Xem lại chất lượng đào tạo

V.HÀ - M.GIẢNG - NGỌC HÀ
V.HÀ - M.GIẢNG - NGỌC HÀ

TT - Cần nhìn vào chất lượng đào tạo thật để chọn người là cách làm có thể kích thích sự đổi mới, tính cạnh tranh giữa các trường.

Hi vọng điều này sẽ ít nhiều khiến các nhà quản lý từ cấp trường đến những cấp cao hơn nhìn nhận lại vấn đề chất lượng đào tạo. Nhiều chuyên gia giáo dục đã chia sẻ suy nghĩ này với Tuổi Trẻ.

QDqBhpVg.jpgPhóng to

Trường ĐH Lương Thế Vinh là một trong những trường có sinh viên dự tuyển công chức bị tỉnh Nam Định loại trong đợt tuyển dụng năm nay - Ảnh: Vĩnh Hà

Nam Định không tuyển SV trường ngoài công lậpLời cảnh báo từ xã hội

* Giáo sư, viện sĩ Phạm Minh Hạc (nguyên bộ trưởng Bộ Giáo dục):

Hơn 500 ý kiến

Sau ba ngày đăng những thông tin liên quan đến việc Nam Định không tuyển người tốt nghiệp trường ngoài công lập và hệ tại chức, đã có hơn 500 lượt ý kiến của bạn đọc gửi về Tuổi Trẻ bày tỏ quan điểm. Trong đó, hơn 400 ý kiến không đồng tình với cách tuyển dụng này. Nhiều ý kiến cho rằng quy định tuyển dụng như của Nam Định là phân biệt đối xử với sinh viên các trường ngoài công lập và hệ tại chức. Một số khác cho rằng việc tuyển dụng không nên căn cứ trên bằng cấp.

Bên cạnh đó, cũng có hơn 100 ý kiến cho rằng đây là một động thái cần thiết để báo động cho các trường ngoài công lập chấn chỉnh lại hoạt động đào tạo của mình. Bản thân loại hình trường ngoài công lập không phải không tốt, có điều rất nhiều trường ngoài công lập hiện nay không đảm bảo chất lượng đào tạo, gây mất niềm tin trong xã hội.

V.H.

Lỗi đầu tiên thuộc về chất lượng đào tạo

Qua việc Nam Định từ chối hoàn toàn một loại hình đào tạo chính thức nên xem xét lại toàn bộ hệ thống giáo dục, chứ đừng rách chỗ nào chạy đến vá chỗ đó, mất cái cúc kia thì vội khâu nó lại. Chất lượng đào tạo đại học nhiều năm nay đã quá rõ: yếu kém và bùng nhùng. Có những hội chợ việc làm mà nhiều nơi dành cả trăm chỉ tiêu cuối cùng chỉ tuyển được 1-2 người.

Thực tế, nhiều trường mang danh đại học nhưng chưa làm đúng chất lượng của một trường đại học. Chất lượng tuyển sinh năm nay chứng minh rõ luận điểm này. Nhiều trường dân lập chấp nhận “mua” sinh viên, dùng đủ chiêu câu kéo sinh viên, nghĩa là họ cần số lượng, cần học phí, cần thu nhập, chứ nào đã quan tâm đến chất lượng? Khi đã chú trọng lợi nhuận, chất lượng không bảo đảm thì nhãn tiền là cơ quan tuyển dụng từ chối, thậm chí bị loại ngay từ vòng nộp hồ sơ.

Cho nên trong câu chuyện này, nếu nói Nam Định có lỗi vì phân biệt công lập/dân lập thì lỗi ấy nếu có cũng chỉ thứ hai, lỗi đầu tiên vẫn thuộc về chất lượng giáo dục đào tạo hiện nay.

* GS.TSKH Đỗ Trần Cát (tổng thư ký Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước):

Chất lượng quá kém

Thông thường bằng cấp chỉ là điều kiện cần, trong quá trình thi tuyển, năng lực thể hiện mới là điều kiện đủ. Song thẳng thắn mà nói chất lượng đào tạo tại nhiều trường dân lập hiện nay kém. Ngay như các trường mở, bán công rồi nay cũng đã thành trường công lập thì chất lượng cũng rất đáng buồn.

Công bằng mà nói không phải ai học trường dân lập cũng kém. Trong 100 sinh viên cũng có 1-2 sinh viên khá. Nhưng hệ quả của việc ồ ạt mở trường đã làm chất lượng đào tạo khối ngoài công lập không tiến thêm được. Tại sao lại mở nhiều trường như thế khi thực tế cách đây nhiều năm, chúng tôi đã nhận thấy rõ vấn đề giáo dục ĐH thiếu giáo viên, thiếu cơ sở vật chất và thiếu cả sinh viên (như sự thật nhãn tiền mùa tuyển sinh năm nay). Trong 22 năm (1987-2009), số SV tăng 13 lần (từ 130.000 lên 1,7 triệu), trong khi số giảng viên chỉ tăng ba lần.

* GS.TS Võ Tòng Xuân (hiệu trưởng Trường ĐH Tân Tạo):

Nỗ lực để khẳng định

Phải thừa nhận chất lượng đào tạo ở nhiều trường ngoài công lập còn yếu, nhiều trường chưa chú trọng đến chất lượng đào tạo mà mở ra chỉ để thu lợi nhuận. Từ đó xã hội dần dần có cái nhìn chung không tốt về các trường ngoài công lập. Nói như vậy không có nghĩa tất cả trường ngoài công lập đều tồi và tất cả trường công lập đều có chất lượng đào tạo tốt. Các trường ĐH công lập địa phương đa số có cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên chưa đảm bảo. Trong khi đó nhiều trường ngoài công lập cũng chưa chú trọng đầu tư để đảm bảo chất lượng đào tạo.

Việc Nam Định không tuyển người ngoài công lập sẽ khiến họ bỏ lỡ cơ hội tìm được nhân viên giỏi bởi cũng có rất nhiều sinh viên ngoài công lập có năng lực rất tốt. Tuy nhiên điều này cũng là lời cảnh báo để các trường nâng cao chất lượng đào tạo nhằm khẳng định với xã hội.

* TS Bùi Trân Phượng (hiệu trưởng Trường ĐH Hoa Sen):

Quyết định đáng hoan nghênh

Quyết định của Nam Định xuất phát từ các nguyên nhân thực tế và định kiến. Thực tế nhiều trường ngoài công lập chưa tạo được niềm tin về chất lượng đào tạo. Mỗi trường có mục tiêu khác nhau, có trường xác định đào tạo phải có chất lượng và phấn đấu đạt được mục tiêu đó để sinh viên ra trường có việc làm, trong khi không ít trường xác định mục tiêu lợi nhuận nhiều nên ít chú trọng đầu tư cho chất lượng. Từ đó xã hội có định kiến đối với các trường ngoài công lập. Việc Nam Định không tuyển sinh viên ngoài công lập là điều đáng hoan nghênh bởi cơ quan nhà nước đã bắt đầu chú trọng chất lượng. Người phụ trách nhân sự của doanh nghiệp tư nhân nếu tuyển nhân viên tồi sẽ bị kỷ luật, trong khi lâu nay hầu như việc tuyển dụng ở cơ quan nhà nước chưa chú trọng đến vấn đề chất lượng ứng viên. Nhà tuyển dụng có quyền xác lập các tiêu chí tuyển dụng của mình.

Ông Trần Tất Tiệp (giám đốc Sở Nội vụ Nam Định):

Đối tượng nhắm đến là những người tuyển mới

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Trần Tất Tiệp, giám đốc Sở Nội vụ Nam Định, cho biết năm 2008 khi họp bàn về quyết định không tuyển công chức nhà nước cấp tỉnh, huyện tốt nghiệp hệ tại chức, người chủ trì đã nói xin lỗi “nhiều vị lãnh đạo các cấp, ngành học không đến nơi đến chốn, nhưng tư duy lãnh đạo vẫn tốt”.

Ông Tiệp nói: “Vì tôi học tại chức nên lúc đầu có tự ái, nhưng nghe người chủ trì nói cũng thấy được động viên. Mình có thế nào thì chấp nhận thế thôi. Mình phải tự loại mình ra khỏi sân chơi, nghĩa là coi đối tượng nhắm đến là những người tuyển dụng mới. Thời của chúng tôi không giống với bây giờ, làm sao so sánh được. Còn bây giờ, chiến tranh đã qua đi mấy chục năm rồi. Các em, các cháu có điều kiện học tốt hơn. Nói thật, đối tượng học tại chức trước nay toàn con em lãnh đạo. Con em nông dân giỏi lắm, học chính quy rất nhiều. Còn con em cán bộ mà học tốt, vào chính quy, công lập thì chẳng về tỉnh đâu. Trước cứ tuyển tại chức, dân lập thì nhiều con em cán bộ lắm. Còn năm nay, các em dự tuyển đa số là con nông dân chính cống. Tôi tin đây sẽ là đội quân nhiệt tình, trách nhiệm, làm nên chuyện cho Nam Định sau này”.

NGỌC HÀ

V.HÀ - M.GIẢNG - NGỌC HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên