CEO Elon Musk trình diễn cửa cánh ưng trên mẫu Tesla Model X trong sự kiện ra mắt năm 2015 - Ảnh: Insider
Model X, có giá khởi điểm 132.000 USD khi mới ra mắt, đánh dấu một cột mốc quan trọng khác trong lịch sử của Tesla.
Giống như mẫu sedan Model S trước đó, Model X đã được giới thiệu nhiều năm trước khi đi vào sản xuất và phải sau 3 năm, những chủ nhân đầu tiên mới được nhận xe.
Chiếc xe được trang bị những công nghệ hiện đại nhất khi ra mắt vào năm 2015. Đặc biệt, CEO Elon Musk luôn tự hào về độ an toàn của chiếc xe, được xếp hạng 5 sao ở mọi hạng mục. Đến mức ông tự tin nói đây là “chiếc SUV an toàn nhất thế giới”.
Sự tự tin của ông nằm ở chỗ Model X có tính năng phanh khẩn cấp tự động và bộ cảm biến an toàn chủ động, cùng radar được thiết kế để giúp chiếc SUV phát hiện và tránh các mối nguy hiểm trên đường có thể dẫn đến va chạm.
Thế nhưng, dần dần, những lời phàn nàn xung quanh Tesla Model X bắt đầu xuất hiện.
So với những người anh em cùng nhà, Tesla Model X nhận được ít phàn nàn nhất, theo Car Problem Zoo. Dù vậy, không hề thiếu những phàn nàn xung quanh vấn đề an toàn, bên cạnh những lỗi nằm ở cửa cánh ưng hay màn hình.
Những lỗi thường gặp liên quan đến vấn đề an toàn trên Tesla Model X
Một trong những phàn nàn nhiều nhất là lỗi hệ thống treo. Nhiều chủ sở hữu Model X đã phàn nàn về tiếng ồn liên tục phát ra từ hệ thống treo trước, xe bị dừng đột ngột hoặc rung lắc dữ dội. Tesla đã từng phải triệu hồi xe vì lỗi này.
Tiếng ồn ào trong hệ thống treo - Ảnh minh họa: Car and Driver
Một lỗi đáng chú ý khác là trong hồ sơ NHTSA, các tính năng hỗ trợ lái xe có thể không khả dụng mà không kèm cảnh báo.
Nhiều phàn nàn cho biết camera của ôtô đột nhiên bị lỗi, xe mất tín hiệu báo rẽ và tín hiệu khẩn cấp, một số tính năng bị khóa đột ngột, gần như không thể lái an toàn trên đường…
Lỗi này đã khiến Tesla phải tiến hành triệu hồi vào năm 2020, do hệ thống hỗ trợ suy giảm hoặc mất chức năng hoàn toàn.
Hỗ trợ lái có vấn đề - Ảnh: Tesla
Tương tự, hệ thống lái tự động (Autopilot hoặc FSD) cũng bị chỉ ra từ chối hoạt động hoặc hoạt động không hiệu quả trong nhiều trường hợp, thậm chí được cho là có liên quan đến nhiều vụ tai nạn đã xảy ra.
Tự động lái bị lỗi - Ảnh: Fortune
Trong vài năm qua, một số chủ xe Tesla Model X cũng cho biết chiếc xe của họ bị tăng tốc đột ngột mà không có cảnh báo trước. Đã có trường hợp va chạm vào xe khác.
Xe có thể bị tăng tốc ngoài ý muốn - Ảnh: Digital Trends
Một lỗi đáng quan ngại nữa liên quan đến vấn đề an toàn được gọi là “bóng ma kính chắn gió”. Đó là hiện tượng xảy ra khi người lái Model X bị “mắt kém đột ngột” khi có thể nhìn một vật thể thành hai, chẳng hạn đường chỉ có một bộ đèn pha nhưng họ nhìn thấy thành hai trong đêm tối.
Tesla không lo lắng về vấn đề này, trả lời rằng kính nào cũng có thể xảy ra hiện tượng này, ít hay nhiều mà thôi.
"Bóng ma" kính chắn gió - Ảnh minh họa: Teslarati
Các vụ tai nạn liên quan đến Tesla Model X
Nổi tiếng nhất có lẽ là vụ việc mới xảy ra với nam diễn viên nổi tiếng Lâm Chí Dĩnh. Video ghi lại hình ảnh tai nạn còn nhiều uẩn khúc khiến nhiều người không khỏi cho rằng đã có vấn đề với chiếc xe. Cảnh sát Đài Loan vẫn đang điều tra vụ việc.
Hình ảnh chiếc Tesla Model X của nam diễn viên Lâm Chí Dĩnh bốc cháy trong vụ tai nạn - Ảnh: CnEVPost
Trước đó, cũng đã có một số vụ tai nạn đáng chú ý liên quan đến Tesla Model X.
Ngày 23-3-2018, chiếc Tesla Model X P100D 2017 của Walter Huang đã đột ngột đi chệch làn, đâm vào dải phân cách ở California, Mỹ. Huang đã không qua khỏi sau vụ tai nạn.
Các tài liệu của Ủy ban An toàn giao thông vận tải quốc gia Mỹ (NTSB) cho thấy Huang đã nhiều lần phàn nàn về việc chiếc xe tự ý đi chệch làn.
Dữ liệu từ điện thoại của Huang cho thấy có trò chơi được bật trong khi đang lái xe, và tay anh đã không đặt trên vô lăng khoảng 6 giây trước khi xảy ra vụ tai nạn. Nhưng không đủ dữ liệu để kết luận Huang có đang chơi game vào thời điểm xảy ra tai nạn hay không.
Cũng trong thời điểm đó, tính năng lái tự động Autopilot đã được kích hoạt và chiếc xe đâm vào dải phân cách ở tốc độ 112 km/h.
Hình ảnh chiếc Tesla Model X của Walter Huang gặp nạn - Ảnh: Automotive News
Năm 2021, một nhóm các quan chức Texas đã kiện Tesla sau khi một chiếc Model X với tính năng Autopilot đâm vào 5 cảnh sát.
Theo đơn kiện, vụ việc xảy ra vào ngày 27-2-2021, chiếc Model X đã đâm vào một số cảnh sát khi họ đang dừng xe trên cao tốc Eastex, tất cả đều bị thương nặng.
Các nguyên đơn cho rằng “những khiếm khuyết về thiết kế và sản xuất mà Tesla đã biết” là nguyên nhân gây ra vụ tai nạn, cũng như “Tesla không sẵn sàng thừa nhận hoặc sửa chữa những khiếm khuyết đó”.
Họ cho rằng chế độ lái tự động “không phát hiện được xe của các sĩ quan hoặc có cách thức để tránh hoặc cảnh báo về mối nguy hiểm và khả năng xảy ra va chạm”.
Chiếc Tesla Model X đã đâm vào cảnh sát - Ảnh: Click2Houston
Tháng 8-2021, một người dùng Reddit BBFLG đã đăng tải thông tin cho thấy chiếc Tesla Model X LR Plus của anh đã xảy ra va chạm khi sử dụng tính năng tự lái FSD.
Vụ tai nạn xảy ra trong khu vực giới hạn tốc độ 40 km/h, tài xế vẫn đặt tay trên vô lăng, mắt vẫn nhìn đường, nhưng chiếc xe đã đi vào đường rải sỏi và đập vào một tảng đá.
Anh không định kiện cáo, mà chỉ muốn góp ý với hãng sửa FSD, nhưng dùng email và gọi điện không được chú ý.
Người dùng cũng phàn nàn cả FSD - Ảnh: Autoevolution
Tháng 4-2022, một video lan truyền cho thấy chiếc Tesla Model X đã tự va vào máy bay. Lần này, nguyên nhân được cho nằm ở tính năng triệu hồi thông minh Smart Summon, cho phép người dùng “triệu hồi” xe trong khoảng cách tối đa thông qua ứng dụng trên smartphone.
Chủ xe đã dùng tính năng này để “gọi xe về”, và trên đường đi đã vô tình va phải máy bay, đi tiếp một đoạn rồi mới dừng lại.
Tesla khẳng định người dùng đã sử dụng Smart Summon sai cách khi chỉ nên áp dụng ở những nơi không có chướng ngại vật.
Tesla Model X đâm vào máy bay - Video: @Phylan/Twitter
Tháng 5-2022, một chủ xe ở Melbourne, Úc, cho biết chiếc xe của anh đang bật Autopilot khi lao vào thanh chắn trên đường.
Người lái xe nói với kênh 9News rằng anh ta đã lái xe ở tốc độ dưới 60 km/h, bật Autopilot, nhưng rồi chiếc xe bắt đầu rung lắc và mất kiểm soát. Vụ va chạm khiến xe hư hỏng nặng, mất một bánh, người lái xe không bị thương.
Chiếc Tesla Model X mắc kẹt trên thanh chắn đường - Ảnh: 9News
Tháng 7-2022, trang Insider đưa tin một phụ nữ Đức kiện Tesla vì lỗi hệ thống lái xe tự động trên Model X. Người này cho biết chiếc Tesla sẽ tự phanh ngẫu nhiên khi lái xe, và thường không phát hiện được chướng ngại vật trên đường. Tesla bị tòa án Đức yêu cầu bồi thường cho người phụ nữ 101.000 USD.
Luật sư của Tesla lập luận rằng chức năng Autopilot không nhằm mục đích sử dụng trong giao thông thành phố, theo Der Spiegel, nhưng tòa án đã không chấp nhận lập luận này. Thực tế, Tesla cũng chỉ rõ không dùng Autopilot trong nội đô trên trang web hướng dẫn.
Nhìn chung, trong hầu hết các trường hợp, Tesla đưa ra phản hồi rằng Autopilot không khiến cho chiếc xe tự lái hoàn toàn, mà vẫn yêu cầu “sự giám sát tích cực từ người lái”. Hoặc “Trong tất cả các trường hợp chúng tôi thu được dữ liệu thì đều xác nhận rằng chiếc xe hoạt động như thiết kế”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận