10/08/2019 15:04 GMT+7

Xe chuyên đưa đón học sinh, bao giờ?

TRỌNG NHÂN ghi
TRỌNG NHÂN ghi

TTO - LTS: “Cần xe chuyên dụng, đảm bảo an toàn cho việc đưa đón học sinh” - PGS.TS Phạm Xuân Mai, nguyên trưởng khoa kỹ thuật giao thông ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM), thêm ý kiến về vấn đề này.

Xe chuyên đưa đón học sinh, bao giờ? - Ảnh 1.

Xe đưa đón học sinh chạy trên đường Trường Chinh, Q.Tân Bình, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Tiêu chuẩn cụ thể quy định về xe đưa đón học sinh, một trong những vấn đề quan trọng mà ngành giáo dục và ngành giao thông dường như thiếu sót.

Vì sao cần có một loại xe riêng chuyên đưa đón học sinh thay cho xe thông thường như hiện nay?

Ở các nước, xe chở học sinh là loại xe đặc biệt về màu sắc bên ngoài lẫn nội thất bên trong, vì đó là xe chuyên dùng đưa đón học sinh, mục đích trên hết là đảm bảo an toàn cho các em.

Từ vụ việc không may ở Trường tiểu học Gateway (Hà Nội), lỗi chủ yếu nằm ở sai sót của con người nhưng theo tôi, cũng không thể loại trừ nguyên nhân tiêu chuẩn xe không phù hợp.

Vừa qua, Bộ GD-ĐT cũng đã yêu cầu rà soát lại các loại xe đưa đón học sinh trong khi chúng ta hiện vẫn chưa có một tiêu chuẩn cụ thể cho loại xe trên, điều này chưa hợp lý.

Xe đưa đón học sinh phải phù hợp độ tuổi, vóc dáng, cơ thể các em, và được hỗ trợ những thiết bị nhằm tránh bỏ quên học sinh hay hạn chế các tai nạn trên xe như té ngã.

Chúng ta có thể học hỏi từ những quy chuẩn nước ngoài và có điều chỉnh để phù hợp với những đặc điểm của con người và giao thông Việt Nam.

Xe chuyên đưa đón học sinh, bao giờ? - Ảnh 2.

Ông Phạm Xuân Mai - Ảnh: TRỌNG NHÂN

Các tiêu chuẩn đó bao gồm:

1. Xe phải được thiết kế dựa trên các thông số nhân trắc học của học sinh Việt Nam, từ kích thước ghế ngồi, chiều cao lồng xe, kích cỡ bậc lên xuống, cửa sổ, kính chắn gió, tất cả phải đảm bảo sự thoải mái và an toàn trong xe.

2. Xe cần được trang bị những thiết bị giúp tài xế hay giáo viên hướng dẫn có thể kiểm soát được những hành vi của học sinh.

Xe chở trẻ nhỏ, vốn hay nghịch ngợm và nhiều lúc không tự chủ, những hệ thống như camera theo dõi, máy quét kiểm soát là rất cần thiết, giúp người lái xe luôn nắm được toàn bộ tình hình trên xe.

Nhiều loại xe nước ngoài được trang bị hệ thống kiểm tra số lượng hành khách trên xe khi xe đã dừng lại; trường hợp còn sót người, xe sẽ tự động cảnh báo.

Có xe được thiết kế thêm cửa thoát hiểm bên trên trong trường hợp khẩn cấp.

3. Xe đặc thù chở học sinh nên yếu tố nhận diện cũng quan trọng không kém. Dù không phải là xe ưu tiên nhưng cần được thiết kế riêng để nhìn là nhận ra xe đưa rước học sinh.

Xe phải được sơn một màu nổi bật với tín hiệu rõ ràng, chẳng hạn ở các nước là màu vàng đậm với hệ thống còi tín hiệu cần thiết.

Tuyệt đối kính xe không được dùng màu đen để người trong và ngoài xe có thể dễ giao tiếp với nhau.

Ngoài ra, xe cần có một hệ thống cảnh báo đặc biệt để trong trường hợp bất trắc xe đó vẫn có thể được những người xung quanh phát hiện và nhanh chóng can thiệp.

Trách nhiệm và sự tận tâm của người làm nghề đưa đón trẻ rất quan trọng, nhưng những xe chuyên dụng phù hợp với việc này sẽ giúp con người hạn chế rủi ro.

Theo tôi, Việt Nam hoàn toàn có khả năng sản xuất những loại xe chuyên dùng đưa đón học sinh.

Tuy nhiên, để thực hiện điều này, trước hết cần có những quy định cụ thể và cần sự tiên phong đầu tư loại xe này.

Nếu không, các trường không có sự lựa chọn nào khác ngoài dùng những xe hợp đồng chở khách thông thường thành xe chở học sinh.

Mỗi trường làm mỗi kiểu, thậm chí có nhiều trường kinh phí hạn chế còn phải thuê những xe quá hạn, xe rẻ, kém chất lượng, điều này người thiệt là ở các em học sinh.

An Giang: sẽ siết quản lý xe đưa rước học sinh

Đó là khẳng định của ông Lý Thanh Tú, phó giám đốc Sở GD-ĐT An Giang, với Tuổi Trẻ sau sự cố trên xe đưa rước học sinh đến trường ở Hà Nội. Theo ông Tú, địa bàn An Giang có 2 trường tư thục có tổ chức xe đưa rước học sinh bằng xe "xịn", còn các trường học ở TP Long Xuyên thì việc đưa rước do giáo viên tự tổ chức.

Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, TP Long Xuyên hiện có 3 điểm trường tiểu học có tổ chức xe đưa rước học sinh bằng các loại xe cũ, có sự tự nguyện của gia đình và có giám sát. "Mọi người vẫn nghĩ xe ôtô đưa rước đã an toàn nhất. Sau vụ việc ở Hà Nội, chúng tôi sẽ quan tâm đến nội dung chất lượng xe ôtô đưa rước học sinh. Mỗi đầu năm học, chúng tôi luôn nhắc nhở các trường về những quy định đảm bảo an toàn giao thông đối với xe máy khi đưa rước học sinh, nhưng năm nay sẽ có thêm quy định an toàn đối với xe ôtô đưa rước học sinh ngay từ đầu năm học. Cụ thể, sẽ lưu ý, giao trách nhiệm cho hiệu trưởng" - ông Tú nói.

Một lãnh đạo UBND TP Long Xuyên cho biết sẽ cho kiểm tra lại toàn bộ các điểm trường có xe đưa rước học sinh để chuẩn bị vào năm học mới an toàn hơn. UBND TP sẽ giao cho Công an TP kiểm tra các xe này phải đảm bảo an toàn mới cho hoạt động đưa đón học sinh đến lớp.

BỬU ĐẤU

Đưa đón học sinh: Không chỉ trách nhiệm mà phải tận tâm Đưa đón học sinh: Không chỉ trách nhiệm mà phải tận tâm

TTO - Phản hồi vụ một trẻ lớp 1 tử vong vì bị bỏ quên trên xe đưa đón, bạn đọc viết: 'Rủi ro có thể xảy đến bất cứ lúc nào. Hi vọng câu chuyện này góp thêm một góc nhìn cho độc giả và gửi một lời về trách nhiệm của mỗi người với công việc của mình'.

TRỌNG NHÂN ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên