nghĩ, tâm sự, câu chuyện của bạn với mục Tâm sự của Tuổi Trẻ Online qua email tto@tuoitre.com.vn.

 

BÙI THƯ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên