Đi xe tay ga chở nhiều người - Ảnh: Hữu Khoa |
Nhìn vào người cưỡi xe gắn máy chúng ta sẽ thấy ngay sự cân bằng của chiếc xe chỉ được duy trì khi chạy. Khi dừng, người lái phải dùng một hoặc hai chân để tạo thêm một điểm tựa bên cạnh hai điểm tựa khác là hai bánh trước và sau để cân bằng tĩnh.
Té xe, vẫn siết chặt tay ga
Dung tích xilanh hay phân khối của xe sẽ quyết định khả năng tăng tốc và vận tốc của xe, khả năng chuyên chở của xe.
Nhìn qua các loại xe hiện nay chúng ta đều thấy các xe ngày càng to và nặng, phân khối thường là hơn 100cc. Thiết kế như vậy giúp xe vọt nhanh khi lên xe, tốc độ lớn, xe có thể chở khối lượng lớn.
Ưu điểm là vậy nhưng khuyết điểm lớn nhất là xe to nên đòi hỏi người lái phải cao, to, khỏe để có thể giữ thăng bằng tĩnh hay động khi xử lý vấn đề.
Khi dừng đèn đỏ, người lái phải đủ cao để chống chân chịu lực cân bằng xe, nhất là khi xe có chở thêm một hay hai người (chúng ta thường thấy cả nhà bốn người trên một chiếc xe hay hai ba mẹ con, ba cha con chở nhau trên một chiếc xe).
Khi xe bị xe khác cúp đầu hoặc gặp va chạm phải thắng gấp, người lái phải đủ mạnh để kìm tay lái và chống chân giữ thăng bằng cho khỏi té. Vận tốc càng lớn thì khả năng giữ thăng bằng càng khó.
Khả năng tăng tốc nhanh của xe phân khối lớn làm cho những người lái xe không quen sẽ dễ mất kiểm soát khi lái, nhất là khi bị va chạm. Có rất nhiều người bị té xe gắn máy tay vẫn còn nắm chặt tay lái và siết chặt tay ga khiến xe rú lên và xoay vòng gây các tổn thương do xoắn vặn.
Tổn thương do chấn thương càng nặng khi năng lượng chấn thương càng lớn. Năng lượng tỉ lệ thuận với vận tốc và khối lượng (năng lượng = khối lượng nhân vận tốc bình phương chia hai).
Do đó, dễ thấy những tai nạn do xe gắn máy to với phân khối lớn ngày càng nặng, thậm chí có thể tử vong ngay tại chỗ.
Đặt hàng nghiên cứu
Tổng hợp hai phân tích trên chúng ta có thể thấy việc sử dụng xe gắn máy to, phân khối lớn sẽ làm nguy cơ chấn thương tăng cao nhất là đối với người sử dụng không thành thạo, phụ nữ, trẻ em, những người có thể tạng nhỏ bé và yếu.
Dĩ nhiên sẽ có phản bác cho rằng một số “tay đua trẻ” nhỏ con nhưng vẫn lạng lách điệu nghệ, điều khiển xe linh hoạt. Tuy nhiên chúng ta cần nhìn số đông để thấy rằng nhóm “tay đua trẻ” không đại diện cho đa số.
Trở ngược về thời gian trước, hàng loạt xe Cub với dung tích xilanh khoảng 50cc, thiết kế xe nhỏ, nhẹ giúp tạo thuận lợi cho việc di chuyển trong thành phố lớn. Xe được thiết kế phù hợp với tạng người nhỏ bé của dân Việt Nam.
Không có nghiên cứu chứng minh vào thời kỳ sử dụng xe gắn máy phân khối nhỏ thì số lượng tai nạn và mức độ nặng của tai nạn ít hơn bây giờ.
Tuy nhiên nhìn qua các con số thống kê tai nạn của các bệnh viện trong TP.HCM cũng như của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia chúng ta thấy số vụ tai nạn đối với người đi xe máy chiếm tỉ lệ cao trong tổng số vụ tai nạn giao thông đường bộ.
Có chăng mối liên hệ chặt chẽ giữa việc sử dụng xe gắn máy phân khối lớn và số vụ tai nạn tăng này?
TP.HCM, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia có thể đặt hàng một nghiên cứu như vậy để có một chiến lược sản xuất xe gắn máy dùng trong thành phố khi mà khả năng hạn chế xe gắn máy còn xa vời.
Chưa quan tâm tiêu chuẩn an toàn Tai nạn giao thông vẫn là một hiểm họa lớn ở Việt Nam. Nguyên nhân do người tham gia giao thông, do xe cộ và do cơ sở hạ tầng, mấu chốt vẫn do con người nhưng phương tiện lại đóng vai trò vũ khí, xe càng lớn sát thương càng mạnh. Ở Việt Nam, các tai nạn giao thông nghiêm trọng đều có mặt các phương tiện vận tải cơ giới lớn như xe container, xe khách giường nằm, xe tải nặng. Nhưng nếu tính trên số vụ tai nạn thì tỉ lệ số vụ liên quan đến xe hai bánh khá cao, trên 70%. Lý do dễ thấy vì người Việt sử dụng xe máy trong sinh hoạt hằng ngày nhiều nhất trên thế giới. Xe đủ loại đủ kiểu cỡ, các tiêu chuẩn kỹ thuật và an toàn của ngành GTVT vẫn chưa quan tâm đến loại xe này, ý thức tham gia giao thông của nhiều người còn kém, chỉ muốn hơn thua “cá lớn nuốt cá bé”... Phân tích thêm về xe máy to hay nhỏ, cả phân khối lẫn kích thước, hiện tượng xe máy to có chiều hướng gia tăng, có thể do tâm lý phải hơn người khác và hình ảnh chiếc xe máy trong gia đình người Việt giống như chiếc xe con của các nước. Chưa kể tính cạnh tranh khốc liệt về doanh số và thương hiệu của các hãng sản xuất xe máy. Mỗi khi chạy xe trên đường, chắc không ai ưa thích tiếng gầm rú của những xe phân khối lớn (trừ người đang ngồi trên xe này), chắc không ai cảm thấy yên tâm khi chen chúc hay bị vượt qua mặt bởi những xe máy vừa kềnh càng vừa phóng nhanh. Đã đến lúc Bộ GTVT và Ủy ban An toàn giao thông quốc gia có các chương trình nghiên cứu ảnh hưởng tác động và an toàn của xe máy to lên dòng xe trên đường tại các đô thị song song với các chương trình nghiên cứu về xe máy trong giao thông đô thị. Để từ đó đưa ra các quy chuẩn tiêu chuẩn kỹ thuật và các chiến lược phát triển ngành phù hợp với thực tiễn giao thông Việt Nam. Tuy rất khó, vì không có bất cứ nước nào trên thế giới có tỉ lệ xe máy trong dòng xe quá đặc biệt như Việt Nam, nhưng đây là việc đáng làm trong lộ trình giảm tai nạn giao thông. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận