Một xe công biển xanh không có phù hiệu đại biểu “vô tư” trẩy hội Yên Tử, Quảng Ninh - Ảnh: Đức Tiến |
Chậm nhất đến ngày 30-5, các bộ, cơ quan trung ương và các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phải tổng hợp nhu cầu mua sắm ôtô và gửi về Bộ Tài chính để thực hiện cơ chế mua sắm tập trung cấp quốc gia, theo thông báo mới nhất của Bộ Tài chính.
Trong văn bản được phát đi ngày 30-3, Bộ Tài chính cho biết việc mua sắm tập trung cấp quốc gia sẽ được áp dụng đối với ôtô, bao gồm: ôtô phục vụ công tác cho các chức danh, ôtô phục vụ công tác chung...
Ngoài ra, các mặt hàng thuộc diện mua sắm tập trung cấp bộ, ngành, địa phương cũng phải được công bố danh mục trước ngày 30-6. Như vậy, hoạt động mua sắm xe công trong thời gian tới sẽ giảm còn 170 đầu mối (gồm hai đơn vị mua sắm tập trung cấp quốc gia cùng các đầu mối của các bộ, cơ quan trung ương và các địa phương), thay vì hàng chục ngàn đầu mối như hiện nay.
Sẽ không còn mạnh ai nấy mua
Cũng theo văn bản này, căn cứ vào nhu cầu được gửi về, Bộ Tài chính sẽ rà soát, tập hợp các trường hợp đăng ký mua sắm đúng tiêu chuẩn để đơn vị mua sắm tập trung quốc gia thực hiện đấu thầu, lựa chọn nhà cung cấp và ký thỏa thuận khung với đơn vị trúng thầu.
Dựa trên thỏa thuận khung này, những đơn vị có nhu cầu mua xe sẽ trực tiếp ký hợp đồng mua bán, thanh toán, tiếp nhận xe với đơn vị trúng thầu.
“Khi phương thức mua sắm tập trung đi vào vận hành một cách chuyên nghiệp sẽ giảm bộ máy và biên chế trong mua sắm công, tiết kiệm chi ngân sách do giảm giá mua, giảm chi phí thực hiện các thủ tục liên quan đến đấu thầu, khắc phục được tình trạng mua sắm vượt tiêu chuẩn, định mức, vượt nhu cầu thực tế và mua sắm xa xỉ, hạn chế tiêu cực, sai phạm...” - văn bản khẳng định.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Phạm Đình Cường, nguyên cục trưởng Cục Quản lý công sản, đánh giá việc mua sắm tập trung sẽ giúp giải quyết tận gốc vấn đề mua sắm vượt định mức, tình trạng lãng phí và khả năng tiêu cực bởi mua với số lượng lớn chắc chắn rẻ hơn.
“Thực tế chúng tôi từng làm cho thấy chỉ cần mua số lượng lớn, đàm phán giá thôi chứ chưa cần đấu thầu đã có thể giảm giá được trên 10%” - ông Cường nói.
Cũng theo ông Cường, nếu để hàng ngàn cơ quan trong cả nước tự mua sắm, việc mua vượt định mức, tiêu chuẩn có thể xảy ra do mỗi người thích một loại xe khác nhau. Trong khi đó, việc mua sắm tập trung không những loại bỏ được chuyện vượt khung mà giảm thiểu nguy cơ tiêu cực so với nhiều cơ quan tự đấu thầu, bởi cả nước sẽ theo dõi.
“Tuy nhiên, muốn phát huy hiệu quả, cơ chế hoạt động của cơ quan mua sắm tập trung cần được hướng dẫn công khai minh bạch, đảm bảo có sự giám sát chặt chẽ của báo chí, người dân” - ông Cường nói.
Khoán xe công để hạn chế lãng phí
Ngoài tổ chức mua sắm tập trung, theo dự thảo Luật quản lý sử dụng tài sản công được Bộ Tài chính công bố, tới đây sẽ cho phép các đơn vị sự nghiệp công lập (như bệnh viện, trường học, viện nghiên cứu, các trung tâm...) được sử dụng tài sản công vào mục đích dịch vụ, cho thuê, liên doanh, liên kết nhằm tăng hiệu quả tại nơi tài sản công dùng chưa hết công suất, tuy nhiên phải đáp ứng hàng loạt điều kiện.
Theo một lãnh đạo Bộ Tài chính, hiện nay nhiều cơ quan đã cho thuê trụ sở, tài sản không đúng quy định, không nộp thuế mà chủ yếu tăng thu nhập, nhưng hoạt động này tới đây sẽ bị siết lại.
“Nếu muốn liên doanh hay cho thuê tài sản, đơn vị phải có tài sản chưa dùng hết công suất, có phương án được duyệt và không để ảnh hưởng đến nhiệm vụ chính trị... Khi liên doanh, cho thuê tài sản công sẽ phải nộp thuế theo quy định” - vị này nói.
Đặc biệt, dự thảo luật này cũng quy định về việc “khoán sử dụng phương tiện đi lại”, khuyến khích các đoàn xe của các bộ, ngành, địa phương chuyển đổi thành doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp tự hạch toán thu chi, tự trang trải lương và đầu tư mới... Thay vì đi xe riêng khi có nhu cầu, các cán bộ có tiêu chuẩn có thể gọi đoàn xe và thanh toán theo kilômet, trong khi lái xe cũng tận dụng thời gian rỗi để làm dịch vụ, tăng hiệu quả, giảm lãng phí...
“Các đơn vị có thể liên kết với các thành phần kinh tế khác để đầu tư, cung cấp thêm dịch vụ xe cho xã hội để có nguồn vốn nâng cao thu nhập và đảm bảo đầu tư, sửa chữa” - vị này cho biết.
Trao đổi với chúng tôi, TS Ngô Trí Long - chuyên gia kinh tế - cho rằng ngân sách đang khó khăn, chi thường xuyên đã vượt tổng thu ngân sách, nên đã đến lúc cần quyết liệt siết chặt và tăng hiệu quả sử dụng tài sản công nhưng phải công khai, tránh việc trụ sở cho thuê đáng 10 đồng, họ cho thuê 2-3 đồng, còn lại chia nhau...
Với cơ chế mua sắm tập trung, theo ông Long, đây là giải pháp cần thiết nhằm tiết giảm chi tiêu công, đồng thời ngăn chặn hiện tượng tiêu cực, trục lợi của những người tham gia mua sắm xe công. “Cũng cần phải siết tiêu chuẩn định mức bởi ở nước ngoài, ngay cả thủ tướng cũng tự lái xe đi làm” - ông Long nói.
Có tình trạng “cát cứ”, lấn chiếm trụ sở Bộ Tài chính cho biết trụ sở làm việc của các cơ quan, đơn vị là tài sản lớn nhất trong các loại tài sản nhà nước (chiếm khoảng 93% trong tổng giá trị khoảng 3 triệu tỉ đồng). Dù việc quản lý đã có chuyển biến nhưng thực tế ở một số nơi vẫn xảy ra tình trạng “cát cứ”, lãng phí, thậm chí có cơ quan trụ sở bị lấn chiếm, có đơn vị được cấp kinh phí xây trụ sở mới nhưng lại không chịu trả lại trụ sở cũ... Vì vậy, dự thảo luật quy định sẽ giao việc quản lý, điều chuyển trụ sở cho Bộ Tài chính (với các trụ sở trung ương) và sở tài chính (ở địa phương) nhằm tránh sử dụng sai tiêu chuẩn, đặc biệt là tình trạng nơi thiếu phải đầu tư trụ sở trong khi nơi khác lại đang thừa... |
Chi phí “nuôi” xe công hơn 13.000 tỉ đồng/năm Theo Bộ Tài chính, chi mua sắm tài sản nhà nước hằng năm của Việt Nam chiếm khoảng 20% tổng chi ngân sách, tương đương khoảng 200.000 tỉ đồng. Nếu triển khai mua sắm tập trung toàn bộ các hàng hóa, dịch vụ như ở một số nước, hằng năm dự kiến sẽ tiết kiệm chi ngân sách là 30.000 tỉ đồng nhờ giá giảm khi mua sắm với số lượng lớn. Hơn nữa, mua sắm tập trung giúp giảm đầu mối thực hiện và chi phí để tổ chức đấu thầu. Đặc biệt, tính đến cuối năm 2014, tài sản xe công là hơn 20.600 tỉ đồng, chưa kể chi phí “nuôi xe” bình quân lên tới 320 triệu đồng/xe/năm. Với tổng số cả nước có 40.000 xe công (không tính số xe của doanh nghiệp nhà nước, Bộ Công an và Bộ Quốc phòng), ngân sách hằng năm phải bỏ ra gần 13.000 tỉ đồng để vận hành số xe công này. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận